Tối 23.12, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã khai mạc triển lãm Thời trang và cổ vật, xuất phát từ ý tưởng của nhà thiết kế Hà Xuân Hương, dựa trên tình yêu và mong muốn đưa trang phục và văn hóa truyền thống tới gần đời sống đương đại, nhất là với lớp trẻ. Tổng đạo diễn chương trình - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ: “Nếu chỉ là diễn thời trang thì sẽ xuất hiện tại một địa điểm khác, và không cần công phu đến thế. Yếm đào và váy đụp sẽ không cần buổi diễn hoành tráng. Và cổ vật ViệtNam nếu đi với comple có lẽ không ổn… Triển lãm này, giống như cuộc tôn vinh văn hóa Việt. Điểm đặc sắc là yếm đào và váy đụp - trang phục đặc trưng của phụ nữ Việt Nam xưa được trình diễn trong không gian trưng bày cổ vật, âm nhạc phảng phất, kết nối qua trình diễn tương tác của các diễn viên”.
20 mẫu thiết kế cùng với 20 cổ vật, 9 tượng và 8 nghệ sĩ Việt được giới thiệu. Nhà thiết kế Hà Xuân Hương cho biết, các trang phục chủ yếu được làm thủ công, lấy cảm hứng từ các cổ vật, vốn có màu sắc cũ kỹ và đơn điệu. Trong đó 1 bộ gồm váy đụp và yếm đào thuần cổ xưa, 19 bộ trang phục thiết kế theo phong cách hiện đại, trên chất liệu voan và tơ sống. Trên trang phục có đính các hạt gỗ, sợi đay, mảnh gốm nhiều màu sắc, đồng tiền cổ… tạo điểm nhấn. Kết hợp cái cũ và thiết kế mới, bà muốn làm cho trang phục xưa trở lên hài hòa, hiện đại, khiến mọi người nhận ra rằng “cũ không phải là xấu”.
Phần cổ vật do nhà sưu tầm Hà Tiến Dũng đảm nhiệm. Hoàn toàn vắng bóng những đồ tạo tác lấp lánh sang trọng, cầu kỳ, cổ vật được giới thiệu rất gần gũi với đời sống thường nhật của người Việt xưa, với bình vôi, bình gốm, đĩa, bát có niên đại từ thế kỷ XV - XIX. Các tượng sơn thếp cũng mang đặc trưng Việt, phom dáng mang tính ước lệ, trang phục cổ, từ tượng tố nữ áo dài quấn khăn, đến pho tượng Phật, góp phần mang tới nét xưa pha chút linh thiêng, huyền bí.
Điều tiết để kết hợp các yếu tố ấy với nhau mà không tạo ra sự đối lập, lấn át, tổng đạo diễn đã làm “giảm tông” của chúng. Chẳng hạn, nếu cổ vật được trưng ra để phô diễn hết vẻ đẹp của nó, thì có thể át chế mục tiêu làm thời trang với yếm đào, váy đụp rất mỏng manh. Vì thế, các cổ vật, tượng đều được phủ che, lấp ló trong các lớp voan trong suốt, tạo cảm giác mờ ảo, như khi người ta nghĩ về quá khứ xa xăm. Đặc biệt, trong buổi khai mạc triển lãm, các mẫu thiết kế không do người mẫu chuyên nghiệp trình diễn trên sân khấu sáng đèn, mà bởi những diễn viên ballet (biên đạo múa: Trần Ly Ly), diễn viên chèo thể hiện. Mối liên hệ giữa trang phục và cổ vật là tương tác của diễn viên qua ngôn ngữ múa đương đại; trên nền nhạc của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn với những âm thanh từ thiên nhiên, đôi lúc cất lên câu hát chèo, quan họ hay ca trù, tạo âm hưởng độc đáo cho không gian triển lãm.
“Cuộc trình diễn văn hóa Việt cố gắng cộng hưởng nhiều loại hình, tạo ra không gian chung, trong đó nổi bật lên là thời trang và tương tác của diễn viên. Từng loại hình vẫn có giá trị nghệ thuật độc lập, nhưng hòa quyện trong tinh thần văn hóa Việt” - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ. Qua triển lãm, các nghệ sĩ mong muốn khách tham quan thấy được giá trị, từ đó chung tay lưu giữ, nỗ lực làm phong phú, phát triển văn hóa Việt.
Triển lãm Thời trang và cổ vật sẽ kéo dài đến hết ngày 27.12. Ngoài buổi khai mạc có sự tham gia trình diễn của diễn viên, những ngày sau đó trang phục sẽ được sắp đặt trong không gian huyền bí cùng cổ vật. Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, “trang phục cũng như đồ cổ Việt Nam, khả năng chinh phục để người ta trông thấy là ngưỡng mộ thì không có. Người Việt thiên về sự rung động nhiều hơn, như trang phục yếm đào, váy đụp của phụ nữ xưa, vừa cố phô ra nét đẹp của người mặc, nhưng cũng giấu đi một chút, tạo nên sự duyên dáng, quyến rũ”.
Đại biểu nhân dân