Khuyến khích giới trẻ tư duy sáng tạo
Làm thế nào để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp đang trở thành câu hỏi được nhiều nhà quản lý, nhiều cá nhân tâm huyết với sự phát triển của đất nước nghiền ngẫm, trăn trở. Là một trong những người đau đáu với câu hỏi lớn này, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, thứ nhất, cần phải khuyến khích tư duy sáng tạo cho con trẻ ngay trong mỗi gia đình. Bố mẹ cần phải tôn trọng con cái, khuyến khích trẻ tư duy độc lập, sáng tạo. Bên cạnh những vấn đề nghiêm khắc thì bố mẹ cần có được tư duy cổ vũ rằng các con sẽ làm ra những điều tuyệt vời khi con tạo ra sự khác biệt. Khuyến khích con cái làm bánh, cắt tóc, giải toán theo kiểu của con.
Thứ hai, nhà trường cần phải dạy cho trẻ em về sự sáng tạo, về khởi nghiệp. Hãy để cho con trẻ nghe những câu chuyên sáng tạo ra các thành quả của nhân loại, văn minh nhân loại như thế nào. Hãy kể cho trẻ nghe rằng Michael Dell bán tẩy cho trẻ em thế nào trước khi thành công ra sao. Hãy kể những câu chuyện khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, kinh doanh, công nghệ thông tin, hãy kể về những con người sáng tạo vĩ đại cho trẻ em từ tấm bé.
“Hãy chia lớp thành 3 nhóm để chế tạo tàu chạy bằng xà phòng chẳng hạn, rồi thi xem nhóm nào chạy nhanh hơn. Hãy dạy chúng cạnh tranh, sáng tạo bằng chính hành động và sản phẩm”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Khi đến bậc đại học, dứt khoát phải có Incubators (Vườn ươm hay hệ sinh thái hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp) để hỗ trợ các em. Đại học là giai đoạn của nhiều ý tưởng công nghệ khởi nghiệp, do đó Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp.
Thứ ba, về tài chính, phải có các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm…phả có hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ các bạn trẻ hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Sinh viên phải biết chúng còn thiếu cái gì? Ai giải bài toán cho chúng? Ai chia sẻ với chúng kinh nghiệm? Các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và Nhà nước cần phải tham gia đặt các bài toán, thiết kế các hệ sinh thái sẵn sàng đỡ lấy những ý tưởng khởi nghiệp và hỗ trợ để nó sinh sôi, phát triển.
Nhà nước cũng cần mạo hiểm cùng các bạn trẻ
Từ góc độ quản lý nhà nước, TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, để khởi nghiệp sáng tạo thành công cần tạo ra một môi trường vườn ươm để các hạt giống có điều kiện nảy mầm tốt nhất. Nhà nước đứng ra xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cụ thể, vai trò của nhà nước nằm ở việc ban hành chính sách thuận lợi để xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, cần cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Nhà nước (giai đoạn đầu) và tư nhân, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ. Song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mà hiện đang vướng rất nhiều quy định, Nhà nước cần đi trước một bước “để làm gương” cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu Nhà nước “không dám đầu tư mạo hiểm” thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư.
Song song với đó, theo TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, vai trò đòn bẩy của nhà nước còn đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp khi doanh nghiệp mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, rất khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, có thể bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư cho giai đoạn đầu. Ngoài ra, nhà nước cần phải chia sẻ rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm với các nhà đầu tư tư nhân; kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thành một mạng lưới để họ biết được những thông tin về nhau một cách dễ dàng hơn.
Khẳng định rất nhiều nhóm trẻ ở Việt Nam đang làm startup, ông Trương Gia Bình cho rằng cần phải hỗ trợ các nhóm startup lớn lên. Hỗ trợ đầu tiên là nơi làm việc. “Tôi rất mong những nhà đầu tư bất động sản mà chưa bán được thì hãy cho các bạn ấy đến làm miễn phí. Sau nếu các bạn ấy thành công thì các bạn ấy trả lại. Phải tạo điều kiện cho các bạn làm việc đã. Tiếp đó là phải tạo vốn; phải tạo mối quan hệ quốc tế cho các bạn ấy; các startup giờ đây không tính thành công ở một địa phương nào mà phải nhìn tầm nhìn toàn cầu,” ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Về cơ chế chính sách, ông Trương Gia Bình cho rằng Nhà nước cần sớm mở cửa cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào, mang vốn cùng với tất cả các kiến thức, thông lệ tốt, bài học thành công về startup trên thế giới vào Việt Nam.Israel có hình thức đầu tư Yozma, hiện có khoảng 20 quỹ Yozma với quy mô khoảng 400 triệu USD. Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm được xây dựng theo công thức tư nhân bỏ 1,5 đồng thì nhà nước bỏ 1 đồng để lập quỹ. Khi thành công, nhà nước cho các công ty tư nhân hưởng lợi chính, nhà nước chỉ thu lại vốn và lãi suất theo định mức ngân hàng. Còn lúc thất bại thì nhà nước chấp nhận. Từ ví dụ này, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, "Nhà nước cũng phải mạo hiểm cùng các bạn trẻ."
Đánh giá cao Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mà Bộ Khoa học Công nghệ đang trình Chính phủ ban hành, ông Trương Gia Bình cho rằng, mặc dù là tiền ngân sách nhà nước song để thành công thì việc vận hành các cơ chế hỗ trợ cần giao hẳn cho tư nhân. Nếu rủi ro, mất vốn cũng phải chấp nhận. Kinh nghiệm của các quốc gia có nền khởi nghiệp thành công cho thấy, có thể thất bại vài dự án nhưng chỉ một dự án khởi nghiệp thành công cũng mang lại những thành quả to lớn.
Hiện tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đang được Chính phủ xem xét ban hành. Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 200 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, thực hiện mua bán và sáp nhập doanh nghiệp thành công hoặc phát triển ổn định ở mức tăng trưởng trung bình 5%/năm.
Quốc gia khởi nghiệp là quốc gia dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Các nền kinh tế phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore... đều bắt đầu từ các hoạt động tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và biết nắm bắt các cơ hội sáng tạo một cách tuyệt vời để phát triển đất nước của họ như chúng ta thấy hiện nay. – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Đại biểu nhân dân