Phường hát trong hội Gióng
Đến nay chưa có cứ liệu lịch sử xác định nguồn gốc và thời gian xuất hiện của phường Ải Lao. Theo ông Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường Ải Lao, thế hệ đi trước kể lại rằng, múa và hát Ải Lao được hình thành từ trẻ chăn trâu ở làng Hội Xá. Xưa Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức (tức sông Đuống), trẻ chăn trâu, người câu cá bên bờ sông theo Ngài đánh giặc, ông Hoàng Hổ cũng xin theo. Khi chiến thắng giặc Ân, Thánh Gióng hóa về trời, mẹ Ngài không thấy con nên buồn rầu, đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá sang múa hát cho Mẫu nghe, khiến Mẫu vui trở lại. Từ đó, khi tổng Phù Đổng tổ chức hội Gióng phải mời làng Hội Xá sang biểu diễn. Làng Hội Xá tham gia hội Gióng từ ngày 6 - 9.4 ÂL, thực hành một số nghi lễ quan trọng như rước nước rửa vũ khí trước khi ra trận, khám trận địa, hát những ca khúc khải hoàn sau khi Thánh Gióng chiến thắng, đánh đuổi được giặc Ân…
Trước đây, làng Hội Xá có 4 giáp Đông, Đoài, Nam, Bắc, đến lượt giáp nào tham gia hội Gióng, giáp đó phải chọn trai đinh để lập phường hát và múa Ải Lao phục vụ hội. Do đó, giáp nào cũng có người biết hát. Các giáp thường cử 20 thành viên hát và múa Ải Lao: 1 ông trùm, 1 người đánh trống khẩu, 1 người đánh chiêng, 1 người cầm cung tượng trưng cho người đi săn, 1 người cầm cần câu tượng trưng cho người câu cá, 2 người cầm cờ lau tượng trưng cho trẻ chăn trâu, 1 người múa hổ, 12 người cầm sinh và hát cùng với những người đứng đầu giáp. Nay việc biểu diễn không theo giáp, mà do phường Ải Lao đảm nhiệm.
Qua thăng trầm lịch sử, phường Ải Lao hiện biểu diễn ở Hội Gióng 12 bài hát. So với ghi chép của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên về Ải Lao năm 1937 - 1938, hầu hết các bài Ải Lao cổ vẫn được biểu diễn, chỉ thay đổi tên gọi và trật tự một số đoạn. Đặc điểm nổi bật của các bài hát Ải Lao là từ bài thơ chủ yếu theo thể lục bát và thơ tám chữ được chuyển sang hát bằng cách lặp từ, thêm từ đệm, thay đổi cấu trúc. Đến nay, phường Ải Lao còn chuyển thể một số bài thơ thành bài hát mới, nói lên vai trò lịch sử của phường Ải Lao và ông Hoàng Hổ, để phù hợp hơn với không gian biểu diễn mới ở đình và chùa Hội Xá.
Nghệ thuật trình diễn cổ
Ngoài ý nghĩa lịch sử, tâm linh, hát và múa Ải Lao được coi là loại hình rất cổ và hiếm còn sót lại trong nghệ thuật trình diễn của người Việt, cùng với hát xoan, hát xuân phả, hát dô… Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hinh trăn trở: Việc hội Gióng bị gián đoạn tổ chức trong thời kỳ chiến tranh đã khiến di sản mai một. Số người biết hát, múa Ải Lao và có khả năng truyền dạy di sản hầu hết đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, lớp trẻ không mặn mà với di sản. Từ trước đến nay, việc truyền dạy hát và múa Ải Lao theo cách học truyền miệng, nhất là truyền miệng kiểu đồng ca, nên nhiều người không thuộc hết lời hát.
Nhận thức giá trị di sản, từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa triển khai dự án Nghiên cứu, bảo vệ tập quán xã hội hát và múa Ải Lao. Sau quá trình khảo sát, điền dã, tiếp cận và trao đổi với cộng đồng, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được hệ thống tư liệu khoa học làm cơ sở cho việc khôi phục điệu hát, múa cổ, gồm: Sách giới thiệu về hát, múa Ải Lao, các bài thơ được chuyển thể thành bài hát và các bài hát Ải Lao mới; xây dựng phim về giá trị của hát, múa Ải Lao, nhằm giúp bảo tồn hiệu quả hơn di sản hát và múa Ải Lao nói riêng và hội Gióng ở đền Phù Đổng nói chung; xây dựng video, tạo công cụ giúp cho việc truyền dạy hát và múa Ải Lao. Ngoài ra, bộ tài liệu giáo dục về di sản hát múa Ải Lao và hội Gióng cũng đã được soạn thảo với 72 câu hỏi và câu trả lời, cung cấp thông tin cơ bản về di sản, là nguồn tư liệu quan trọng đưa di sản vào trường học… Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ về di sản hát, múa Ải Lao đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để di sản được bảo tồn, phát huy giá trị theo hướng bền vững.
Những nỗ lực trên nhằm giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn, gắn bó và thực hành, giúp trẻ hóa phường Ải Lao. Có như vậy, di sản mới tồn tại bền vững cùng hội Gióng - trang sử hào hùng về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, các lời hát, điệu múa do phường Ải Lao biểu diễn trong lễ hội dâng lên Thánh Gióng và Thánh Mẫu, được hình tượng hóa, cách điệu hóa. Trong hát và múa Ải Lao có các lớp lang, câu chuyện lịch sử được đúc kết qua nhiều thế hệ, vì thế di sản nghệ thuật này có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa lịch sử và văn hóa đáng trân trọng, giữ gìn.
Đại biểu nhân dân