347
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 11/12/2014 09:02
Ứng xử văn minh với quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa
Sách giáo khoa vốn được xem là xuất bản chính thống nhằm giới thiệu các tác phẩm văn học đến với người học và người đọc. Tuy nhiên, bảo đảm quyền tác giả đối các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa là trăn trở của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam.
Nguồn: ITN

Ngày 9.12, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT và DL) đã phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam tổ chức hội thảo Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học. Theo báo cáo của Trung tâm, từ đầu tháng 4.2014, sau khi tiến hành rà soát, khảo sát sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và sách Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 của NXB Giáo dục, Trung tâm ghi nhận có nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Văn Phú… được sử dụng, nhưng đến nay, nhiều tác giả vẫn chưa được chi trả tiền nhuận bút.

 

Nguyên nhân được cho rằng, hiện nay Nghị định 61 ngày 11.6.2002 và Nghị định 18 ngày 14.3.2014 cùng quy định về nhuận bút, song đang tồn tại những điểm vênh về mức nhuận bút cho tác phẩm in trong sách và thù lao cho các tác giả tham gia biên soạn. Trong khi Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam bảo lưu quan điểm là việc tính tiền bản quyền cho các tác giả căn cứ vào số lượng in và giá bán trên bìa theo Nghị định 61 thì NXB Giáo dục lại cho rằng, việc chi trả tiền bản quyền hay nhuận bút cho tác giả phải dựa vào số tiết của tác phẩm đó nhân với hệ số lương cơ bản trên tinh thần Nghị định 18.

 

Là loại sách cung cấp kiến thức, rất nhiều tác phẩm văn học được biên soạn trong nội dung sách giáo khoa, hay nói cách khác, sách giáo khoa chính là cầu nối đưa các tác phẩm văn học tới người dạy và người học. Ví dụ, bài thơ được nhiều thế hệ học sinh nhớ là Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà giáo Đặng Hiển (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), được in lần đầu trong sách giáo khoa lớp 4 năm 1981, rồi chuyển xuống sách giáo khoa lớp 3 và sau nhiều lần sửa đổi, đã 30 năm có lẻ. NXB Giáo dục có trả tiền bản quyền hay nhuận bút hay không, nhà giáo Đặng Hiển cho biết: “Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chọn bài thơ của tôi, in vào sách giáo khoa xong thì nhà xuất bản cũng biếu tôi 1 cuốn cùng 50 đồng gọi là tiền nhuận bút. Cách đây khoảng chục năm, sau khi soạn lại sách giáo khoa tôi cũng được tặng thêm 1 cuốn nữa và 100.000 đồng, bằng nhuận bút một bài thơ đăng báo”.

 

Theo tính toán của Trung tâm Quyền tác giả văn học ViệtNam, lấy đơn giá trung bình, cuốn Tiếng Việt lớp 3 hiện nay là 11.500 đồng, với hàng chục nghìn cuốn được in và phát hành, có thể tính ra doanh thu của NXB Giáo dục không dưới 1.000 tỷ đồng. Trung tâm cũng cho biết, Nhà xuất bản trả hàng tỷ đồng cho tác giả biên soạn nhưng số tiền trả các tác giả tác phẩm rất hạn chế. Về cơ bản, Nghị định 18 quy định sách giáo khoa là sách đặc thù, tiền nhuận bút sẽ được tính bằng 30 - 140% dựa trên lương cơ bản trên mỗi tiết học. Trong đó, hệ số lương tối thiểu là 100% tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết theo 3 mức lần lượt là 10%, 15 % và 20%. Song cũng phải nhìn thực tế, nhờ các tác giả sáng tác tác phẩm văn học, mới có nội dung để giảng dạy, nếu chia nhỏ công thức đối với tác giả tác phẩm theo đúng Nghị định thì rất thiệt thòi với nhà văn, nhà thơ.

 

Theo Ts Cao Đắc Điểm (con rể nhà văn Ngô Tất Tố), để thế hệ trẻ, trước hết là học sinh, tiếp cận, khai thác và sử dụng những tác phẩm văn học của tiền nhân là quan trọng. Nên nhuận bút không chỉ là sự bảo đảm về quyền tác giả, mà lớn hơn là sự trân trọng của hậu thế đối với tài sản của tiền nhân.

 

Về phía Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, nhà thơ Đỗ Hàn cho biết, trong tháng 12 này, Trung tâm sẽ tiếp tục làm việc với NXB Giáo dục nhằm thống nhất phương thức chi trả phù hợp, đúng luật và bảo đảm quyền lợi hai bên. Đây sẽ là tiền lệ thiết lập cách ứng xử văn minh, đồng thời đưa trục liên kết làm sách giữa nhà xuất bản với cộng đồng văn học, bao gồm các tác phẩm văn học cũng như các nhà thơ, nhà văn, về đúng quỹ đạo.

 

NĐBND