395
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 04/08/2015 08:16
Tiếng chuông khuyến học
Bảy giờ tối, chuông Nhà thờ ngân vang. Giờ ấy, chuông không gọi kêu giáo dân đọc kinh, cầu nguyện mà nhắc các em nhỏ ngồi vào bàn học tập. Tiếng chuông hằng đêm, vừa uy nghiêm vừa thân thiết, đồng hành cùng học trò xứ đạo Tân Bình...
Hai em Trương Thị Kim Tuyến và Trương Thị Kiều Oanh là gương sáng về vượt khó học giỏi ở thôn Văn Tứ Tây. ẢNH: HOÀNG ĐÌNH ĐIỂN

Làng quê Tân Bình êm đềm trong bóng chiều buông. Đây đó, khói đồng vương bảng lảng. Đêm xuống, cảnh vật im lìm trong những bóng xoài cổ thụ. Còn bên kia đường, phía những đìa tôm, đèn điện sáng lung linh. Giáo xứ Tân Bình là khu dân cư gồm hai thôn Văn Tứ Đông và Văn Tứ Tây, có 700 hộ và gần tám nghìn nhân khẩu, thuộc xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ở đây có hơn 95% số dân theo đạo Thiên Chúa; hầu hết làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc buôn bán nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

 

Lần theo những con đường nhỏ quanh co, chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Thị Như Ý theo lời giới thiệu của Linh mục Nguyễn Văn Hương. Gia cảnh rất khó khăn, nhưng nhờ có ý chí quyết tâm học tập, lại được bà con chòm xóm và giáo xứ cùng giúp đỡ, động viên, em Như Ý được một suất du học ở nước ngoài. Nhận giấy báo du học mà Như Ý buồn vô hạn. Bố mất khi em còn nhỏ. Một mình mẹ bươn chải nuôi mấy chị em. Tiền đâu mà đi du học. Rồi em bật khóc, khi biết mẹ đã lặng lẽ bán đi đìa nuôi tôm của gia đình lấy tiền cho em đi học. "Cháu chưa bao giờ nghĩ mình có thể đi học ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nay lại được đi học ở tận nước ngoài. Mừng quá! Cháu sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng mọi người" - Như Ý chia sẻ.

 

Đúng bảy giờ tối, chuông nhà thờ ngân nga. Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Văn Tứ Tây Hoàng Đình Điển giải thích: Ở giáo xứ Tân Bình, mỗi tối, cứ đúng bảy giờ, khi có chuông nhà thờ báo hiệu, tất cả các cháu trong độ tuổi đi học đều phải ngồi vào bàn học. Ban hành giáo đi kiểm tra từng nhà một. Sau hồi chuông nửa giờ, những em còn la cà, tụ tập ngoài đường sẽ được Ban hành giáo đưa về tận gia đình. Nếu còn tái phạm sẽ thông báo cho mọi người trong giáo xứ biết để cùng khuyên bảo.

 

Người dân Tân Bình gọi tiếng chuông hằng đêm ấy là chuông học tập, chuông khuyến học. Gọi theo cách nào cũng thấy thật nhiều ý nghĩa, hướng thiện. Từ ngày có tiếng chuông, các em học sinh tiến bộ hẳn, chấm dứt được hiện tượng trốn học, bỏ học do thiếu căn bản, không thuộc bài.

 

Bác Điển nhớ lại: Trước đây, nhiều hộ dân có cuộc sống khó khăn, khiến con em phải bỏ học. Vì quá lo cho cơm áo, đời sống, nhiều phụ huynh không có điều kiện chăm lo việc học hành của con cháu mình. Buổi tối, các cháu không tập trung học tập mà tụ tập chơi đùa, thậm chí quậy phá, gây ồn ào, mất trật tự trong thôn xóm. Nhiều cháu học yếu, phải lưu ban, rồi bỏ học. Trước thực tế đó, năm 1999, chính quyền, mặt trận, linh mục quản xứ, ban hành giáo giáo xứ cùng bàn bạc rồi quyết định hai việc. Một là cứ hằng đêm, lúc bảy giờ tối, nhà thờ gióng một hồi chuông. Tất cả các em trong độ tuổi đều phải ngồi vào bàn học. Gia đình và Ban hành giáo cùng phối hợp kiểm tra. Hai là thành lập quỹ khuyến học, để khen thưởng các cháu học tốt và giúp đỡ những trường hợp học sinh có gia cảnh khó khăn được tiếp tục học tập. Như trường hợp em Như Ý nói ở trên là một điển hình.

 

Ở nhiều trường đại học, các em thành lập được hội sinh viên đồng hương giáo xứ Tân Bình. Sinh viên cũ giúp các em sinh viên mới vào trường, nhanh chóng ổn định cuộc sống, học tập. Hằng năm, vào ngày mồng 5 Tết, các em sinh viên tập trung về giáo xứ, họp mặt giao lưu, các em học năm cuối phổ thông trung học được các anh chị sinh viên hướng dẫn để khỏi bỡ ngỡ khi xa nhà, vào đại học.

 

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, linh mục Nguyễn Văn Hương cho biết, ông rất tâm đắc câu chuyện tiếng chuông học tập ở Tân Bình. Ông bảo, tiếng chuông như lời Thiên Chúa ân cần nhắc nhủ các em phải học tập tốt, phải rèn luyện tốt để trở thành người Công giáo tốt, người công dân tốt. Các em nhỏ lúc đầu bỡ ngỡ nhưng sau thành nếp, đã hình thành được ý thức chuẩn bị để cứ đúng bảy giờ tối là sẵn sàng ngồi vào bàn học. Song hành với tiếng chuông, việc liên lạc giữa nhà trường, cha sở, ban hành giáo với phụ huynh học sinh ngày càng mật thiết. Từ đó, qua kết quả học tập, các cháu yếu được nhắc nhở, động viên; các cháu khá được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

 

Bí thư Đảng ủy xã Cam Hòa Hoàng Công Lập cho biết, đây là mô hình phát huy tác dụng rất tốt. Từ khi có tiếng chuông khuyến học, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, quậy phá dứt hẳn. Giáo xứ Tân Bình có hai thôn, nhưng tiếng chuông của nhà thờ Tân Bình ngân xa, lan tỏa tới các thôn khác chung quanh. Và, ở những thôn này, trong nhiều hộ dân không theo đạo Thiên Chúa, cứ đúng bảy giờ tối, nghe tiếng chuông giáo xứ Tân Bình, các em nhỏ lại tự giác ngồi vào bàn học.

 

ND