Nhanh, dễ dàng
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đặc biệt là internet, khiến cho nạn ăn cắp bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Một bộ phim nổi tiếng được chiếu độc quyền trên kênh truyền hình K+, thì chỉ ít ngày sau, các trang web giải trí đã quay lại và phát tán. Nhiều ca khúc bị ăn cắp và chia sẻ tràn lan trên các diễn đàn, các website… chỉ sau một phút xuất hiện trên mạng. Số đông người sử dụng mạng không ý thức được hành động “ăn cắp”, đồng nghĩa với việc vi phạm bản quyền của mình. Chưa kể, có những hành vi sử dụng công nghệ cao để thu lời bất chính. Bà Phạm Thanh Thủy, Truyền hình số vệ tinh K+ cho biết, chính vì nạn ăn cắp sóng phát trên mạng đã khiến nhiều đơn vị truyền hình mất quyền tường thuật trực tiếp nhiều trận bóng đá của nước ngoài, điển hình là trận chung kết UEFA Champions League vừa qua.
Để ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền âm nhạc, có thể phối hợp với các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Google… tiến hành rà soát, kiểm tra. Tuy vậy, với các website thì việc ngăn chặn vô cùng phức tạp, chỉ được thực hiện thủ công, không có công nghệ hỗ trợ. Giám đốc khu vực miền Bắc - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Đoàn Thị Hương cho biết, Trung tâm dù rất muốn có các phần mềm tìm và ngăn chặn vi phạm bản quyền, tuy nhiên công nghệ phần mềm để tác nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên đang rất khó khăn. “Với nguồn nhân lực có hạn, VCPMC chỉ có thể sử dụng các thao tác thủ công, nhân viên nghe nhạc phát hiện lỗi, sau đó thông báo tới người vi phạm”.
Chưa thể chỉ đích danh kẻ vi phạm
Tại diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2016, đại diện hai nước đã bàn đến những biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền đang diễn ra hiện nay. Phó Chủ tịch BHD Việt Nam Trương Xuân Thanh bày tỏ: “Việc vi phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của chủ sở hữu, phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Song đáng tiếc tại ViệtNam, vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến do chưa đặt vấn đề này đúng tầm, chưa có những chiến dịch cụ thể tuyên truyền đủ độ sâu và không có sức lan tỏa trong cộng đồng”. Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam Phạm Thị Kim Oanh, văn bản pháp luật đã có, các chế tài dân sự, hành chính cũng đã có, nhưng quá trình thực thi còn gặp khó khăn. “Thứ nhất, nhiều đơn vị chưa chủ động phát hiện và yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Thứ hai, nhiều đơn vị vi phạm chưa xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường theo các cơ chế như dân sự hoặc yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết vấn đề này”.
Với số lượng lớn sản phẩm có bản quyền của công ty đang lưu hành ở ViệtNamvà nhiều nước, hành vi vi phạm bản quyền gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho BHD và các đối tác. Ông Trương Xuân Thanh cho biết, BHD đã phối hợp với đại diện Youtube, Google… tiến hành các biện pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền; đồng thời tự tìm những địa chỉ, đường dẫn có hành vi vi phạm và liên hệ yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, “Chúng tôi chỉ tìm được hành vi vi phạm mà không tìm được và chỉ đích danh kẻ vi phạm. Vì vậy, cần có những công cụ ngăn chặn kịp thời, trên cơ sở đó chuyển cho cơ quan chức năng, thậm chí có thể lấy làm chứng cứ để kiện ra tòa án, nhằm răn đe, đòi bồi thường cho các công ty bị hại” - ông Trương Xuân Thanh kiến nghị.
Phát triển công nghệ
Là đất nước có nền công nghiệp giải trí phát triển, Hàn Quốc cũng đang đấu tranh với việc vi phạm bản quyền, trong đó trọng tâm là phát triển công nghệ để đối phó với hành vi sử dụng công nghệ cao ăn cắp bản quyền. Đó là mô hình liên kết giữa công nghệ kiểm tra vi phạm tác quyền (tìm và chặn vi phạm), công nghệ lưu thông nội dung, công nghệ quản lý nội dung, công nghệ phòng tránh vi phạm tác quyền. Bên cạnh sử dụng công nghệ, cần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, tập thể. Ông Yoo Ki Sun, Hiệp hội Người biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc cho hay: “Với cá nhân không biết về luật này, chúng tôi có hình thức khuyên răn họ về hành động của mình. Với công ty, tập thể, chúng tôi có thông báo, nếu họ không chấm dứt mà tiếp tục vi phạm sẽ đưa ra giải quyết bằng pháp luật. Thường chúng tôi giải quyết thông qua Hiệp hội Bảo vệ quyền tác giả”.
Ở Hàn Quốc, mỗi năm có khoảng vài trăm vụ vi phạm bản quyền âm nhạc, và riêng năm 2015, Hiệp hội Biểu diễn nghệ thuật Hàn Quốc đã thu được khoảng 2 triệu USD tiền vi phạm bản quyền, Hiệp hội Bảo vệ bản quyền tác giả thu đến hơn 15 triệu USD. Ông Kim Sung Yeol, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết: Các công ty phát hành âm nhạc phải chấp nhận một số điều khoản trước khi phát sóng bản nhạc, bài hát; nếu vi phạm sẽ bị phạt. “Hàn Quốc chú trọng những chiến dịch quảng bá nhân rộng, không chỉ trong giới nghệ sĩ mà tới tất cả người dân để họ hiểu rõ hơn luật bản quyền và bảo vệ quyền lợi cho tác giả”.
Đại biểu nhân dân