Với tinh thần trách nhiệm trước lịch sử, trước lòng yêu nước và những hy sinh vô bờ bến của quân và dân ta, nhà văn Đặng Đình Loan – người đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – đã dành hơn 30 năm để viết bộ tiểu thuyết Đường thời đại. Tập 17 của bộ tiểu thuyết đang dừng lại ở những sự kiện lịch sử diễn ra trong đầu năm 1972. Những tập tiếp theo viết về những sự kiện lịch sử cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày toàn thắng năm 1975, tác giả cũng đã hoàn thành.
Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy, tác giả đã tái hiện một cách sinh động, chân thực sự hiếu chiến, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, dã man, tàn bạo của kẻ thù và những năm tháng chiến đấu đầy thử thách, chông gai, gian nan, khổ cực nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam. Qua đó, cho thấy chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta được tạo nên bởi sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên mọi mặt trận. Cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước đã không quản gian khổ, hy sinh; đã trí dũng, kiên cường, quyết đánh và quyết thắng, vận dụng thông minh, sáng tạo, đầy hiệu quả đường lối, chính trị quân sự của Đảng; động viên, tổ chức sức lực của toàn dân, toàn quân và bằng mọi hình thức đấu tranh để tạo nên sức mạnh vô địch, lập nên những chiến công đánh bại đế quốc Mỹ.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm khẳng định sự thành công cũng như hạn chế của bộ tiểu thuyết. Hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Đây là bộ tiểu thuyết đồ sộ về chiến tranh, có giá trị về giáo dục và nhân văn, với khối lượng tư liệu hết sức đồ sộ, phản ánh trong không gian rộng lớn từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Đây cũng là bộ tiểu thuyết có số lượng nhân vật đông và phức tạp. Riêng ở 17 tập đã xuất bản, có tới 850 nhân vật cụ thể, có lý lịch trích ngang. Với dung lượng đồ sộ, bộ tiểu thuyết góp phần đáp ứng nhu cầu của độc giả khi tìm hiểu về chiến tranh./.
(ĐCSVN)