354
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 08/07/2015 09:20
Thầy Trà hướng thiện
Qua những ngõ ngách ngoằn nghèo với sự chỉ dẫn tận tình của nhiều người dân, tôi cũng đến được nhà thầy Nguyễn Trà ở địa chỉ 78B tổ 23B phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Ở đây có lớp học của ông giáo già, đơn sơ chỉ với mấy bộ bàn ghế đã cũ nhưng rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ. Từ lớp học này, những đứa trẻ nghèo khó, lang thang cơ nhỡ đã có một nơi nương tựa để tuổi thơ các em thoát khỏi cảnh mù chữ, nhiều em học sinh nghèo đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, học nghề và đã có việc làm ổn định.
Thầy Nguyễn Trà say sưa với việc giảng dạy.

Lớp học của trẻ em nghèo


23 năm qua, nhiều người dân phường Phương Liên dường như đã quá quen với hình ảnh ông giáo già Nguyễn Trà cặm cụi dạy dỗ lớp lớp những đứa trẻ nghèo, những người thích học. Với tôi, ấn tượng về lớp học của thầy Trà là những điều rất khác biệt mà chẳng có lớp học nào có được. Bởi, nói là lớp học nhưng không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có mấy cái bàn và hơn chục chiếc ghế đã cũ. Học sinh thì mọi lứa tuổi, ngoài những cô cậu học trò nhỏ, lớp học này còn có cả những cô cậu sinh viên, phụ huynh học sinh tới học tiếng nước ngoài. Vì vậy, thầy cũng không đứng trên bục giảng mà phân chia ra làm nhiều nhóm học sinh để phù hợp với việc giảng dạy. Các cháu nhỏ bậc tiểu học được dạy Toán, Tiếng Việt, rèn luyện chữ viết. Những học sinh lớn tuổi hơn được dạy Toán, Lý, Hóa... Có nhóm lại học tiếng Anh, tiếng Pháp. Đã ở tuổi 83, nhưng ông giáo già vẫn giữ được nét tinh nhanh hiếm có.

 

Nghĩ về quãng thời gian đã qua, thầy kể, trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thầy tốt nghiệp Trường Bưởi năm 1954 và là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, thầy về giảng dạy môn Vật lý ở một số trường trung học phổ thông, rồi gắn bó với Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho tới khi về hưu năm 1989. Cũng từ đấy, thầy nhận trách nhiệm quản lý đình Trung Tự, phường Phương Liên. Hằng ngày, trên quãng đường từ nhà ra đình, phải đi qua khu dân cư nghèo, chứng kiến cảnh những đứa trẻ đen nhẻm, nhếch nhác dõi mắt thèm thuồng nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa quần áo tinh tươm đến trường khiến thầy đau lòng. Thầy bảo: “Sống ở trên đời mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm. Nhà bọn trẻ nghèo, phải theo cha mẹ làm phụ hồ, nhặt rác, rồi đây cuộc đời chúng sẽ ra sao? Tiền thì thầy chẳng có, chỉ có chút vốn liếng ở trong đầu. Lúc ấy chỉ nghĩ phải làm sao để giúp các cháu ít nhất là thoát khỏi cảnh mù chữ, để hy vọng một ngày nào đó chúng có thể tự làm thay đổi cuộc đời mình”. Thế rồi năm 1992, lớp học ra đời. Lớp học được dựng lên ngay tại khu đất của gia đình. Thời gian đầu, lớp có tên là Tình Thương, sau đổi lại thành lớp học Hướng Thiện. Thầy Trà giải thích: “Gọi là lớp học Hướng Thiện, nghĩa là thầy và trò đều phải tu dưỡng. Con người ta dù xuất thân và sống trong hoàn cảnh nào cũng phải hướng tới sự trung thực, lương thiện. Thầy tu đức, lòng thương người, còn trò học đạo làm người, hướng đến những điều tốt đẹp”. 

 

Thầy là bạn, là cha, là gia đình của trẻ nhỏ


Qua câu chuyện của thầy, tôi biết, chẳng ngẫu nhiên mà lớp học Hướng Thiện có sức sống lâu bền như thế. Có lẽ một phần do kiến thức bổ ích của thầy mang lại, nhưng cũng có thêm một điều quan trọng nữa, đó chính là tình cảm mà thầy dành cho các em. Hơn 20 năm gắn bó với những đứa trẻ nghèo cũng là thời gian thầy chứng kiến nhiều hoàn cảnh bất hạnh. Giọng bùi ngùi, thầy kể: “Ở lớp, cháu thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu thì có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, cháu thì cha mẹ nghiện ngập, công việc không ổn định... Mỗi cháu một số phận nhưng tất thảy đều nghèo quá”.

 

Quá khứ cứ ùa về, từng ký ức khiến người giáo già thêm lặng lẽ, giọng nhỏ dần, thầy nhớ lại: Vào một buổi sáng cách đây hơn chục năm, có một người phụ nữ trông gầy gò, vẻ mặt khắc khổ dắt con đến gõ cửa nhà thầy. Người phụ nữ nắm chặt tay thầy, mắt ngân ngấn, nói: “Con nhờ thầy, thầy dạy cháu nên người”. Em học sinh ấy có tên Cao Chiều Đại và vài ngày sau, mẹ của Đại cũng qua đời vì bạo bệnh. Cảm thông trước hoàn cảnh éo le mồ côi cả cha lẫn mẹ của cậu học trò nhỏ mới 6 tuổi, thầy đã xin chính quyền địa phương trợ giúp cho Đại một phần về kinh tế. Còn hằng ngày, thầy đều sang nhà động viên em cố gắng vượt lên số phận, dạy cho em học, nhiều khi lo cho em tiền mua sách vở, quần áo. Hiểu được tâm ý của thầy, Đại luôn cố gắng học tập, hiện nay em đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có công việc ổn định.

 

Nhiều lứa học trò đi qua, nhiều ấn tượng để lại nhưng hình ảnh cô học trò nhỏ Lý Thu Hà vẫn là điều ám ảnh và tự hào nhất đối với thầy Trà. Bố mất sớm vì căn bệnh ung thư, khi Thu Hà mới được hơn 10 tuổi. Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng mẹ đau ốm thường xuyên nên ngoài việc học, Thu Hà còn nhận khêu ốc thuê, bán báo để kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh ho lao cho mẹ. Áp lực công việc, cộng với việc không được ăn uống đầy đủ khiến nhiều lần đến nhà thầy học, Thu Hà mệt lả, nằm gục trên ghế.

 

Thầy bảo, niềm vui lớn nhất của thầy là lúc nghe tin học sinh đỗ vào đại học, rồi tất cả các em báo tìm được việc làm. Chính vì thế, ngày cô học trò nghèo Lý Thu Hà báo tin đỗ vào Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, rồi Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thầy đã khóc. “Chẳng có gì có thể đánh đổi được niềm cảm xúc ấy. Có lẽ với thầy không gì hạnh phúc hơn khi chứng kiến những đứa trẻ lang thang, đói nghèo chăm chú học lấy từng con chữ, phép tính để rồi một ngày nào đó chúng có thể tự thay đổi được cuộc đời mình”-thầy Trà bộc bạch.

 

Gặp chị Nguyễn Thị Hồng Vân tại lớp học của thầy, chị hóm hỉnh nói, có lẽ mình là học sinh lâu năm nhất của lớp học, học mãi mà chưa tốt nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, vì thích học ngoại ngữ nhưng gia đình không có tiền để đi học thêm nên được các bạn mách, Hồng Vân đã tìm đến lớp học của thầy. Nhờ vốn tiếng Anh trau dồi ở đây, Hồng Vân đã tìm được công việc ổn định khi làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng, hỗ trợ tài xế phục vụ khách nước ngoài của hãng Taxi Group. Giờ đây, khi đã có con, Hồng Vân còn mang cả con đến lớp học, mẹ học thêm tiếng Pháp, con học thêm tiếng Anh.

 

Còn khi tiếp xúc với cô học trò Lý Thu Hà, sự tự tin, tính cách vui vẻ là những điều có thể cảm nhận được từ cô gái ở tuổi 25 này. Hiện nay, Thu Hà đã tốt nghiệp và có công việc ổn định tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Thu Hà kể, với Hà, thầy Trà như một người thân trong gia đình, là nguồn động viên tiếp thêm cho Hà sức sống để vượt qua những bão táp của một tuổi thơ khốn khó. Chính vì vậy, Thu Hà xưng cháu và gọi ông giáo già là “ông Trà”. Thu Hà chia sẻ: “Ngày ấy, xót xa trước hoàn cảnh của cô học trò nhỏ mới 12 tuổi phải tự bươn chải kiếm từng bữa cơm, bữa thuốc cho mẹ, ngoài việc dạy chữ, ông Trà còn hỗ trợ cho Hà một phần học phí ở trường và sách vở để học tập. Tấm lòng của ông Trà sẽ không bao giờ Hà quên. Ngày hôm nay, khi đã bước ra biển lớn cuộc đời nhưng Hà vẫn quay trở lại lớp học Hướng Thiện. Ngoài việc vừa phụ giúp ông dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh khốn khó như mình một thời, Hà còn học lấy nhân cách của một con người quá thiện”.

 

Đến lớp học của thầy Trà, em học sinh nào cũng đều ngoan ngoãn, lễ phép. Thầy Trà cười hiền cho biết: "Bọn trẻ con trông thì bướng bỉnh thế, nhưng nếu biết cách nói chuyện với chúng, chúng sẽ nghe lời. Thầy không quát nạt, không giáo huấn con phải thế này hay con phải thế kia mà ngoài những lúc học kiến thức, thầy thường kể cho các em nghe những câu chuyện về đạo làm người. Những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thấm thía, dần dần các em sẽ ngoan ngoãn nghe theo lời thầy dặn. Ngoài việc kể chuyện, thầy còn khích lệ tinh thần các em thông qua những chuyến tham quan và Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm mà thầy thường đưa học sinh tới".

 

Say sưa kể về lớp học, về những đứa học trò, những ngày tháng cặm cụi bên bọn trẻ, như bất chợt nhớ ra điều gì, ánh mắt đầy niềm vui, thầy khoe rằng: Lớp học này không chỉ của riêng thầy mà đây là lớp học của cả gia đình, của cả bạn bè thầy nữa. Vợ thầy, con cháu thầy luôn ủng hộ việc làm này. Thầy bảo, hiểu được tấm lòng, tình cảm của thầy dành cho trẻ nhỏ, bao năm qua, biết được sinh nhật của em học sinh nào, "bà ấy" (vợ thầy) cũng tổ chức cho bọn trẻ vui. Đơn giản là những cái kẹo, những gói bim bim và phần quà là những quyển sách, tập vở nhưng cũng đủ nhen lên niềm hạnh phúc cho những đứa trẻ. Rồi đến con thầy, cháu thầy cũng tiếp nối truyền thống của gia đình tham gia vào việc kèm cặp, dạy thêm miễn phí cho các em học sinh.

 

Nỗi niềm trăn trở


Khi tôi hỏi, việc làm của thầy giờ được nhiều người biết đến, nhiều người ghi nhận, nhất là khi được Chủ tịch nước gửi thư khen, thầy có vui không, thầy Trà bảo, khi được người khác khen, đặc biệt là khi nhận được thư khen của Chủ tịch nước, thầy vui lắm. Không phải vui vì được ca ngợi, bởi so với những người làm công tác từ thiện trên khắp cả nước, việc làm này chưa thấm vào đâu cả, mà thầy vui vì càng ngày càng có nhiều người đã hiểu, đồng cảm và chung tay với việc giúp đỡ trẻ em nghèo. Giờ thầy đã già, sức đã yếu, chỉ mong sao sẽ có nhiều lớp học miễn phí trên khắp cả nước được ra đời, duy trì để không có đứa trẻ nào còn phải chịu cảnh mù chữ.

 

Được biết, trước đây sức khỏe thầy tốt, lớp học Hướng Thiện được tổ chức mỗi tuần 4 buổi. Qua nhiều năm, thời gian học rút xuống vào hai ngày cuối tuần, mấy tháng gần đây thì duy trì mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, lúc thì ở ngoài đình Trung Tự, lúc ở nhà thầy. Hiện nay, lớp học của thầy có 15 em học sinh với nhiều lứa tuổi, trình độ và nhu cầu học tập khác nhau.

 

QĐND