318
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 24/09/2015 08:21
Toạ đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa thu tháng Tám”
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Toạ đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa thu tháng Tám”.
Toạ đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi mùa thu tháng Tám”. (Ảnh: Hà Tuấn)

Buổi tọa đàm nhằm cung cấp thêm những kiến thức lịch sử và phát huy giá trị của trưng bày chuyên đề “Sưu tập báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-1945 ”đang mở cửa phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia – số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Dưới hình thức giao lưu, trao đổi giữa khách mời với học sinh, sinh viên và cán bộ chuyên môn bảo tàng,đây là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về công việc biên tập, in ấn, phát hành đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người làm báo Cách mạng; cao hơn nữa là tình cảm trân trọng đối với những hy sinh, mất mát của những người chiến sĩ cầm bút và biết bao quần chúng nhân dân, cơ sở cách mạng đã bảo vệ, nuôi giấu cơ quan biên tập, in ấn báo trong hoàn cảnh hiểm nguy thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: ông Lê Đức Vân - Nguyên Phụ trách tờ báo Hồn Nước - Tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu - Hà Nội trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945; ông Nguyễn Kim Chi - Phụ trách in báo Hồn Nước; GS.TS Phạm Xanh - Nguyên giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội. 



Phát biểu tại buổi Tọa đàm, GS.TS Phạm Xanh cho rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả của nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ gian khổ nhất, báo chí cách mạng ViệtNam đã thực hiện rất tốt các chức năng của mình: chức năng tuyên truyền, chức năng hướng dẫn dư luận, chức năng tập hợp lực lượng… trong đó đặc biệt là chức năng tập hợp lực lượng để hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh của mình.

 

Là người phụ trách tờ báo Hồn Nước, ông Lê Đức Vân cho biết, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhận thấy thanh niên là lực lượng chủ chốt của cách mạng, Đảng đã có chỉ thị phải đẩy mạnh tập hợp thanh niên và có chủ trương mỗi thành phố lớn lập một Ban Thanh vận, ra một tờ báo riêng. Cho đến ngày 19/8/1945, chỉ có Hà Nội làm được điều này, có Ban Vận động thanh niên và ra được tờ báo Hồn Nước (ra đời tháng 12/1944). Tính đến ngày 19/8/1945, báo Hồn Nước ra được 6 số, mỗi số 2 trang, in khoảng hơn 100 tờ, với các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, được thanh niên chuyền tay nhau đọc, khích lệ tinh thần yêu nước của thanh niên, dần dần vận động họ tham gia tổ chức. Không chỉ thanh niên, nhiều người khác cũng được xem báo, từ đó tham gia, ủng hộ Việt Minh và trở thành chỗ dựa cho cách mạng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Tại buổi Toạ đàm, nhiều câu hỏi đã được gửi tới các đại biểu khách mời, nhằm làm rõ hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cũng như khẳng định rõ hơn nữa tính chất, ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945./.

 

ĐCSVN