Theo GS. Cédric Villani, hình ảnh thông thường của nhà toán học bao giờ cũng vắt óc để suy nghĩ về cách giải toán. Tuy nhiên, không chỉ chú trọng vào nghiên cứu, nhà khoa học phải gặp gỡ, giao lưu với nhiều khán giả khác nhau. Bản thân ông từng thuyết trình tại hàng trăm hội thảo. Tới Việt Nam, GS. Cédric Villani và GS. Ngô Bảo Châu - cùng đoạt giải thưởng toán học Fields năm 2010 - có nhiều hoạt động về chuyên môn, cũng như chia sẻ tình yêu và truyền lửa đam mê toán học cho thế hệ trẻ. Và họ đã thành công khi tọa đàmPhương pháp giáo dục: làm thế nào để chuyển lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt - Pháp tại Hà Nội đã thu hút đông đảo người yêu toán học và thậm chí cả những người... ghét toán học.
Khô khan nhưng đầy sáng tạo
Nhiều người chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của toán học: khô khan, trừu tượng, khó khăn… từ đó ghét toán. GS. Cédric Villani cho rằng: “Toán học rất khô khan nhưng cũng đầy tính sáng tạo, toán học trừu tượng nhưng cũng rất phổ biến, toán học có những bất công và dân chủ, toán học lâu đời nhưng luôn tiến hóa, toán học vừa đơn lẻ vừa mang tính tập thể, toán học khó và dễ”. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng thế giới đang được hưởng lợi từ các nghiên cứu toán học. Lĩnh vực này ngày càng gần gũi và được áp dụng ở hầu hết lĩnh vực của đời sống: kinh tế, quốc phòng, môi trường, xây dựng, y học, tin học...
Trước việc học sinh ghét toán, và không nhiều người theo con đường nghiên cứu toán học, GS. Cédric Villani cho biết ông đang thực hiện dự án xây dựng một không gian giới thiệu toán học được ứng dụng trong thực tiễn và các giải pháp công nghệ, giới nghiên cứu về toán học... để người đến thăm có thể hiểu hơn các khía cạnh của toán. “Chúng tôi đã tìm được tòa nhà cổ chuẩn bị cho trưng bày, tìm kiếm ngân sách, huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp, nhưng vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian. Bảo tàng sẽ ra mắt khoảng 4 - 5 năm nữa. Tôi mong muốn dự án này sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội thấy được nét đẹp, bản chất toán học”.
Bảo tàng về khoa học hay bảo tàng về toán học là công cụ quan trọng để giới thệu về môn học này. GS. Ngô Bảo Châu cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi có dự án xây dựng bảo tàng về khoa học tại Việt Nam, trong đó có dành một phòng giới thiệu về toán học. Tôi đang suy nghĩ về nội dung trưng bày cho toán học của bảo tàng này”.
Đam mê quan trọng hơn kỷ luật
Để nhiều người yêu thích và theo đuổi toán học, cần làm việc theo nhiều hướng. Trước thực trạng ở ViệtNamcó nhiều học sinh giỏi, tư duy toán học tốt, nhưng rất ít nhà toán học, GS. Cédric Villani chia sẻ: Cần giúp sinh viên thực hành được những gì mình đã học, đó là phải có dự án về khoa học công nghệ, những ngành phụ trợ, khi lý thuyết và thực tiễn gặp gỡ nhau, sẽ có rất nhiều tiến bộ đỉnh cao, từ đó khuyến khích sinh viên học toán”.
Còn GS. Ngô Bảo Châu giãi bày: “Tôi cũng như các đồng nghiệp sáng lập ra Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, tìm nguồn học bổng và cấp học bổng để giúp học sinh yêu toán có nhiều cơ hội được tham gia trao đổi ở nước ngoài”. GS. Ngô Bảo Châu cũng cho rằng: cần truyền lửa tình yêu toán học cho học sinh, và khoảng 12 - 13 tuổi là thời điểm quan trọng. “Tôi may mắn được học trong trường cấp II có giáo viên rất giỏi, kích thích được trí tò mò, làm tôi đối diện với thách thức, khiến tôi tự ái để có thể cố gắng hơn về sau…”. Vai trò của giáo viên rất quan trọng, họ phải có tình yêu, đam mê toán học, vừa có khả năng, động lực và phải biết học sinh có khả năng tới đâu, từ đó phát triển môn học phù hợp. Cũng chính vì thế, “bỏ khối chuyên THCS là điều đáng tiếc”, dù có những tranh luận, ý kiến từ xã hội. “Ở Pháp cũng có tranh luận sôi nổi về các lớp chuyên. Tuy nhiên, lớp chuyên cũng có những thuận lợi nhất định, giúp các bạn trẻ có thể tập trung vào một số môn học mũi nhọn phù hợp với đam mê. Điều nữa là đam mê của giáo viên, những người truyền tải kiến thức cho học sinh. Bởi đam mê và động lực học hỏi bao giờ cũng quan trọng hơn kỷ luật hay chương trình học” - GS. Cédric Villani nói.
Vai trò của toán học ngày càng quan trọng trong thế giới hiện đại. Bảng xếp hạng về 200 nghề của The Wall Street Journal thực hiện năm 2009, đứng đầu là Toán học. GS. Ngô Bảo Châu khẳng định: Tương lai sẽ nằm trong tay những người hiểu về toán. Nhiều khi không cần toán cũng có thể hiểu các vấn đề, nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta sẽ có phương tiện để hiểu rõ ràng về xã hội tự nhiên hơn nhiều so với bản năng mỗi người có thể cảm nhận được.
Việc chinh phục toán học còn là nỗ lực của mỗi người. GS. Ngô Bảo Châu kể: “Bản thân tôi cũng phải mất nhiều thời gian để hiểu thế nào là góc, làm bài toán về góc. Cần giữ mối quan hệ thân thiết với toán, luyện nhiều sẽ quen. Bản thân những người làm toán học chuyên nghiệp cũng phải luyện. Khi làm việc với các khái niệm trừu tượng, nhiều khi chúng tôi phải thay khái niệm bằng số để làm cho nó bớt trừu tượng hơn”.
Người đại biểu nhân dân