Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT Mai Văn Trinh đánh giá, dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 có 9 điểm tạo thuận lợi cho thí sinh. Đó là thời gian tổ chức kỳ thi; giảm áp lực và tốn kém từ số kỳ thi, quãng đường thi, số ngày thi, lệ phí thi và phí tổ chức thi; đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, tác động tích cực đến việc dạy và học trong nhà trường; miễn thi môn ngoại ngữ để tạo động lực thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ; khắc phục tình trạng học lệch; đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh; phát huy vai trò của các tỉnh/thành phố trong kỳ thi; sử dụng thang điểm 20 đáp ứng yêu cầu phân hóa cao kết quả thi và đặc biệt là tổ chức cụm thi, thống nhất một loại hình cụm thi, kể cả tỉnh và liên tỉnh đều do trường ĐH chủ trì.
Thực tế, tổ chức cụm thi không mới, nhiều trường ĐH đã thực hiện hình thức này từ năm 2003 ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh và năm 2012 tại Hải Phòng; nhưng năm 2015 lần đầu tiên chính thức mở rộng tổ chức cụm thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia. Dự kiến sẽ có 34 cụm thi trên toàn quốc, áp dụng theo quy chế, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho các thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD - ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận nhận định, tổ chức cụm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia là bước đột phá bảo đảm tính nghiêm túc, chất lượng và công bằng. Trong buổi trả lời trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc đổi mới thi cử, trong đó có tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đến 320 tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, kinh phí chi từ ngân sách bình quân 400.000đồìng/học sinh, cả nước có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng, nay khoảng 20% thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT, nên sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng, một phần khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ công tác xã hội hóa, tạo điều kiện đưa thí sinh đến các cụm thi dự thi một cách an toàn và thuận lợi. Chưa kể, trước kia nếu có nhu cầu thi tuyển ĐH, CĐ, thí sinh phải tham gia thêm một kỳ thi, đến các cụm thi tại thành phố lớn như Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng, thì bây giờ, thí sinh chỉ phải thi một lần, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của thí sinh, phụ huynh, vừa giảm được kinh phí tổ chức hội đồng trông thi và chấm thi riêng, kinh phí vận chuyển và bảo mật, khoản chi cho các lực lượng đảm bảo an toàn, cũng như thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo thi. Thêm nữa, chất lượng nguồn tuyển được bảo đảm, bởi chính các trường ĐH chủ trì tổ chức, tham gia các khâu của kỳ thi, giám sát quá trình thi và đánh giá kết quả thi. Nói như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD - ĐT đã mang các đơn vị khảo thí đến từng địa phương.
Mặc dù, việc tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì nhằm giải quyết bài toàn áp lực thi cử cũng như tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội, song vẫn có ý kiến trái chiều. Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam Pgs Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Bộ đang tự làm khổ Bộ khi tổ chức đến hơn 30 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Quá mất thời gian, quá tốn kém. Điều này chỉ chứng tỏ Bộ đang không tin tưởng các Sở GD - ĐT cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT bao năm qua và khiến các trường ĐH thêm gánh nặng. Theo Pgs Trần Xuân Nhĩ, Bộ vẫn nên để các tỉnh chủ trì và tổ chức thi tại các địa phương như những năm trước, chỉ cần nghiêm túc từ trên xuống dưới, xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc, thì kết quả của kỳ thi này hoàn toàn có thể tin tưởng được.
Hiện Bộ GD - ĐT tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của cá nhân và đơn vị, dự kiến tháng 2 tới sẽ chính thức ban hành Quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia 2015.
Người đại biểu nhân dân