534
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 14/11/2014 08:58
Văn chương mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, tự thân nó có giá trị đạo đức
Sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần phấn chấn, trách nhiệm cao; với không khí thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” đã kết thúc tốt đẹp. Đây là một hoạt động khoa học quan trọng, thiết thực, có ích, nhằm triển khai tích cực Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào thực tiễn cuộc sống.
Cảnh trong phim "Đừng đốt" - Đạo diễn Đặng Nhật Minh. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: cinet.vn)

Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được 84 bài tham luận (chưa kể một số bài gửi vào sát giờ khai mạc). Tại phiên họp ở hai tiểu ban Văn học và Nghệ thuật chiều qua (12/11), đã có 28 ý kiến; và trong phiên toàn thể có thêm 8 ý kiến phát biểu làm rõ thêm các vấn đề Hội thảo đặt ra. Đa số ý kiến khẳng định việc chọn chủ đề Hội thảo là đúng và trúng, vì không chỉ có ý nghĩa góp sức triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), mà còn có ý nghĩa lâu dài. Chính vì vậy, cuộc Hội thảo này đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các cán bộ chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ ở Trung ương, địa phương, nhiều cơ quan báo chí, xuất bản trong cả nước. Từ thực tiễn phong phú trong các hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; từ những góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận và ý kiến phát biểu nhìn chung hàm chứa lượng trí tuệ cao, bởi lẽ đây không chỉ là những đánh giá, phân tích có chiều sâu về thực trạng đạo đức xã hội, về thực trạng sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay, mà còn chỉ rõ những nguyên nhân chủ yếu; trên cơ sở đó đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị, tạo cơ sở để có thêm nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về đạo đức xã hội có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề đặt ra trong Hội thảo lần này tuy không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nhưng lại là vấn đề lớn, mang tính thời sự, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đồng thời là đòi hỏi bức thiết của công chúng đối với nền văn nghệ nước ta hiện nay.

 

Những vấn đề đặt ra trong Hội thảo



Khái niệm đạo đức và mối quan hệ giữa đạo đức xã hội với văn học, nghệ thuật


Đây là một vấn đề được nhiều tác giả đề cập. Trong bài phát biểu tại Hội thảo này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ rõ: “Đạo đức xã hội là một phạm trù lịch sử, mỗi tầng lớp, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều hình thành những quy tắc, những chuẩn mực thành văn hoặc bất thành văn về hành vi, ứng xử, quan hệ giữa các thành viên. Những quy ước đó hình thành một hệ giá trị, có tính ổn định tương đối và sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi chung của xã hội và thời cuộc. Nhưng dù thay đổi đến đâu, cuộc sống vẫn giữ lại những hạt nhân cơ bản nhất. Đó là tình yêu thương con người, trọng danh dự, trọng tình nghĩa, yêu nước, dám hy sinh vì nghĩa lớn…”.


Cùng cách tiếp cận như trên, GS,VS Hồ Sĩ Vịnh; PGS,TS Trần Trí Trắc phân tích: Đạo đức ra đời cùng với sự hình thành xã hội loài người; đạo đức là những quan niệm, những nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử của con người đối với con người, đối với xã hội, đối với tự nhiên và đối với chính bản thân mình, có ý nghĩa tích cực thúc đẩy xã hội phát triển, hướng con người tới chân – thiện – mỹ. GS Hà Minh Đức và một số tác giả tham luận đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức: Từ xưa, cha ông ta qua nhiều thế hệ đều coi trọng đạo đức như chính đạo với những quy tắc, lễ nghi mà nhân dân tôn trọng, tự nguyện làm theo trong cuộc sống hằng ngày…

 

Đề cập mối quan hệ biện chứng giữa văn nghệ với đạo đức xã hội, đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: “Mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với đạo đức xã hội là mối quan hệ mang tính bản chất, biện chứng. Đó là mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn học nghệ thuật với hiện thực, nó vừa mang tính chủ quan của người văn nghệ sĩ, vừa tuân theo những đòi hỏi nghiêm nhặt của lý luận phản ánh và quy luật sáng tạo”. GS Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh: đạo đức muôn đời là cội rễ của văn chương chân chính; còn GS Phong Lê cho rằng: Đạo đức vừa là đối tượng, vừa là chức năng phản ánh của văn học. Văn học có quan hệ với đạo đức thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, đạo đức là đối tượng phản ánh rộng lớn của văn học. Thứ hai, văn học từng có chức năng giáo dục đạo đức, hoặc ít ra phải có hiệu quả đạo đức, xét theo lịch sử tồn tại của nó, cho đến thời hiện tại. PGS,TS Vũ Nho lưu ý: Dù quan niệm về chức năng của văn học, nghệ thuật có thay đổi, mở rộng như thế nào chăng nữa, thì chức năng giáo dục của văn học, nghệ thuật vẫn là một chức năng cơ bản làm nên giá trị của chính nó. Đồng tình với các ý kiến nêu trên, GS,TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh: Lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó, đều trực tiếp hoặc gián tiếp tìm đến phản ánh, cảnh báo, dự báo và bộc lộ khát vọng về đạo đức con người. Đề cập sức mạnh của văn nghệ đối với việc xây dựng đạo đức, GS,TS Huỳnh Như Phương cho rằng: Ở nơi mà pháp luật, dư luận xã hội không can thiệp được, thì văn học, nghệ thuật có khả năng khơi dậy và thức tỉnh lương tri con người…

 

Trên cơ sở những ý kiến cơ bản nêu trên, chúng tôi tạm nêu ra khái niệm đạo đức xã hội và mối quan hệ của nó với văn học, nghệ thuật như sau:

 

- Đạo đức là những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực được dư luận xã hội quy định mối quan hệ của con người với tự nhiên, với xã hội và giữa con người với nhau. Mục tiêu của đạo đức là hướng tới chân – thiện – mỹ.

 

- Đạo đức và đạo đức xã hội với văn học, nghệ thuật luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, đã trở thành một nội dung cơ bản của văn học, nghệ thuật; là nội dung phản ánh quan trọng của văn học, nghệ thuật; là yếu tố trực tiếp tác động hình thành nhân cách con người.

 

Về sự biến đổi của nội dung và chuẩn mực đạo đức qua các thời kỳ lịch sử, đa số các ý kiến đều cho rằng, đạo đức, những chuẩn mực đạo đức không phải là một quan niệm nhất thành, bất biến, nó được hình thành, kế thừa, phát triển và biến đổi theo quá trình lịch sử. Phản ánh đạo đức xã hội, đấu tranh chống cái ác, cái thấp hèn, bảo vệ cái cao thượng, cái tốt đẹp là nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật. Và qua văn học, nghệ thuật, đạo đức được hun đúc, ý thức đẩy lùi cái ác được bồi đắp, cổ vũ khát vọng hướng tới cái thiện, cái đẹp, thổi lửa tin yêu con người và cuộc sống.

 

Thực trạng đạo đức xã hội hiện nay và thực trạng văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng đạo đức xã hội


Tại Hội thảo này, từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, có những điểm nhấn khác nhau. Có ý kiến nhấn mạnh sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức với mong muốn văn nghệ sỹ qua tác phẩm phải góp sức ngăn chặn sự xuống cấp ấy, làm lành mạnh xã hội, ổn định đất nước để phát triển. Có ý kiến muốn thể hiện sự đánh giá tình hình đạo đức qua cách nhìn biện chứng: Đúng là đạo đức đang xuống cấp, nhưng nghiêm trọng đến mức nào, cần được phân tích rõ bản chất sự vận động xã hội với cách nhìn bình tĩnh và tỉnh táo. Không phải là toàn bộ xã hội, nhưng ở một số lĩnh vực, một số bộ phận đã chạm báo động đỏ - cái xấu, cái ác đang lộng hành, như tệ nạn xã hội, tham nhũng, giả dối, lừa đảo, chụp giật, cướp hiếp…, song toàn bộ xã hội đâu chỉ là những gam màu tối ấy? Thông qua việc phân tích một số tác phẩm tiêu biểu về chống tiêu cực, TS Lê Thành Nghị nêu lên một cách khái quát: Xã hội đang diễn ra một cuộc phân hóa dữ dội, đan xen cái tốt và cái xấu, cái trung thực và gian trá… Sự phân hóa với phạm vi rộng khắp, đã và đang diễn ra trong cùng ý thức hệ, cùng một tập thể, một chi bộ, cơ quan; phân hóa trong từng gia đình, trong từng con người cụ thể, làm đảo lộn các giá trị, kìm hãm tiến bộ xã hội… Nhưng với cách nhìn biện chứng, tác giả lại nhấn mạnh một điều căn cốt: Bức tranh cuộc sống không chỉ là những mảng đen nhức nhối của những biểu hiện tiêu cực, mà trên thực tế, cuộc sống vẫn chứa đựng những mặt tích cực, những điều tốt đẹp…

 

Theo PGS,TS Nguyễn Hữu Thức, đánh giá thực trạng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay có hai luồng ý kiến: Luồng thứ nhất cho rằng, đạo đức xã hội ở nước ta “đã rơi xuống đáy”, bộc lộ tất cả sự xấu xa, đồi bại của nó trong mọi mối quan hệ xã hội… Luồng thứ hai cho rằng, đánh giá đạo đức xã hội “đã rơi xuống đáy” thì có phần chủ quan, chưa biện chứng, mới nhìn thấy bề nổi của vấn đề đạo đức, chưa thấy hết sự biến đổi bên trong của nội dung đạo đức trong một xã hội đang tăng tốc công nghiệp hóa, đô thị hóa với nhiều biến động phức tạp. Hiện nay, cái tốt, cái xấu đan xen, nhưng cái tích cực vẫn là dòng chủ lưu quyết định sự phát triển xã hội. Đồng tình về cơ bản với cách tiếp cận này, PGS,TS Thành Duy khẳng định, đại bộ phận nhân dân ta là người tốt, vì nước, vì dân, tích cực lao động sản xuất, ủng hộ đường lối xây dựng và phát triển đất nước do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn; chính vì vậy, gần 30 năm đổi mới, hội nhập, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng tình trạng xuống cấp đạo đức đang diễn ra trong phạm vi toàn xã hội, trong đó có bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền, gây bức xúc trong xã hội, là điều đáng báo động, không thể xem thường! Cuộc Hội thảo hôm nay chính là sự góp sức để ngăn chặn sự xuống cấp đó, nhân rộng cái hay, cái đẹp trong hoạt động văn học, nghệ thuật nước ta trên lĩnh vực xây dựng nền tảng tinh thần xã hội vô cùng quan trọng này.

 

Nguyên nhân


Như một số ý kiến đã nêu, nguyên nhân trực tiếp là sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, hưởng lạc, sa đọa, cái xấu, cái ác phát triển. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tinh thần, bào mòn các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm rạn vỡ niềm tin của công chúng.



Đi liền đó, là âm mưu thủ đoạn, “diễn biến hòa bình” của các thế lực cơ hội, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, sự “xâm lăng văn hóa” ngày càng gia tăng. Các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập nước ta đang làm xói mòn, băng hoại nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tình hình đó tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, gây tác hại lâu dài đến các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Cùng với những nguyên nhân khách quan nêu trên, nhiều tham luận nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật có lúc buông lỏng, thiếu nhạy bén; sự chỉ đạo thiếu cụ thể, thiếu kiên quyết, dẫn đến tình hình đạo đức diễn biến ngày thêm phức tạp. Từ thực tiễn văn học, nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Thân Thị Thư cùng nhiều tác giả khác lưu ý một hiện tượng: Cuốn “Bóng đè” có nội dung độc hại xuất hiện cách đây 9 năm vẫn chưa được xử lý đúng mức, đã tạo cớ cho việc tiếp tục ra đời những tác phẩm đồi trụy của nhóm thơ “Mở miệng” cùng một số tác phẩm điện ảnh có nội dung kích động tình dục và bạo lực, mà điển hình là bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn”. Các nhà báo Phan Quang, Nguyễn Hòa… đã dẫn ra nhiều bất cập trong chỉ đạo, quản lý lĩnh vực hoạt động của hệ thống thông tin báo chí và xuất bản, nên đã tạo điều kiện ra đời không ít cuốn sách, bộ phim, bài báo… tập trung miêu tả, phóng đại mặt tiêu cực xã hội, làm công chúng hoang mang, lo lắng. Những kẽ hở của pháp lý cùng với biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số nhà văn, nhà báo, người làm xuất bản…, đã tác động tiêu cực đến tình hình đạo đức xã hội và hạ thấp nhân cách nhà văn, nhà báo. Thực trạng thiếu hành lang pháp lý để văn học, nghệ thuật khắc phục những yếu kém đã tồn tại từ lâu, trong đó có hiện tượng như Honore de Balzac đã cảnh báo: “Luật pháp không thể chỉ là cái mạng nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, còn những con bé thì bị chặn lại”. Chính vì vậy, việc thực hiện không nghiêm các quy định của pháp luật càng tạo điều kiện để khuynh hướng “thương mại hóa”, vọng ngoại, lai căng… đã lấn lướt trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, gây nên sự rối loạn trong nhận thức, làm “lạc chuẩn”, “lệch chuẩn” các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội.

 

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nhìn chung, chưa chú trọng đúng mức việc “dạy người”, chỉ nặng về “dạy chữ”. Chưa quan tâm thật sự việc giáo dục đạo đức công dân, chưa chú ý xây dựng cơ chế phối hợp giáo dục đồng bộ từ trong gia đình, cộng đồng và trường học; giữa những người làm giáo dục với những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.

 

Bên cạnh đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu trong các đơn vị, cơ quan hành chính, kinh tế, doanh nghiệp thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

 

Một bộ phận văn nghệ sỹ, trước các hiện tượng tiêu cực về đạo đức, lối sống, đã tỏ ra vô cảm, hoặc né tránh, chưa có thái độ “dấn thân” vào cuộc đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu nên phản ánh hời hợt hiện thực đời sống xã hội. Cũng còn số ít người chưa thật sự giữ gìn nhân cách của mình, coi nhẹ trách nhiệm công dân, đã cho ra đời một số tác phẩm phản văn hóa, phản chính trị, phản đạo đức, reo rắc thứ văn hoá độc hại vào công chúng. Trong tình hình đó, câu của Victor Hugo rất có ý nghĩa cảnh báo chúng ta: “Với cá nhân, quyền lực duy nhất phải là lương tâm, và với nhân dân, quyền lực duy nhất là pháp luật”.

 

Thực trạng về văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng đạo đức xã hội


Đa số ý kiến khẳng định: văn học, nghệ thuật trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập, đã để lại hàng loạt tác phẩm có giá trị thức tỉnh, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hướng tới lý tưởng, lẽ sống trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là những tác phẩm của những tác giả lớn, như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Thu Bồn, Lưu Quang Vũ… Từ những năm tám mươi của thế kỷ 20 đến nay, xuất hiện thêm nhiều tác phẩm mới như: “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Đàn trời” của Cao Duy Sơn; những năm gần đây là “Đồ tể”, “Bãi vàng”, “Đá quý”, “Trầm hương” của Nguyễn Trí; “Lửa đắng”, “Gã tép riu” của Nguyễn Bắc Sơn; “Bác sĩ trưởng khoa” của Vũ Oanh…, được dư luận xã hội quan tâm, nhiều bạn đọc yêu thích. Điều đáng mừng là, các tiểu thuyết viết về chiến tranh, về đề tài lịch sử được tăng lên cả về lượng và chất, như: “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức, “Vùng lõm” của Nguyễn Quang Hà, “Cánh đồng mùa hạ” của Hữu Phương, “Bão không có gió” của Kiều Vượng… Về tiểu thuyết lịch sử, có “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải, “Nguyễn Thị Lộ” của Hà Văn Thùy; “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh…

 

Kế tục thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, trước những chuyển động lớn của đất nước và trước diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhiều nhà thơ đã viết những tác phẩm gây xúc động công chúng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bồi đắp niềm tin, nhân lên sức mạnh con người Việt Nam vượt qua những thử thách mới của Tổ quốc và dân tộc, như thơ của: Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Mai Nam Thắng, Trần Ninh Hồ, Vũ Quần Phương, Thanh Quế, Nguyễn Thanh Mừng, Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Phú, Đặng Huy Giang, Trịnh Công Lộc…

 

Về các tác phẩm nghệ thuật sân khấu những năm đổi mới, đó là sự trở lại của sân khấu chính kịch, nhạy bén với những vấn đề lớn của đời sống, xông thẳng vào những mâu thuẫn quyết liệt, những bức xúc của cuộc sống…, được công chúng đón nhận. Tiêu biểu là những tác giả, tác phẩm như: “Hà Mi của tôi” của Doãn Hoàng Giang, “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ, “Cát bụi” của Triệu Huấn, “Những mặt người thấp thoáng” của Xuân Đức, “Biển và bờ” của Nguyễn Đăng Chương… “Vòng vây bất tử” của Lê Quý Hiền, “Huyết lệnh” của Phạm Dũng….

 

Về điện ảnh và và phim truyền hình, đã có nhiều bộ phim phản ánh sinh động cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi lòng dũng cảm, đức hi sinh trong đấu tranh chống các hành vi tiêu cực lộng hành; đồng thời đề cao tình yêu quê hương, đất nước của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đó là những bộ phim truyền hình gần đây như: “Ma làng”, “Đất và người”, “Mùa lá rụng”, “Chạy án”, “Đi qua ngày dông bão”, “Luật đời”, “Bí thư Tỉnh ủy”, “Chủ tịch tỉnh”; là những bộ phim điện ảnh: “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đàn trời”, “Chuyện làng Nhô”, “Gió làng Kình”, “Cánh đồng bất tận”, “Sống cùng lịch sử”, “Mùi cỏ cháy”, “Những người viết huyền thoại”…


Âm nhạc với những sáng tác mới nổi bật như: Thanh xướng kịch (Oratoreo), kịch múa “Những khoảnh khắc bất tử” của Đỗ Hồng Quân,“Hoa Lư – Thăng Long - bài ca dời đô” của nhạc sĩ Doãn Nho, “Ngàn năm nhớ về ngày ấy” của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, ca khúc hợp xướng “Phương Nam nhớ về hào khí Thăng Long” của nhạc sĩ Vũ Thành…

 

Chưa bao giờ như năm 2014, các ca khúc về biển đảo quê hương nở rộ như: “Khúc tráng ca biển” của nhạc sĩ Vũ Thiết, “Đảo chìm” của nhạc sĩ Lê Mây, “Biển đảo anh hùng, Tổ quốc quang vinh” của nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm… Và tập ca khúc “Dậy sóng biển Đông” gồm gần 100 ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam hướng về biển đảo, cổ vũ ý chí bảo vệ độc lập, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc ta.

 

Về kịch bản múa, có các tác phẩm tiêu biểu như: “Cánh chim biên giới” của NSND Đỗ Minh Tiến, “Nguồn sáng” của NSND Lê Ngọc Canh, “Đất mới” của NSND Ứng Duy Thịnh, “Một thời và mãi mãi” của NSND Lê Huân, “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” của NSND Nguyễn Thị Hiền, “Huyền tích Trường Sơn” của NSUT Nguyễn Văn Thịnh…

 

Về mỹ thuật, nhiều tác phẩm hội hoạ, điêu khắc mới thể hiện những gương mặt, hành động điển hình về lòng yêu nước, về khí thế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: “Chuyện quê” của Cù Cao Khải, “Dự án mới” của Trần An, “Nhà ba tầng” của Đỗ Hiệp, “Người Hà Nội” của Đào Quốc Huy, “Tam Mã” của Vũ Đình Tuấn, “Bác Hồ ở Lán Hang Bòng” của Mai Mạnh Hùng, “Màu sắc lễ hội Kate Chăm” của Chế Kim Trung, “Chợ Đồng Văn” của Đàm Thế Nam…

 

Văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số những năm gần đây xuất hiện thêm một số tác giả, tác phẩm mới viết về những con người gắn bó với bản, làng heo hút, tận tụy cải biến, làm giàu mảnh đất ở vùng cao đầy gian khó, đồng thời chú trọng xây dựng lối sống mới sâu nặng tình nghĩa con người, các hoạt động văn hóa – văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc như: Tiểu thuyết “Mặt trời Pác Bó” của Hoàng Quảng Uyên, “Người cô sầu” của Y Phương, “Một nửa của người đàn bà” của Hà Thị Cẩm Anh; tập thơ “Núi vẫn còn mưa” của Mai Liễu, “Giữa hai khoảng trống” của Kiều Mai Ly…

 

Về lĩnh vực văn xuôi trong thời kỳ đổi mới, đã thể hiện tính đa dạng các chủ đề nảy sinh từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội và thân phận con người, đặc biệt về sự suy thoái xuống cấp của đạo đức xã hội được đặt ra trực diện, không né tránh. Rất nhiều tên tuổi các cây bút văn thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau cho ra đời những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc trong người đọc như các tác giả: Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Sương Nguyệt Minh, Dương Hướng, Lê Minh Khuê…; gần đây như Mạc Can, Đỗ Bảo Chân, Thiên Sơn, Phạm Thị Bích Thúy… Ở một bình diện nào đó, những tác phẩm của các tác giả trên đây vừa nêu bật thực trạng xã hội, vừa thức tỉnh lương tri, hướng thiện, cùng hành động vượt lên các rào cản của tiêu cực, để xây dựng cuộc sống mới...

 

Tóm lại, nhìn tổng thể, các tác giả, tác phẩm ở mọi loại hình văn học, nghệ thuật nêu trên đã góp thêm tiếng nói tích cực, nhiều tìm tòi sáng tạo, có tính thuyết phục, cổ vũ công chúng hướng tới những giá trị nhân bản, đạo đức mới của xã hội xã hội chủ nghĩa.

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới, hội nhập cần được khẳng định và ghi nhận, thì sáng tạo văn học, nghệ thuật về đạo đức xã hội tuy được phản ánh với số lượng lớn về những mặt tốt cũng như mặt trái của đạo đức xã hội, song lại chưa khắc họa được rõ nét những nhân vật điển hình, mang tính tích cực xã hội, do đó chưa đọng lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Tác giả Hồ Thị Minh Trâm cho rằng: Thực trạng đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay, có không ít tác phẩm chỉ nhìn nhận xã hội với thái độ tiêu cực, bi quan. Điều đáng chú ý là, hoạt động văn học, nghệ thuật ít tạo được sự đột phá đáng kể về cả chiều rộng và chiều sâu trong việc phản ánh xã hội chứa đựng cái tốt, cái xấu đan xen. Đúng như TS Hồ Bá Thâm nhận định: Chúng ta vẫn thiếu vắng những tác phẩm có nội dung thể hiện sự vận động đạo đức xã hội ở “mắt bão”, ở trung tâm đời sống chính trị - xã hội – nhân sinh, với hình thức nghệ thuật độc đáo, có sức lay động lớn tình cảm, tâm tư, suy nghĩ của công chúng.

 

Nhiều tham luận đều có chung suy nghĩ: Tác phẩm văn học, nghệ thuật khi khai thác những mặt trái của đạo đức xã hội với mục đích là khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái ác, cái xấu để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong cuộc sống, chứ không phải vùi dập, chà đạp nhân cách con người. Cho dù cuộc sống có suy thoái đạo đức khá trầm trọng như vậy, nhưng cái thiện vẫn là cơ bản, vì nếu không như vậy thì còn gì là sự sống? Văn học cần đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu của con người, nhưng viết về mặt trái của xã hội, không thể chỉ là nơi gợi ra sự căm ghét, không chỉ là nơi nhà văn trút bỏ ẩn ức của mình. Cao hơn, văn học còn biết giúp công chúng nhận thức vết thương đau và tìm cách vượt qua nó bằng niềm tin sâu sắc vào tương lai. Nếu để mất niềm tin là để mất tất cả! Đây là sứ mệnh cao quý, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề của văn nghệ sỹ.

 

Theo hướng đó, chúng ta đồng tình với ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà văn không nhất thiết phải viết tác phẩm nhuốm màu đạo đức một cách gượng ép, hoặc cố khoác cho nhân vật thứ đạo đức mà nó không có. Ngay cả những tác phẩm viết về cái ác, người ta vẫn thấy tác giả giúp người đọc hướng tới cái thiện. Ví dụ như một số phóng sự và tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng.v.v.. đều thuộc dạng đó. Rõ ràng là, văn chương đích thực của các tác giả có tài năng đích thực, mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, thì tự thân nó có giá trị đạo đức rất cao.

 

Nhưng trong thực tế, văn học, nghệ thuật những năm gần đây, đã xuất hiện không ít những tác phẩm “lệch pha”, lạm dụng khai thác quá đà các hành vi tiêu cực, các tệ nạn xã hội…, dẫn tới phản tác dụng giáo dục đạo đức và lối sống. Đó là những hiện tượng bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử được tán phát trên mạng Internet, hoặc trong một số tác phẩm khai thác tỉ mỉ các khía cạnh tình dục, chú trọng quá nhiều đến tính chất giải trí, bỏ qua những nội dung cốt lõi, bản chất của đạo đức, chuẩn mực chân – thiện – mỹ, chỉ đi vào miêu tả con người mất nhân tính, bản năng thú vật, xúc phạm nhân cách con người, xóa nhòa những tinh hoa văn hóa, đạo đức dân tộc. Một số tham luận đã dẫn ra nhiều đoạn mô tả quá đà, gây phản cảm trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hiếu, Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Thị Hoài… Một số chương trình sân khấu, ca, múa, nhạc “thị trường” hiện đang làm hoen ố thuần phong mỹ tục của văn hóa, đạo đức Việt Nam, làm mất niềm tin của công chúng.

 

Nguyên nhân của thực trạng văn học, nghệ thuật trên đây, ngoài nguyên nhân khách quan như đã nêu ở phần trên, là nguyên nhân chủ quan của một bộ phận văn nghệ sỹ. Nhiều ý kiến tập trung phân tích, nhấn mạnh cái Đức, cái Tâm, cái Tài thuộc về chủ thể sáng tạo. Một số ý kiến khẳng định: Thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật, có nguyên nhân từ xã hội, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa từ bản thân người làm văn học, nghệ thuật. Trên thực tế, có hiện tượng đáng chú ý là, nhiều tác giả tỏ rõ ý thức trách nhiệm trong sáng tác, cố gắng xây dựng những nhân vật chính diện như là những chuẩn mực về đạo đức xã hội nào đó; song hiếm khi thành công hoàn hảo, hoặc do non tay, hoặc bị chi phối bởi mục tiêu thương mại…

 

Quá trình sáng tạo là quá trình “gạn đục khơi trong”, là tôn trọng các quy định văn hóa thiêng liêng của dân tộc, của những nhân vật lịch sử đã nằm lòng trong các thế hệ người Việt Nam, nhưng mấy thập niên gần đây, lại xuất hiện một số tác phẩm “giải thiêng”, phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bài xích một số anh hùng dân tộc vốn được nhân dân ta tôn kính, ngưỡng mộ. Một số tham luận cũng chỉ ra những hiện tượng sùng bái hình thức, tự đánh bóng mình, biến thật thành giả, cố tạo ra những “scandal” trong một số hoạt động văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu… Người nghệ sỹ có phần thờ ơ, thu mình trong thế giới riêng của sáng tạo, thiếu chí khí đổi mới tư duy, ngôn ngữ, cốt truyện, chạy theo tâm lý đám đông, tìm kiếm lợi nhuận... Một số tham luận lưu ý xu hướng đề cao một chiều tính giải trí, hơn là giá trị giáo dục, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đang có chiều hướng tăng lên.

 

Những giải pháp chủ yếu


Đề cao trách nhiệm của văn nghệ sỹ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam


- Trước hết, cần nhận thức sâu sắc một yêu cầu quan trọng nêu trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đối với văn học, nghệ thuật: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Theo chúng tôi, đây cũng thật sự là sứ mệnh, là trọng trách cao cả của văn nghệ sỹ với tư cách là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa.

 

- Xây dựng đạo đức xã hội ngày càng là đòi hỏi bức thiết, nóng bỏng của toàn xã hội. Như lời Bác Hồ căn dặn: “Đây là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Cũng chính vì thế, vấn đề đạo đức xã hội đã trở thành nhu cầu, cảm hứng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước. Biến cảm hứng sáng tạo thành tác phẩm cụ thể để góp sức xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Namlà một quá trình không đơn giản chút nào. Ở khía cạnh quan trọng này, chúng ta đồng tình với ý kiến của TS Lê Thành Nghị: Văn học vốn có sứ mệnh vượt lên sự thông thường. Viết về sự xuống cấp đạo đức hôm nay, cần vượt qua những sự thông thường để nắm bắt được phần cốt lõi của hiện thực. Giữ cho ngòi bút mang đầy đủ tinh thần công dân, nhưng biết dừng lại trước sự thăng bằng lý trí của sự phẫn nộ, để xem xét sự việc một cách điềm tĩnh, khách quan, không chối bỏ sự thật, nhưng cũng không làm trang viết trở nên u ám, không rơi vào hư vô chủ nghĩa…, là cuộc chiến riêng của nhà văn, không kém phần cam go. Yếu tố quan trọng cần có để vượt lên “cuộc chiến” ấy, chính là LƯƠNG TÂM và TÀI NĂNG. Nói cách khác là cái TÂM, cái TẦM cái TÀI của mỗi văn nghệ sỹ; đặc biệt, việc nâng tầm tư tưởng của mỗi tác phẩm đang là đòi hỏi bức thiết của công chúng hiện nay. Các tác giả Võ Văn Thưởng, Thân Thị Thư, Trần Việt Trường, Đoàn Thanh Huyền, Võ Thị Ánh Tuyết…, từ hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa – văn nghệ ở địa phương, đều bày tỏ mong muốn: Trên cơ sở đề cao trách nhiệm nghệ sĩ – chiến sĩ, mỗi văn nghệ sĩ cố gắng hướng về cơ sở, nghiên cứu sâu thực tiễn đang vận động đa dạng, phức tạp nhưng đã và đang xuất hiện không ít điển hình cá nhân, tập thể đã và đang học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Viết về đạo đức, truyền bá đạo đức cho người khác, cho xã hội, mà nhà văn không là tấm gương sáng thì rất khó thuyết phục công chúng. Như nhà văn Lê Quang Trang nhấn mạnh: Điều tiết cho được sự hài hòa giữa yêu cầu xã hội và khát vọng chân chính của người nghệ sỹ, phát huy tối đa yếu tố cá nhân trong sáng tạo, đó là biểu hiện cụ thể tài năng, bản lĩnh của người cầm bút. Muốn vậy, mỗi văn nghệ sỹ cần thường xuyên tự nhắc mình phải trung thực, lương thiện, chú ý bồi đắp năng lực tư duy, khả năng dự báo và có định hướng đúng khi viết về cái xấu, cái ác…

 

Tăng cường công tác lý luận, phê bình, tuyên truyền, quảng bá, định hướng hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật


- Cần sớm khắc phục tình trạng đề cao quá mức chức năng giải trí, tôn sùng chủ nghĩa hình thức, dẫn đến “lệch chuẩn” trong tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật. Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình, kịp thời phát hiện, cổ vũ những tác phẩm hay viết về đạo đức, phê phán chiều hướng “giải thiêng” các giá trị đạo đức của dân tộc.

 

- Tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các hội chuyên ngành của Trung ương, với các cơ quan chức năng ở địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản và cả hệ thống chính trị các cấp trong việc tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về đạo đức xã hội. Đề cao vai trò trách nhiệm của trường học các cấp trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên; muốn vậy phải đổi mới, cải tiến mạnh mẽ nội dung chương trình, sách giáo khoa về các môn văn học, văn hóa học, mỹ học, giáo dục công dân... Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó nhà trường các cấp học đóng vai trò nòng cốt. Các trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa – văn nghệ cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên sâu làm công tác lý luận, phê bình. Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phê bình văn nghệ, góp sức xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình thật sự am tường văn hóa – văn nghệ - như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã chỉ ra.

 

Chia sẻ trách nhiệm cùng Hội thảo, GS Phong Lê đã nêu lên một điều tâm huyết: Phải chăng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong những năm qua, chính là lời giải đáp có sức thuyết phục với những gì mà chúng ta đang bàn, đang tìm hôm nay để góp sức có hiệu quả vào việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới? Bởi kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ qua cho thấy, mỗi lúc đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh, mỗi văn nghệ sỹ chúng ta gặp đạo đức của Nhân dân, đạo đức của Dân tộc với những giá trị gần như là trường tồn cùng lịch sử. Khám phá, sáng tạo trên nền tảng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, chắc chắn chúng ta sẽ có “mùa gặt” mới trên lĩnh vực này.

 

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này


- Cần cụ thể hóa những định hướng lớn là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, nhằm “vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ, cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”. Thấu suốt yêu cầu quan trọng này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã và đang triển khai 02 đề tài khoa học cấp Bộ về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật”“Vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. Rất mong các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa – văn nghệ tích cực tham gia đề tài khoa học quan trọng này nhằm cụ thể hóa nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, kiến nghị những giải pháp căn cốt, thiết thực để đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 vào thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhấn mạnh trách nhiệm chấn hưng đạo đức, trước hết thuộc về hai binh chủng có vai trò to lớn trong việc định hướng sáng tạo và quảng bá tác phẩm - đó là đội ngũ cán bộ tham mưu, những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ các nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông đại chúng, cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm…

 

- Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa – văn nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với tổ chức Hội các cấp, với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tập trung sức triển khai một số vấn đề quan trọng sau đây:

 

+ Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt, khẩn trương cụ thể hóa các quy định về quản lý mạng Internet, các blog cá nhân, các facebook...

 

+ Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp tính đặc thù của văn học, nghệ thuật.

 

+ Tăng cường công tác thanh tra, xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân có những tác phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước.

 

+ Nhà nước có chính sách hỗ trợ, “đặt hàng” các tác giả viết về đạo đức xã hội, tôn vinh xứng đáng các sản phẩm có giá trị giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam theo 7 đức tính cơ bản ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI; tổ chức tốt việc quảng bá các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong lĩnh vực này.

 

+ Chủ động góp sức tích cực phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, các hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, các tác phẩm có nội dung lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Chúng tôi tán thành ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện: Hơn lúc nào hết, cần phát huy vai trò tiên phong của người Nghệ sỹ - Chiến sỹ, kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điểm phản động, các biểu hiện sai trái trong văn học, nghệ thuật. Đây là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, khó khăn, không chỉ với các thế lực thù địch bên ngoài, mà còn phải đấu tranh với các khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, các biểu hiện thoái hóa, biến chất từ bên trong…

 

Có thể nói, Hội thảo khoa học lần này đã đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Kết quả của Hội thảo là cơ sở góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI); đồng thời gợi mở những giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách, nhằm tạo ra những thành tựu mới của văn học, nghệ thuật nước nhà trong lĩnh vực xây dựng đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống của con người Việt Nam.

 

Qua Hội thảo hôm nay, một lần nữa toát lên ý thức trách nhiệm và sự tâm huyết của giới nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác văn học, nghệ thuật nước ta, nhằm góp sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nên động lực sáng tạo mới, cổ vũ ý thức hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp, làm giàu thêm đời sống tinh thần, hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập sâu rộng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta./.

 

ĐCSVN