202
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 13/09/2016 08:05
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Chuẩn bị tốt tâm lý
Sau ít ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhiều giáo viên, học sinh lo lắng về sự thay đổi cách thi và mong muốn Bộ GD - ĐT sớm có ngân hàng đề thi tham khảo, giảm áp lực cho người dạy, người học.

Không khỏi lo lắng


Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của học sinh lớp 12 năm nay, trước thông tin về kỳ thi THPT sắp tới. Em Thanh Hải, Trường THPT Quang Trung, Hà Nội cho biết: Lớp 10 và 11, hầu hết em và các bạn chỉ học theo môn của khối thi đã chọn, lần này thi tốt nghiệp THPT quốc gia kiểm tra kiến thức toàn diện hơn, có thêm kiến thức nhiều môn học được. Rất may là nội dung thi chỉ trong chương trình lớp 12, nhưng chúng em vẫn lo khi chưa hiểu gì về cách thi, đề thi”.

 

“Chưa kịp làm quen với cách thức thi năm trước thì năm nay lại đổi mới”, đa số học sinh khi được hỏi về kỳ thi THPT quốc gia 2017 đều nói vậy. Nhiều em băn khoăn về cách thi và cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán không khoa học lắm, vì môn này có nhiều cách giải, có khi chỉ một vế lập luận kết quả đã thay đổi. Thời gian thi môn Văn rút xuống còn 120 phút thì quá ngắn, mà đề thi những năm gần đây thường cho câu nghị luận xã hội, thời gian đó không đủ để thí sinh thể hiện cảm xúc... Trong khi đó, một số em lại lạc quan, cho đây là cơ hội tốt cho học sinh, khi môn Toán mà thi trắc nghiệm giống đề thi của ĐHQG Hà Nội những năm vừa qua thì điểm 10 sẽ rất nhiều...

 

Không thấy bất ngờ với phương án thi mới, cô Phan Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Lý Bôn, Vũ Thư, Thái Bình cho biết: “Trường vẫn ra đề kiểm tra theo kiểu trắc nghiệm. Nhưng, dù sao, học sinh vẫn thấy hơi lúng túng với cách thi mới. Năm trước nhiều em tính chọn môn Lý thi tốt nghiệp, năm nay có tổ hợp cả Hóa và Sinh nên các em sợ không thể nắm vững hết kiến thức. Do đó, nhiều học sinh trong trường đã tính sẽ chọn bài thi Khoa học xã hội”. Trong khi đó, cô Đỗ Thị Bảy, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho rằng: “Thực ra mỗi hình thức thi có cái hay riêng. Nhưng vấn đề ở chỗ, 3 năm nay thay đổi liên tục, sẽ khó cho cả người dạy và người học. Bộ GD - ĐT phải tập huấn, định hướng cho giáo viên cách dạy, hướng dẫn cho học sinh cách học. Tôi nghĩ, khi giáo viên chưa định hình được về hướng thi, cách ra đề thi thế nào… học sinh lo lắng là không tránh khỏi”.

 

Hiểu rồi... sẽ thấy đơn giản?


Nghiên cứu về những nét mới trong dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, thầy Phùng Hồng Cổn, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho rằng: “Nếu có hoang mang hay lúng túng là do học sinh và phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ, chưa hiểu hết. Về hình thức và kỹ thuật, đây là sáng kiến tiên tiến trên thế giới, chúng ta bây giờ mới thay đổi là muộn. Khi chúng ta hiểu rồi sẽ thấy rất đơn giản. Quan trọng là cần chuẩn bị về mặt tâm lý và cách ra đề, để đánh giá cho đúng và khách quan. Do đó, người ra đề thi phải nghiên cứu thật kỹ”.

 

Có ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm thì không đánh giá được khả năng tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, cần hiểu kỳ thi THPT quốc gia không yêu cầu quá sáng tạo mà cần đáp ứng số đông. Có người lo lắng học sinh sẽ đánh dấu… bừa vào đáp án, nhưng tỷ lệ này không đáng kể, không ảnh hưởng đến kết quả chung. Học sinh nào giỏi, nắm chắc kiến thức sẽ vẫn được điểm cao và ngược lại, đánh giá rất công bằng. Về tâm lý, học sinh đi thi em nào cũng muốn đạt điểm giỏi. Thế nhưng, nếu không học kỹ, học hết thì chấp nhận điểm 6, điểm 7, thậm chí thấp hơn. Sức học đến đâu thì kết quả thể hiện đến đấy... Hơn nữa, đây chỉ là một khâu trong quá trình tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy, mấu chốt là chuẩn bị tốt tâm lý cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh.

 

Bộ GĐ - ĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, giúp học sinh và giáo viên có thể tham khảo định dạng của đề thi này để ôn luyện trong quá trình dạy, học. Ông Phùng Hồng Cổn kiến nghị: Với người ra đề, phải giải thích rõ quy trình làm đề, khoa học ở đâu, hay ở điểm nào. Cũng nên hướng dẫn cho học sinh phương pháp học như thế nào để nắm hết chương trình nhằm phục vụ kỳ thi. Về tổ chức kỳ thi, Bộ GD - ĐT cần giám sát chặt chẽ, tránh nguy cơ tìm cách đối phó, dẫn đến gian lận thi cử, đặc biệt phải có phương án chống gian lận trong làm đề thi trắc nghiệm.

 

Theo Bộ GD - ĐT, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được tổ chức về cơ bản như năm 2016 với một số nội dung điều chỉnh, trong đó kỳ thi gồm  5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT: Thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ.


Về hình thức thi, các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Nội dung đề thi năm 2017 chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT, năm 2018 nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi nằm trong chương trình 3 năm THPT.

 

Đại biểu nhân dân