Từ huyền ảo đến sử thi
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 là một mảng đề tài chiến tranh cách mạng tương đối ít được nhắc đến trong văn học, chính vì thế khi nhà văn Nguyễn Đình Tú giới thiệu tác phẩm Xác phàm đã nhận được sự chú ý của bạn đọc. Truyện của Nguyễn Đình Tú là câu chuyện “ốc mượn hồn”, mượn câu chuyện đương đại để nói về một sự kiện lịch sử. Cuộc chiến biên giới được kể bởi những linh hồn đã trú ngụ trong xác phàm của nhân vậtNamlàm người đọc hiểu hơn về những ngày chiến tranh ở một vùng biên. Nơi đó có cửa khẩu Quốc Môn, pháo đài Cảnh Giác, Đồn Tả, Đồn Hữu và thị xã Vùng Biên. Đan xen trong câu chuyện chiến tranh là chuyện kể về thời dựng xây sau đổi mới với muôn mặt thị trường.
Gần giống với sự huyền ảo của Xác phàm, Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng viết về chiến tranh biên giới phía Bắc và cũng không thua kém về sự chú ý khi nhìn cuộc chiến với một góc độ khá lạ. Thực tế, như chính tác giả thừa nhận tuy có cái nền là chiến tranh biên giới phía Bắc nhưng nó không phải là toàn bộ vấn đề của tác phẩm, chiến tranh chỉ là một khía cạnh trong ấy thôi. Vấn đề là số phận của con người, là thái độ của từng người, từng thế hệ đối với lịch sử, với cuộc sống hiện tại. Là tiểu thuyết viết về chiến tranh nhưng chiếm dung lượng lớn của tác phẩm lại là hiện tại, những vùng đất, những con người đã thay đổi, đã khác biệt sau cuộc chiến và thậm chí những vấn đề của chiến tranh còn ám ảnh cả những người chỉ gián tiếp với cuộc chiến.
Ra mắt lần đầu từ năm 2011, vừa được NXB Trẻ tái bản lại, Đối chiến của nhà văn Khuất Quang Thụy có thể xem là tác phẩm viết về chiến tranh “bài bản” nhất. Tác phẩm viết về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, một sự kiện lịch sử rất quen thuộc với tác giả khi mà tác phẩm đầu tay của ông cũng viết về chiến dịch này. Lúc đó ông là người lính trực tiếp tham chiến tại đây. Khác với hai tác phẩm trên dùng yếu tố huyền bí, tâm linh để chuyển tải tư tưởng, Đối chiến đúng nghĩa một tác phẩm sử thi. Bám sát những sự kiện có thật trong lịch sử, giữ nguyên tên những đơn vị tham chiến ở cả hai phía, gần như giữ nguyên tên các cấp chỉ huy của các đơn vị lớn, tính chính xác được tác giả gìn giữ ở một mức độ gần sát với lịch sử nhất có thể.
Sự sáng tạo của nhà văn nằm ở những con người, nằm ở những vấn đề cuộc sống và cũng chính ở chỗ này đã làm nên sự khác biệt của Đối chiến với các tác phẩm khác. Tác phẩm chia làm hai tuyến, một bên là những người lính Giải phóng và một bên là những người lính Cộng hòa. Ở đây, cái khéo léo của tác giả thể hiện rõ nét nhất, mặc dù hầu như không nhắc gì đến yếu tố chính trị, chỉ là những chi tiết nhỏ của cuộc sống đời thường, thế nhưng từ những chi tiết đầy chân thật đó, tác giả đã lý giải nguyên nhân thành công và thất bại do bản chất của mỗi bên. Có thể nói, Đối chiến đã cho thấy, để viết về chiến tranh, người viết không cần lên gân, mà chỉ dùng sự phản ánh khách quan vẫn có thể thể hiện được những sự thật lịch sử một cách hấp dẫn, thu hút bạn đọc.
Trở về với văn chương chiến tranh cách mạng
Một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh từng nhận xét: “…Có một thực tế là không ít người đọc kể cả bạn đọc trẻ ngày nay ngại đọc các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh, ngại nghe hát về các ca khúc cách mạng. Họ bảo rằng đọc mãi, nghe mãi những tác phẩm ấy, đề tài ấy, quen quá, không có gì mới!”. Chính vì hiểu điều này, những nhà văn hôm nay khi đặt bút viết về chiến tranh đã cố gắng làm cho tác phẩm mình mới hơn, lạ hơn. Những tác phẩm nêu trên chỉ là những ví dụ về việc các tác giả viết về đề tài chiến tranh đang quay lại với văn đàn, còn đó rất nhiều tác phẩm mới viết về chiến tranh của các cây bút tên tuổi như Văn Lê, Trầm Hương, Hoàng Đình Quang… Mỗi tác giả với những tác phẩm của mình đang tìm lại bạn đọc cho dòng văn chương chiến tranh vốn trải qua một giai đoạn ít được quan tâm.
Các tác giả đoạt giải Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014.
Có một yếu tố cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự trở lại của dòng văn chương chiến tranh, đó là thời gian. Khi chiến tranh càng lùi xa, các tác giả thể hiện những cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về hiện thực và con người trong không gian thời chiến, mà trong những tác phẩm trước đây do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, các tác giả chưa có điều kiện thể hiện. Chiến tranh lúc này được soi chiếu nhiều chiều, không phiến diện, không thô cứng về nhận thức, tư tưởng. Con người dù ở phía nào, dù ở giai tầng nào cũng được các tác giả thể hiện chân thực, giàu chất nhân văn.
Nếu những bạn đọc của thế hệ thời chiến đón nhận sự thay đổi một cách bình thản như nó vốn dĩ phải như vậy thì người đọc trẻ hôm nay lại háo hức đón nhận những điều này. Với họ, chiến tranh không còn là những câu chuyện khô cứng, những ánh hào quang rực rỡ mà trở nên chân thật, bình dị và gần gũi. Qua những tác phẩm đó, họ - những người lớn lên sau chiến tranh tiếp cận lịch sử như nó vốn có. Đó là lý do mà những Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Sài Gòn đêm không ngủ của Trầm Hương hay Đối chiến của Khuất Quang Thụy lại tạo được dư luận bạn đọc.
SGGP