591
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 15/01/2015 07:40
Thú chơi sách cũ
Thông thường đồ dùng cái gì cũ có giá rẻ hơn mới, nhưng điều này không đúng với những cuốn sách được coi là cổ và quý. Đó là vàng, thậm chí quý hơn vàng...

Sách cũ là những cuốn sách đã qua sử dụng. Thông thường sách cũ có giá rẻ hơn sách mới, nhưng điều này lại trái ngược với những cuốn sách được coi là cổ và quý. Có những cuốn sách hàng chục năm không được tái bản, nếu muốn mua, muốn đọc chỉ có thể tìm đến sách cũ. Có những cuốn sách khi tái bản, phần giới thiệu, phụ lục, hiệu đính… không giống lần xuất bản đầu tiên. Sách thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như triết học, văn học, lịch sử… là sách không tuổi.

 

Gần 20 năm sưu tập sách, từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Hoàng Vũ Thăng thích sưu tập sách mỹ thuật và nhiếp ảnh. Theo anh, sách mỹ thuật và nhiếp ảnh rất lạ, in tốn tiền, nhưng giá bao giờ cũng rẻ. Cách đây dăm bảy năm, anh thường ra vỉa hè đường Láng, Hà Nội - nơi sách cũ được bán giá rẻ, chỉ hai ba chục ngàn đồng được cả cân sách, nếu may mắn có thể vớ được những cuốn giá trị. Những năm gần đây thì không thể gặp may nữa, vì người mua và người bán đã hiểu sách. Từ khi có diễn đàn Sách xưa, việc mua bán, trao đổi sách trở nên dễ dàng hơn. Mọi người đều nhận ra có những bộ sưu tập sách cũ chiếm vị trí cao hơn hẳn. Sách về văn hóa thường có giá trị, chẳng hạn những cuốn của Toan Ánh, Vương Hồng Sển thường có giá trên 1 triệu đồng. Trong số gần 2.000 cuốn, Hoàng Vũ Thăng tự hào vì đang sở hữu cuốn sách ảnh Bác Hồ đi thăm các nước anh em xuất bản năm 1957. Cuốn sách chưa được nhắc tới trong bất cứ tài liệu nào về nhiếp ảnh. Đây có lẽ là sách ảnh đầu tiên ở ViệtNam, bởi tờ báo ảnh đầu tiên xuất bản cuối tháng 10.1954.

 

Trịnh Hùng Cường ở Ngô Gia Tự, TP Bắc Ninh được coi là một quái kiệt trong giới sưu tầm sách cổ. Anh thường vào Nam, ra Bắc, có lần tiêu tốn cả trăm triệu đồng chỉ để đổi lấy một ba lô sách, di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh. Cường kể, thời sinh viên mê sách nhưng nghèo cũng hay tìm ra đường Láng, các hàng thu mua đồng nát tìm sách. Những lần lên làng nghiền giấy Đống Cao (Bắc Ninh) cũng vớ được không ít sách giá trị. Ra trường, đi làm, tiền kiếm được anh luôn dành một phần để mua sách. Giới sưu tập ở Hà Nội nói gia tài sách của Cường trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Cường sưu tầm cả sách, báo, tạp chí và thủ bút của các nhà văn, nhà thơ. Tạp chí Nam Phong được Cường trân trọng bọc bằng vải chống ẩm có hoa văn, xếp ở vị trí trang trọng trong tủ. Cuộc đời của Nam Phong kéo dài 210 số, Cường đã sở hữu 170 số. Báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn ít hơn, nhưng gặp ở đây phần lớn tác phẩm của anh em nhà Nguyễn Tường, mà thời gian gần đây mới được in rộng rãi. Cường còn có bộ sưu tập tài liệu về Truyện Kiều, số đầu của Gia Định báo (tờ báo tiếng Việt đầu tiên)... Đặc biệt trong số đó là 2 cuốn từ điển Truyện Kiều in năm 1884 ở Pháp bằng ba thứ tiếng Pháp, Quốc ngữ và Hán. Cuốn thứ nhất xuất xứ từ Áo, được Cường mua qua mạng với giá 12 triệu đồng, cuốn thứ hai mua tại Việt Nam với giá 20 triệu đồng. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và bạn đọc tìm đến tra cứu các bộ sưu tập tư liệu quý của những người sưu tầm sách cũ - Đam mê của mình giúp ích được cho nhiều người, khiến họ thêm vui. Trịnh Hùng Cường quả quyết - Tôi gần như chỉ mua vào, không bán ra. Tôi có hai con trai, còn quá nhỏ nên chưa biết chúng có chịu giữ sách cho mình trong tương lai không. Nhưng đời tôi, tôi phải giữ.

 

Người đại biểu nhân dân