Đo được nhiều chỉ số của người thi
- Tại sao năm nay ĐHQG Hà Nội quyết định chọn phương thức tuyển sinh ĐH theo hình thức đánh giá năng lực, thưa ông?
- Đổi mới là công việc thường xuyên, là sứ mệnh của ĐHQG Hà Nội. Trong nhiều khâu liên quan đến quá trình đào tạo, chúng tôi luôn nhấn mạnh đổi mới đào tạo và quy trình đào tạo hướng tới đạt chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, tuyển sinh đầu vào cũng là khâu quan trọng, góp phần tạo thành chất lượng đào tạo. Vì thế, phải làm sao chọn được những thí sinh tốt nhất và phù hợp nhất với các chương trình đào tạo. Những hình thức kiểm tra, đánh giá trước đây thiên về kiểm tra kiến thức và cũng chỉ đánh giá được một số mảng kiến thức nhất định. Muốn đo được nhiều chỉ số hơn đối với thí sinh, cần chuyển dần sang đánh giá năng lực tổng hợp, đa dạng, toàn diện hơn. Điều đó vừa thực hiện triết lý đào tạo mới, đáp ứng chương trình đào tạo bậc đại học, đồng thời tác động trở lại quá trình đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông. Với cách đánh giá năng lực như chúng tôi đang triển khai, hy vọng bằng một đề thi tổng hợp, làm trong 195 phút, thí sinh có thể thể hiện được các năng lực tư duy, suy luận logic, tưởng tượng, cảm xúc, nhận thức xã hội… Tất nhiên, bước chuyển này cần quá trình. Đề thi năm nay được xác định là một bước, và còn phải đổi mới liên tục, điều chỉnh dần dần.
Phương thức đánh giá năng lực là khoa học đánh giá đo lường trong giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay. Chúng tôi học tập kinh nghiệm thế giới áp dụng vào thực tiễn của ViệtNam, đồng thời dựa trên đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia về khoa học đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục ĐHQGHN thực hiện phương thức này. Đây là bệ đỡ, nền tảng để triển khai đổi mới.
- Ngoài việc đo được nhiều chỉ số của người học, kỳ thi đánh giá năng lực còn có ưu điểm gì so với các kỳ thi truyền thống, thưa ông?
- Kỳ thi được tổ chức trên nền công nghệ thông tin, về cơ bản áp dụng hình thức trắc nghiệm trên máy tính, do phần mềm máy tính vận hành, từ khâu làm đề đến thi, chấm thi. Mỗi thí sinh sẽ được máy tính tổ hợp cho một đề khác nhau, trên cơ sở bộ cơ sở dữ liệu nguồn. Kết thúc bài thi, thí sinh biết ngay được bao nhiêu điểm. Như vậy, áp dụng công nghệ thông tin cho phép giảm nhiều công đoạn, thao tác, đặc biệt là khâu chấm bài. Tiếp đó là giản tiện các thủ tục hành chính. Thí sinh có thể đăng ký dự thi qua mạng, nộp lệ phí thi qua ngân hàng, in giấy báo thi từ website.
- Để đánh giá được đúng và toàn diện năng lực của thí sinh, đề thi được thiết kế thế nào và tính phân hóa ra sao?
- Bộ đề được xây dựng gồm các tiểu mục đã được chuẩn bị theo một ngân hàng đủ lớn để nạp vào phần mềm theo ma trận, trong đó quy định khi phần mềm máy tính tổ hợp đề thi, tất cả thí sinh đều có cấu trúc đề giống nhau, có tỷ lệ câu dễ, trung bình, khó, số câu có kiến thức khác nhau là như nhau. Chỉ khi bắt đầu làm bài, thí sinh mới biết đề thi của mình như thế nào. Đề thi bảo đảm công bằng, khách quan và bảo mật. Thí sinh mỗi người một đề, không ai có thể giúp ai. Việc thi hộ, thi kèm cũng khó, hỗ trợ từ bên ngoài cũng không thể, do dùng mạng kết nối nội bộ cho các phòng thi. Do độ lớn của kho dữ liệu đề thi, nên nếu như thí sinh bị trục trặc chuyển sang ca thi sau, thì việc trùng lặp câu hỏi có thể có, nhưng tỷ lệ rất nhỏ, chỉ vài phần nghìn, không ảnh hưởng đến độ khách quan của bài thi.
Mỗi đề thi được thiết kế có tỷ lệ 20% câu dễ, 60% câu trung bình, 20% câu khó để phân hóa năng lực, trình độ thí sinh. Chúng tôi đã tiến hành quá trình thử nghiệm từ khi xây dựng câu hỏi nguồn, tiến hành thử nghiệm thực tế đối với các nhóm học sinh để phân loại nhóm câu hỏi dễ hay khó. Sau mỗi đợt thi, một bộ phận câu hỏi được đổi mới, thay thế theo tỷ lệ phù hợp.
Giảm sức ép, tăng cơ hội
- Thông thường, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại sao năm nay ĐHQG Hà Nội lại lựa chọn thời điểm thi đánh giá năng lực trước và sau kỳ thi THPT Quốc gia?
- Một trong triết lý quan trọng của phương thức thi đánh giá năng lực là tách thi và tuyển. Thi để lấy kết quả, chứng nhận về năng lực, sau đó dự tuyển vào một chương trình đào tạo nào đó. Đây là 2 công đoạn hoàn toàn tách biệt. Việc đánh giá năng lực sẽ hướng đến thực hiện một cách thường xuyên trong năm. Học sinh không nhất thiết phải tốt nghiệp THPT cũng có thể tham gia đánh giá năng lực tổng hợp. Tuy nhiên, chúng tôi chọn thời điểm này để thực hiện đợt đầu tiên, bởi học sinh phổ thông đã kết thúc chương trình học, các em sẽ thấy yên tâm, thoải mái hơn khi đăng ký dự thi. Chậm nhất ngày 29.6, ĐHQG Hà Nội sẽ công bố ngưỡng yêu cầu chất lượng đầu vào cho các chương trình đào tạo. Nếu qua ngưỡng đó, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể nhập học ĐHQG Hà Nội. Nếu chưa đạt, các em vẫn dự thi THPT Quốc gia và sử dụng kết quả để xét tuyển ở các trường đại học khác; hoặc đăng ký thi đánh giá năng lực đợt hai được ĐHQG Hà Nội tổ chức vào tháng 8. Như vậy, khi đăng ký dự kỳ thi của ĐHQG Hà Nội, thí sinh sẽ có cơ hội tối đa vào đại học; đồng thời giảm áp lực đáng kể khi có thể đăng ký nhiều kỳ thi.
- Tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG Hà Nội khá cao, cho thấy sự quan tâm đối với phương thức tuyển sinh mới?
- Trong đợt 1, thí sinh đăng ký qua mạng và đăng ký trực tiếp là trên 50.000, thí sinh hoàn thành thủ tục để được đưa vào danh sách dự thi là 45.350 thí sinh. Tỷ lệ thí sinh tham dự các ca thi dao động khoảng 96%, tỷ lệ thí sinh tham gia kỳ thi 3 chung trước đây tại ĐHQG Hà Nội hầu như chưa năm nào đạt cao như vậy. Điều đó cho thấy mức quan tâm rất cao của thí sinh đối với phương thức thi mới và mong muốn được thử sức. Trong quá trình thi, thí sinh tuân thủ quy định, nhập cuộc nhanh, chứng tỏ các em đã đọc, nghiên cứu kỹ hướng dẫn của ĐHQG Hà Nội trên website cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh ở vùng sâu, vùng xa như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nam Định, số bỡ ngỡ sai sót trong quá trình làm bài hầu như không có. Có thể nói, các em đã chuẩn bị tâm thế, tìm hiểu và tham gia kỳ thi với thái độ nghiêm túc, hào hứng và cả tò mò với hình thức thi mới, thử sức trên nhiều cạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Giấy chứng nhận về kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị 24 tháng, được dùng để dự tuyển vào các chương trình đào tạo của ĐHQG Hà Nội. Một số trường cũng rất quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội nhưng (nếu có) phải năm sau mới có thể chia sẻ kết quả kỳ thi, bởi theo quy định của Bộ GD - ĐT, các trường ĐH phải đăng ký và công bố phương án tuyển sinh từ trước.
Người đại biểu nhân dân