Bộ này cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường trong thời gian qua đã có những chuyển biến bước đầu và đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được phần nào nhu cầu của học sinh-sinh viên (HS-SV), tăng cường được khả năng đề kháng trước những tác động tiêu cực của xã hội; đồng thời góp phần định hướng, hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trong học tập, rèn luyện cũng như trong cuộc sống.
Tuy nhiên, với những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại ngoài xã hội và trên mạng internet, đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, đời sống tinh thần, tâm lý giới trẻ, nhất là đối với HS-SV hiện nay.
Vì vậy, trong thời gian tới, công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường được Bộ GD-ĐT xác định rõ đối với nhiệm vụ của các sở GD-ĐT, các trường ĐH – CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, sẽ tập trung thực hiện tư vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tư vấn tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tư vấn tâm lý gia đình, tư vấn tâm lý học nghề nghiệp, tư vấn những vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt. Đặc biệt, sẽ đa dạng hóa các hình thức tư vấn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý. Coi trọng công tác tư vấn riêng cho cá nhân để giúp các em có sự tự tin và khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa các chuyên gia tư vấn với HS-SV. Phát huy vai trò tích cực của HS-SV ưu tú khóa trên tham gia hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Bộ GD-ĐT lưu ý, bằng nguồn lực xã hội hóa, các nhà trường chủ động xây dựng các phòng tư vấn tâm lý có không gian riêng, kín đáo tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho HS-SV.
SGGP