Không thể lơ là giáo dục phổ thông
- Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ, ông có kỳ vọng gì ở tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đảm nhiệm vai trò người đi đầu trong công tác đổi mới, cải cách giáo dục?
- Giáo dục đào tạo đóng vai trò là chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Một nền giáo dục kém sẽ không thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, ngược lại, thiếu nhân lực tốt, Việt Namkhông thể phát triển và sẽ tụt hậu trong một thế giới đang biến đổi từng ngày. Vai trò và trọng trách của người rước đuốc cho nền giáo dục quốc dân vì vậy cũng rất nặng nề. Chúng ta đổi mới, cải cách giáo dục đào tạo để đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội, khắc phục những hạn chế trong nền giáo dục nội tại chỉ thiên về lý thuyết chứ chưa chú trọng thực hành. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào để học sinh, phụ huynh không bị sốc, không mang lại tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội là việc tân Bộ trưởng cần đặc biệt lưu ý. Theo tôi, mọi sự đổi mới phải có lộ trình, bước đi thận trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không gây biến động, hoặc xáo trộn quá lớn đến đời sống người dân.
- Theo ông, đâu sẽ là vấn đề cần ưu tiên giải quyết của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?
- Bất cứ Bộ trưởng nào nhận nhiệm vụ cũng cần nắm chắc tình hình vận hành hệ thống của mình. Và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Tân Bộ trưởng đã từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, đây là thuận lợi cho công tác giáo dục đại học, song tân Bộ trưởng cũng không thể lơ là giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Đặc biệt, giáo dục phổ thông là môi trường trang bị kiến thức chung cho lao động phổ thông trong tương lai, cấp học này phải được đặc biệt chú trọng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 ghi nhận thành công bước đầu của ngành giáo dục - Ảnh: Duy Thông
Vai trò hành động đang đặt lên vai của Bộ trưởng
- Có một thực tế là giáo dục nước ta dường như chỉ chú trọng bằng cấp, chưa chú trọng chất lượng, thưa ông?
- QH và dư luận nhân dân đã nói nhiều về chất lượng giáo dục. Ngay trong nhiệm kỳ Khóa XIII, QH đã thông qua Luật Giáo dục Đại học, ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - đây là những nền tảng pháp lý đều vì mục tiêu chung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo. Chất lượng giáo dục đào tạo chịu tác động của nhiều yếu tố: điều kiện cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học của học sinh, sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và những người người xung quanh. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó đi đầu là ngành giáo dục đào tạo. Ở nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới chỉ triển khai, bước đầu đưa Luật và Nghị quyết của QH vào đời sống. Vai trò thực thi và hành động đang đặt lên vai của tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng phải hiểu rõ đâu là điểm nhấn tạo đột phá trong từng cấp học, bậc học. Ví dụ, giáo dục phổ thông phải sớm xây dựng và ban hành chương trình khung, xây dựng bộ sách giáo khoa cập nhật, hiện đại, mang tính ứng dụng, thực hành cao, không quá nặng về kiến thức. Đồng thời, sớm đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, có phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình mới. Đối với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trao quyền tự quyết cho chính các trường đại học, để các trường đại học phát huy được khả năng của mình. Với giáo dục mầm non, chúng ta có thời gian dài bỏ quên cấp học này, nay cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chú ý đến các độ tuổi mầm non 5 tuổi và dưới 5 tuổi.
- Xin cảm ơn ông!
Đại biểu nhân dân