Chỉ thị số 42/CT-TW tháng 8.2004 của Đảng nêu rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành, xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi…”. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Xuất bản mới đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số và giảm dần theo từng cấp: Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50.000 bạn đọc thường xuyên, thư viện tỉnh có 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện khoảng 500 - 600 bạn đọc và chỉ khoảng 100 - 200 bạn đọc ở thư viện phòng đọc cấp xã. Ngay trong mạng lưới thư viện trường học, tuy có tới 25.915 thư viện/27.264 trường, chiếm tỷ lệ 89,9%, số thư viện đạt chuẩn chiếm 49,3%, nhưng hoạt động đọc của học sinh, sinh viên còn thấp, đa số các trường chưa xây dựng được thói quen đọc có hệ thống và hiệu quả. TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Trên thực tế, hoạt động thư viện của các trường học còn tương đối nghèo nàn. Thư viện thường được coi là một không gian nhỏ, phụ trong mỗi trường học. Phần lớn các trường học không có thời gian dành riêng cho các hoạt động thư viện. Và thư viện dường như bị tách rời khỏi các hoạt động giáo dục, văn hóa của trường học. Như vậy, hoạt động dạy vẫn là hoạt động quan trọng nhất trong mỗi trường học, vấn đề đọc không được phát triển là điều đương nhiên”.
Tại hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, tổ chức ngày 9.12 tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ băn khoăn trước những nguyên nhân dẫn đến việc văn hóa đọc bị “kìm nén” ngay trong môi trường giáo dục. “Học sinh bị sức ép về thời gian học tập chính khóa, học thêm nhiều. Cơ sở vật chất thư viện chật hẹp, sách, tài liệu nghèo nàn, cán bộ thư viện ít dành thời gian giao tiếp với học sinh. Cách thức quản lý, chỉ đạo hoạt động của thư viện lạc hậu, phong trào đọc sách trong cộng đồng nói chung và trong nhà trường nói riêng chưa được hình thành. Yêu cầu về kiểm tra, đánh giá chưa khuyến khích học sinh phải đọc thêm nhiều tài liệu để có kết quả tốt”.
Kết nối và nhân rộng
Cách đây khoảng 10 năm, vấn đề “Thư viện là trái tim của trường học” đã được đặt ra, bởi thư viện trường học có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc. Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD - ĐT đã triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột” ở bậc tiểu học và THCS, trong đó nhấn mạnh hoạt động học tập dựa trên sự tìm tòi, nghiên cứu chủ động của học sinh, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động đọc trong nhà trường. TS. Trần Thị Minh Nguyệt, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, với vai trò đó, yêu cầu nhà trường phải có sự phối hợp đồng thời giữa các bộ phận để cùng lúc tác động vào tinh thần ham đọc của học sinh. “Ban giám hiệu phải có vai trò chỉ đạo, định hướng giáo dục văn hóa đọc; giáo viên tăng cường yêu cầu học sinh đọc tài liệu tham khảo; còn nhân viên thư viện liên kết chặt chẽ với các giáo viên bộ môn, phục vụ tài liệu sát với chương trình học tập của các em học sinh”.
Theo các nhà nghiên cứu, nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng góc sách đáp ứng nhu cầu đọc, nhất là các trường ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Một giải pháp được đưa ra là sự chung tay giữa nhà trường và cộng đồng. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do ông Nguyễn Quang Thạch khởi xướng được đánh giá là giải pháp vàng cho bài toán phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng nói chung. Tủ sách phụ huynh được áp dụng thực địa lần đầu tiên vào tháng 5.2010 tại Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình, chỉ sau 5 tháng hoạt động, từ con số 0,4 đầu sách/học sinh đã tăng lên thành 5 đầu sách/học sinh và hiện nay, bình quân mỗi học sinh đọc tới 30 đầu sách/năm. Mô hình này đã được nhân rộng ra các trường khác ở Thái Bình và một số tỉnh, thành phố. Ông Nguyễn Quang Thạch cho biết: “Tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học đã tạo ra hệ sinh thái đọc giúp học sinh học tập chủ động, tích cực, tri thức lĩnh hội được tương tác, niềm đam mê khám phá và đời sống tâm hồn được nuôi dưỡng và hiện thực hóa các chủ trương đổi mới của Bộ GD - ĐT. Hệ thống tủ sách đến từ cộng đồng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia mà lại tiết kiệm ngân sách nhà nước”.
Một khi có sự góp sức của cộng đồng, Bộ GD - ĐT phải vào cuộc nhằm định hướng tầm nhìn cũng như đưa ra những hướng dẫn thực tế để nhân rộng mô hình thư viện cộng đồng trong trường học, thì lúc đó việc hình thành thói quen đọc sách trong và ngoài nhà trường mới có thể bền vững.
Các đại biểu tham dự hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng ngày 9.12 tại TP Bắc Giang khẳng định: Trong xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức, để xây dựng một xã hội học tập phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng, bước đi có tính chất nền tảng là trang bị văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc cho học sinh phổ thông để các em có khả năng tự học tập suốt đời. Hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ giữa thư viện trường học với cộng đồng gồm cá nhân và các tổ chức xã hội…
Đại biểu nhân dân