460
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 20/11/2015 09:11
Văn hóa Chăm ẩn hiện sắc sơn mài
Triển lãm tranh sơn mài Thánh địa của họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng như tìm về sự lộng lẫy, thời hoàng kim của văn hóa Chăm. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện lấy cảm hứng từ đời sống tâm linh và sinh hoạt của người Chăm.
Thánh địa 1

Không theo học chính quy về sơn mài, xuất thân là thiết kế, có thời gian làm điện ảnh, nhưng hơn 20 năm qua họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng kiên trì theo đuổi sơn mài. Chính sự phong phú, ảo diệu của những thâm trầm, bí ẩn, khó nắm bắt trong việc làm chủ chất liệu của sơn mài đã thôi thúc nỗ lực tìm tòi, khám phá và sáng tạo của ông. Còn về việc bén duyên và âm ỉ tình yêu dành cho văn hóa Chăm, ấy là từ thời làm điện ảnh, họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng phải đi nhiều nơi để chọn bối cảnh cho phim. Ông đã lang thang từ Thánh địa Mỹ Sơn (QuảngNam), đến Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), Ninh Thuận và choáng ngợp trước những đền, đài, tượng… ở đó. Để rồi khi tiếp cận với nghệ thuật sơn mài, ông trút toàn bộ năng lượng và tâm huyết, dành gần 10 năm qua tái hiện văn hóa Chăm bằng một triển lãm sơn mài đồ sộ và công phu.

 

11 bức tranh trong triển lãm Thánh địa về cùng một chủ đề, nhưng được vẽ với kích cỡ lớn, có bức họa dài đến gần 7m. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện lấy cảm hứng từ đời sống tâm linh và sinh hoạt của người Chăm, được đặt tên theo thứ tự từ Thánh địa 1 đếnThánh địa 11. “Tôi thấy bao trùm đời sống lao động, sinh hoạt của người Chăm chính là văn hóa tâm linh của họ. Nó không tách bạch mà giống như một khu thánh địa, nơi người Chăm bao đời vẫn cần cù, chịu khó lao động, sản xuất và sinh tồn”. Có người ví mỗi tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng như một đĩa nén, chứa nhiều thông tin, trong đó có sự đan xen của nhiều không gian, nhiều hoạt động. Như Thánh địa 1, bức tranh có kích thước lớn nhất (2,4m x 6,4m), được thực hiện trong 1 năm, tái hiện gần như toàn bộ cuộc sống của người Chăm, từ lao động sản xuất (thông qua kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao), nghi lễ cưới hỏi (nghi lễ đón mặt tượng Shiva để cầu mong hạnh phúc), sinh nở đến tang ma. Trong 11 bức tranh, người xem cũng thấy xuất hiện nhiều hình ảnh đặc trưng của văn hóa Chăm như chim thần Garuda - biểu tượng của hoàng gia; nữ thần Lakshmi - biểu tượng điêu khắc quen thuộc trên các đền, tháp; vũ nữ Chăm...

 

Điều đặc biệt, văn hóa Chăm được phân bổ trong nhiều tầng không gian như không gian bé, không gian lớn, không gian xa, không gian gần, nhưng lại đan cài vào nhau. Bằng ngôn ngữ đồng hiện (nhiều hoạt động, không gian được thể hiện cùng trên một bức tranh), họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã có cách thể hiện riêng qua những lớp vàng son, bạc vụn chồng lớp lên nhau, ẩn dưới lớp cánh gián ong vàng, sự trầm mặc của hình hài, đường nét, các khối điêu khắc, họa tiết trên gốm sứ, đền đài, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng… của người Chăm được tái hiện huy hoàng nhưng cũng ẩn chứa sự huyền bí, siêu thực.

 

Hiểu và ngưỡng mộ văn hóa Chăm nhưng họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng thừa nhận mình là họa sĩ vẽ về văn hóa Chăm chứ không phải người Chăm tự họa nên những bức tranh này chỉ thể hiện hình bóng Chăm, âm hưởng Chăm qua góc nhìn, quan điểm, suy nghĩ và tình cảm của người vẽ. Văn hóa Chăm hiện lên huy hoàng, kỳ vĩ, bởi “tôi muốn tái tạo cái gì đó hoàng tráng, xứng tầm với văn hóa mà đồng bào Chăm đã đóng góp cho đất nước”.

 

Đại biểu nhân dân