246
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 24/06/2016 09:21
Tự chủ - hướng tất yếu của trường nghề Bài 2: Trường nghề và doanh nghiệp như “môi với răng”
Muốn có đội ngũ lao động chất lượng với kỹ năng tay nghề cao, cân đối cung - cầu thì trường nghề và doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ. Mỗi bên phải tự coi mình là một trong hai thành tố không thể thiếu của thị trường lao động.
Thực hành may thời trang (Ảnh: Thái Bình)

 

>> Bài 1: Cơ hội từ thách thức


Giải bài toán cung - cầu


Là 1 trong 8 sinh viên khá giỏi của khoa Động lực, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Nguyễn Văn Quân được Văn phòng Đại diện khu vực phía Bắc thuộc Công ty ô tô Trường Hải nhận vào thực tập và cấp học bổng. Với Quân, đây là cơ hội vàng khi được thực hành nghề tại một gara ô tô lớn với trang thiết bị hiện đại. “Những kiến thức được học trong nhà trường khi vận dụng vào các công việc cụ thể tại gara ô tô không lệch nhau bao nhiêu. Vì thế, khi phải chẩn trị những ca khó, chúng em không quá lúng túng” - Nguyễn Văn Quân chia sẻ.

 

Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, sinh viên của trường ham học, có kiến thức cơ bản về ô tô nên tiếp thu các kỹ năng sửa chữa ô tô nhanh. Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình đào tạo cho chuyên ngành này, nhà trường đã phối hợp với các công ty lớn trong ngành ô tô nhằm đưa ra một chương trình sát hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của người học và doanh nghiệp. Hiện, đã có trên 50 học viên khoa Động lực của trường đang làm việc tại các chi nhánh của Công ty Ô tô Trường Hải với mức lương ổn định, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

 

Ông Đồng Văn Ngọc cũng cho biết, tính tích cực nhất của việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là việc cân đối được cung - cầu trong quá trình đào tạo. Không chỉ phối hợp với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, giáo trình, nhà trường còn đào tạo dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hiện nhà trường đã ký cam kết việc làm cho 100% sinh viên với mức lương khởi điểm từ 5 triệu đồng/người trở lên đối với 5 nghề được đầu tư nghề trọng điểm (3 nghề cấp độ ASEAN, 2 nghề cấp độ Quốc gia). Các nghề kỹ thuật khác, nhà trường bảo đảm tỷ lệ có việc làm từ 80 - 90%.

 

Việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và tìm đầu ra cho sinh viên cũng là lựa chọn của nhiều trường nghề, như Trường CĐ Nghề Việt - Đức (Hà Tĩnh), Trường CĐ Nghề số 3 Bộ Quốc phòng… “Đây chính là chìa khóa giải bài toán lệch pha cung - cầu cho thị trường lao động” - TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh khẳng định.

 

3 bên đều có lợi


Một điều rất dễ nhận thấy khi đánh giá tổng thể hoạt động của các trường nghề là trường nào có mối quan hệ khăng khít với nhiều doanh nghiệp, trường đó sẽ mạnh và thu hút được nhiều học sinh. Vì thế, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp được nhiều trường nghề ví như môi với răng. Môi hở ắt răng sẽ lạnh! TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, khi nhà trường dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; doanh nghiệp hợp tác với nhà trường theo hướng đặt hàng, thậm chí đào tạo chuyên sâu một phần trong chuyên ngành kỹ thuật nào đó mà không nhất thiết phải học hết theo giáo trình đã định… thì không chỉ sinh viên mà cả nhà trường, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. “Người học sẽ không mất thời gian, được tư vấn, được ký hợp đồng đào tạo và ra trường bảo đảm có việc làm, thậm chí có lương ngay khi đi thực tập. Việc học lý thuyết ở trường, thực tập trên dây chuyền thiết bị của doanh nghiệp sẽ giúp giáo viên có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề chứ không riêng sinh viên. Hơn nữa, nhà trường không phải tốn kém đầu tư trang thiết bị - khâu được coi là nan giải nhất khi các trường tự chủ hoạt động” - TS. Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng.

 

Từ phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Điện tử SamSung Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh cho rằng, hiện Công ty có 110.000 lao động đang làm việc và con số này sẽ lên tới 130.000 khi các dự án còn lại của Công ty đi vào hoạt động. “Với nhu cầu sử dụng lao động như vậy, chúng tôi đã tìm tới các trường nghề để hợp tác đào tạo. Hướng đi này giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng”.

 

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, vấn đề mấu chốt vẫn phải từ trường nghề. Bản thân nhà trường phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thì doanh nghiệp mới tin tưởng và gắn bó lâu dài. Muốn vậy, đội ngũ giáo viên nghề phải vững kiến thức, điêu luyện cả kỹ năng cứng và mềm. Ngay như đối với Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, vài năm trước, trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm của đội ngũ giáo viên chỉ vào loại trung bình khá. Tuy nhiên, trường mạnh dạn đưa đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên sang các nước sử dụng tốt tiếng Anh trong khu vực nhưSingapoređể đào tạo và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh. Đồng thời, mời tình nguyện viên nước bạn tham gia các hoạt động tại trường… Kết quả là năm 2015, lần đầu tiên trường đón và dạy các chuyên ngành kỹ thuật bằng tiếng Anh cho sinh viênSingaporesang học tập và nhận được sự đánh giá cao từ phía giảng viên Trường CĐ ITE Singapore.

 

Rõ ràng, mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp đã và đang giải bài toán lệch pha cung - cầu lao động. Để mối quan hệ này trở nên bền vững và ngày càng mở rộng, Nhà nước cần thực hiện quyết liệt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, gắn bó chặt chẽ với nhà trường trong quá trình đào tạo lao động. Đồng thời, cũng cần quy định doanh nghiệp phải sử dụng lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ của các cơ sở đào tạo, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.

 

Đại biểu nhân dân