Lứa thanh niên ngày ấy tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội khi mới 17 - 18 tuổi, thậm chí 14 - 15 tuổi, nhiều người đang ngồi trên ghế nhà trường. Nay đã ở tuổi gần 90, nhưng họ vẫn đầy nhiệt huyết khi nhớ lại những ngày hào hùng của dân tộc cách đây 70 năm. Ông Lưu Đức Vân - Trưởng Ban liên lạc thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu bồi hồi xúc động: “Thanh niên Hà Nội là lực lượng xung kích của cuộc khởi nghĩa. Trong đó, Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đa số là học sinh, sinh viên. Trước tổng khởi nghĩa, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động, làm cho nhân dân hiểu về cách mạng, Mặt trận Việt Minh, từ đó ngả theo lá cờ Việt Minh và giúp đỡ cách mạng như: rải truyền đơn, dán khẩu hiệu để cổ động đồng bào Hà Nội ủng hộ Việt Minh, chia thành các tổ diễn thuyết ở những nơi đông người như chợ, trường học, xí nghiệp, rạp chiếu bóng... Khi thực hiện hoạt động ấy, mọi người đều biết rất rõ và chấp nhận chuyện hy sinh, tù đày. Nhưng noi theo truyền thống hào hùng của dân tộc, hiểu được đường lối đúng đắn của Mặt trận Việt Minh, từ tin tưởng biến thành hành động. Tất nhiên, trước sự tàn bạo của kẻ thù, phải giữ mình để không bị bắt”. Ông Vân ước tính, thời kỳ ấy có khoảng 500 - 600 thanh niên đã là những “cán bộ bán chuyên nghiệp, ăn cơm nhà, đi làm cách mạng”, tích cực vận động gia đình, nhân dân và thanh niên Hà Nội tham gia và ủng hộ cách mạng.
Trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, đi đầu là thanh niên, xung phong là học sinh, sinh viên - ông Nguyễn Hải Hùng, Đội trưởng Đội tự vệ xung phong ngoại thành kể: Trong cuộc mít tinh Tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng đã chiếm diễn đàn cuộc mít tinh. Trên diễn đàn có 2 diễn giả đều là nữ, chưa đến 20 tuổi, lên báo tin Nhật đã đầu hàng, hô hào nhân dân ủng hộ Việt Minh tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đánh Pháp đuổi Nhật... Nhạc sĩ Doãn Nho, khi ấy mới 13 tuổi, được phân công làm nhiệm vụ liên lạc. Nhà ông ở xóm Tre, làng Cót (nay thuộc phườâng Yên Hòa) - ngôi làng khởi nghĩa đầu tiên để cướp chính quyền. Ông còn nhớ như in lá cờ đỏ sao vàng cắm trên cây xi đầu làng, khi cùng dân làng tập hợp bên sông Tô Lịch, rồi đi đến Giáp Nhất, qua làng Quan Nhân, tập hợp ở Chính Kinh để chiếm cơ sở chính quyền của địch mà không gặp phải kháng cự nào, sau đó, đoàn người qua Gò Đống Đa, Ô Chợ Dừa, tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn...
Cuộc biểu tình ngày 17.8 đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong ký ức của những thanh niên năm xưa. “Đoàn biểu tình rầm rộ như nước lũ cuốn theo mọi người ở hai bên đường, kể cả một số tay sai của địch như lính bảo an, cảnh sát cũng hòa vào dòng người. Tất cả hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập, Ủng hộ Việt Minh... tuần hành cho đến khoảng 5 - 6h tối. Từ cuộc biểu tình ấy, Thành ủy Hà Nội đã quyết định triệu tập hội nghị của Ủy ban Quân sự Cách mạng và Thành ủy Hà Nội mở rộng để quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa ngày 19.8, không thể nhanh hơn và không thể chậm hơn” - ông Lưu Đức Vân hồi tưởng...
Không khí hào hùng năm xưa đã tràn ngập trong suy tưởng của hai thế hệ. Khi được nghe những nhân chứng lịch sử kể về thời hoạt động sôi nổi của thế hệ thanh niên Thủ đô, Hà Thanh Thủy, thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xúc động: “Qua cuộc giao lưu này, chúng em được hiểu hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của thế hệ cha ông, hiểu hơn về lịch sử và tự thấy bản thân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa”.
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ tiếp bước, các chứng nhân lịch sử đều nhấn mạnh: “Dân tộc này có đi đến bờ bến vinh quang hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lớp trẻ”. Ông Nguyễn Viết Hà - đoàn viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, hoạt động ở khu vực Bạch Mai và tham gia biểu tình, giành chính quyền khẳng định: Cách mạng tháng Tám xây dựng nền móng khởi đầu, nhưng giới trẻ phải tiếp nối, làm sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, phát huy thành quả của cuộc cách mạng này. Kỳ vọng và đặt niềm tin tuyệt đối vào lớp trẻ, ông Lưu Đức Vân xúc động, “vì thấy các bạn trẻ - thành quả của cách mạng là đây. Mong các em sẽ mang tất cả sức lực, trí óc, tài năng phục vụ Tổ quốc, làm cho đất nước ngày một giàu mạnh hơn; thúc đẩy tạo nên thế hệ thanh niên Việt Nam, thanh niên Hà Nội có trí tuệ, kiến thức sâu rộng, ý chí quyết tâm, văn minh lịch sự... tôi tin tưởng các em sẽ làm được điều đó”.
Người đại biểu nhân dân