285
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 24/06/2016 08:18
Tự chủ - hướng tất yếu của trường nghề
Trước cao điểm mùa tuyển sinh 2016, các trường nghề trên cả nước đã có cuộc hội ngộ để tìm hướng đi bền vững cho lĩnh vực đào tạo nghề. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, trong đó tự chủ được coi là chìa khóa giúp các trường nghề hội nhập…
Học viên Khoa Cơ khí chế tạo, Trường CĐ Nghề Vĩnh Phúc trong giờ học thực hành Ảnh: Thái Bình

Bài 1: Cơ hội từ thách thức


Trong bối cảnh hiện nay, việc tự chủ hoàn toàn trong bất cứ ngành nghề nào cũng vô cùng khó khăn. Các trường nghề càng khó hơn khi nguồn tuyển sinh ngày một cạn kiệt bởi sự phát triển ồ ạt trường đại học, tâm lý trọng bằng cấp… Tuy nhiên, chính những thách thức này lại thúc giục các trường nghề bứt phá, tìm cơ hội phát triển.


Thách thức nhiều


Tại Hội nghị Rà soát sắp xếp cơ sở dạy nghề; đánh giá công tác tuyển sinh học nghề, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, cụm từ “vô vàn thách thức” được nhắc đến khá nhiều. TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, một đơn vị muốn tự chủ trong hoạt động thì điều kiện trước tiên phải có tiềm lực tài chính. Lâu nay, các trường công lập được Nhà nước cấp kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, số tiền có thể lên tới 18 - 20 tỷ đồng/năm. Khi tự chủ, các trường sẽ mất hẳn khoản “viện trợ” này. Cùng với đó, nguồn tuyển sinh ngày càng cạn kiệt bởi phải chia sẻ với số trường ĐH tăng lên không ngừng; tâm lý trọng bằng cấp của đại đa số người dân; việc phân luồng không được thực hiện triệt để…

 

Tài chính eo hẹp sẽ khiến các trường nghề không có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở, máy móc hiện đại. Nếu điều kiện này không bảo đảm thì khó thu hút học sinh. Đơn cử, một giảng đường 60m2 của trường ĐH có thể đáp ứng cho hàng trăm sinh viên cùng học tập, song chỉ đáp ứng khoảng 10 sinh viên học nghề vì còn liên quan đến việc thực hành kỹ năng trên thiết bị kỹ thuật… Như lớp đào tạo nghề cho sinh viên Nhật Bản, Đức mới đây của Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, nhà trường phải dành cho mỗi học viên 4 - 6m2 mới tạm đạt yêu cầu để thực hành môn học. Tài chính eo hẹp cũng đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ không có khả năng thu hút giáo viên giỏi. Chất lượng đào tạo vì thế ngày càng yếu kém, không theo kịp sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và nhu cầu của xã hội.

 

Trớ trêu hơn, lớp đào tạo nghề chỉ 16 học viên nhưng có tới 3 - 4 giáo viên tham gia giảng dạy mỗi bộ môn. Hiện tượng thừa giáo viên, thiếu học sinh kéo dài khiến sức sáng tạo, nguồn lực của các cơ sở này bị cạn kiệt dần theo thời gian. Đối với một số trường nghề chỉ trông vào nguồn thu duy nhất là học phí thì vấn đề tài chính càng trở nên nan giải. Thu thấp sẽ không đủ chi; thu cao sẽ khó tuyển sinh, thậm chí không thể tuyển sinh. “Những bất cập này khiến nhiều trường chỉ hoạt động thoi thóp nhờ vào nguồn kinh phí Nhà nước và khi phải tự chủ tài chính sẽ không tránh khỏi bị sốc” - TS. Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

 

Nhưng không ít cơ hội


Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí, giao quyền tự chủ cho các trường nghề không có nghĩa Nhà nước buônghoàn toàn. Trong giai đoạn đầu thí điểm, các trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước như mọi trường nghề khác và tiếp tục thụ hưởng các dự án, chương trình đang đầu tư dở dang. Hơn nữa, khi tự chủ các trường sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước không can thiệp sâu vào công việc cụ thể của nhà trường. Tại Khoản 1, Điều 25 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định rõ, thông qua Hội đồng trường, nhà trường tự xây dựng và quyết định lựa chọn chương trình, giáo trình, phương pháp, ngôn ngữ, giảng dạy, học tập. Việc mở ngành nghề đào tạo, quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết, hợp tác đào tạo, mức thu học phí (trong khung của Chính phủ), đến quyết định chia tách, giải thể, bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự cũng như sử dụng tài sản để cho thuê, tổ chức sản xuất kinh doanh phục vụ các hoạt động… hoàn toàn do nhà trường quyết định.

 

Từ góc độ của người trong cuộc, TS. Nguyễn Thị Hằng cho rằng, những quy định pháp luật sẽ tạo khung pháp lý hoàn hảo để các trường hoạt động. Quan trọng hơn, khó khăn về tài chính buộc mỗi trường, mỗi cán bộ, giảng viên phải nỗ lực hết mình nếu muốn trường sống và sống khỏe. Lúc này, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân là một. Cá nhân yếu, trường yếu và ngược lại. Do đó, hoàn cảnh sẽ buộc con người phải hành động. Nhận thức và nắm bắt được cơ hội này, cùng với sự ấp ủ đổi mới từ nhiều năm, tháng 4.2016, Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh đã tiên phong thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi đã cùng nhau làm một cuộc cách mạng tư tưởng thực sự. Hai từ đổi mới luôn thường trực trong ý thức của mỗi cán bộ, giáo viên. Trên bàn tôi là tập chương trình hành động của các khoa, bộ môn; thống kê số lượng học sinh tốt nghiệp của các trường THPT… và đương nhiên không thể thiếu bản kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp. Tất cả nguồn sống, cơ hội để tự chủ của chúng tôi đều nằm trong những tờ giấy nhỏ bé ấy!” - TS. Nguyễn Thị Hằng nói.

 

Hiện cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, trong đó có 190 trường CĐ nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 3 trường: CĐ Nghề Lilama 2 (Bộ Xây dựng), CĐ Nghề Quy Nhơn (UBND tỉnh Bình Định) và CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm theo cơ chế tự chủ hoàn toàn trong hoạt động. Các trường còn lại đang trong quá trình xây dựng kế hoạch.

 

Đại biểu nhân dân