Trình diễn đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trước hơn 400 khán giả, sau đó vinh dự trở thành chương trình khép lại sự kiện Vì sự phát triển của châu Âu tại Luxembourg, rồi tiếp tục tái ngộ khán giả tại sân khấu L’Espace Hà Nội (tháng 7.2016), Nón được đánh giá là tác phẩm độc đáo với cốt truyện thuần Việt biểu hiện tinh tế qua ngôn ngữ múa đương đại và âm nhạc dân gian. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyển động cơ thể và giai điệu mộc gồm chiêng dây, đàn tính, đàn môi và đàn bầu… Đó là câu chuyện về trời tròn đất vuông, về nón lá, áo dài của phụ nữ Việt và về dòng chảy cuộc sống qua góc nhìn của đôi mắt, sự lắng nghe của đôi tai và lời nói của khuôn miệng, cuối cùng dẫn đến thông điệp tình yêu, hạnh phúc cho con người.
Cùng học nghệ thuật đương đại tại Hà Lan, một theo múa, một chọn âm nhạc, tình cờ gặp nhau trong chương trình xiếc Làng tôi, Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang nhanh chóng đồng cảm trong trăn trở về văn hóa dân gian và khát vọng biểu thị truyền thống bằng hình thức mới mẻ, cá tính hơn. “Âm nhạc truyền thống đã quá quen thuộc với người nghe, thậm chí nhiều người e dè tiếp cận. Chúng tôi muốn mở ra một thế giới mới, không gian mới từ cái nền ấy bằng cách kết nối nhiều loại nhạc, để đi đến cứu cánh trong nghệ thuật”, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Điều thú vị là trong Nón, yếu tố ngẫu hứng chiếm tới nửa buổi diễn nhưng tiết mục không bị đứt gãy mà hài hòa, tự nhiên. Nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải cho biết, kết nối được như vậy không dễ, nhất là trên nền nghệ thuật truyền thống, bởi tính khuôn khổ và giá trị chuẩn mực của nó. Tuy nhiên, khi kết hợp trong nghệ thuật đương đại thì khác, nhờ chất cởi mở, tự do sáng tạo của loại hình này. “Kỹ thuật múa đương đại đã cho tôi cách hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật múa khác nhau trên những nền nhạc khác nhau. Tôi pha múa đồng bằng Bắc Bộ, múa Tây Nguyên, múa Chăm, múa Tày… kết hợp sử dụng ngôn ngữ của cơ thể, tạo ra bài ca về chuyển động. Ở đó, vừa có sự gần gũi, thân quen, vừa toát ra nét độc đáo làm cho mỗi người cảm nhận rõ sự tung tẩy, bung phá của từng cung bậc cảm xúc” - Vũ Ngọc Khải nói.
Tự sự đương đại
Với quan niệm mỗi nghệ sĩ đều thông qua nghệ thuật để tự sự về dân tộc mình, cả Ngô Hồng Quang và Vũ Ngọc Khải đều thể hiện các tác phẩm của mình theo cách riêng. Cách đây hơn 1 năm, tiết mục Gọi em của Ngô Hồng Quang cùng nhạc sĩ Nguyên Lê đã gây ấn tượng mạnh tại Lyon, Pháp. Anh mượn thanh âm của nhiều loại nhạc cụ như sáo mèo, guitar điện, đàn koto Nhật Bản… kết hợp với lời hát của dân tộc Mông để kể câu chuyện về người con trai Mông biết giữ tín vật cầu hôn từ rất nhỏ, còn người con gái biết yêu từ tiếng gà gáy đầu tiên. Tiết mục cuốn hút người nghe, phá bỏ mọi ranh giới để đắm mình vào không gian núi rừng. Ngô Hồng Quang cho biết, tác phẩm lấy ý tưởng văn hóa dân tộc Mông, từ điệu tính của ngôn ngữ, nhạc cụ đến cách nhìn, suy nghĩ của người Mông về thế giới xung quanh… nhưng biểu hiện dưới hình thức đương đại. Đây cũng là điều anh đang theo đuổi, tức kết hợp nhạc dân gian với nhạc hiện đại, sử dụng nhiều đoạn ngẫu hứng và nhạc cụ dân tộc của các nước. “Kể cả khi sáng tác riêng cho nhạc cụ phương Tây như guitar, vilon, kèn… nhưng yếu tố không bao giờ thiếu trong các tác phẩm của tôi là âm nhạc Việt Nam. Tôi yêu âm nhạc dân gian, yêu văn hóa truyền thống Việt mà trong đó tôi sẽ không bao giờ cạn chất liệu sáng tạo”.
Tình yêu nghệ thuật dân gian cũng chính là chất xúc tác cảm xúc cho Vũ Ngọc Khải. Bắt đầu với ballet, sau là classic, múa hiện đại rồi đương đại, anh luôn tìm cách thêm dư vị vào tác phẩm để qua đó mở đường đưa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài. Sau khi tiếp cận nghệ thuật múa ở nhiều nước, Vũ Ngọc Khải quyết định tìm hiểu về múa dân gian và nhận thấy ở đây có các ý niệm văn hóa mà nếu thừa hưởng, kết nối với thể loại khác sẽ tạo nên nhịp điệu rất đặc sắc. Chẳng hạn, múa dân gian Việt Nam có triết lý rất khác biệt, trong tĩnh có động, trong động có tĩnh với các bước xiến, với điệu múa lượn ngón độc đáo… hoàn toàn có thể kết hợp được trong nghệ thuật đương đại.
“Sự kết nối mà chúng tôi mang đến trong nghệ thuật đương đại có thể có người không đồng tình nhưng là nghệ sĩ trẻ, tôi vẫn làm. Làm để hiểu, vừa bảo tồn truyền thống không bị mai một, vừa tạo ra một chỗ đứng để nghệ thuật Việt Nam trở thành một phần của thế giới” - nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải chia sẻ.
Ngô Hồng Quang sinh năm 1983, là nghệ sĩ nhạc dân tộc, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny… Tài năng của anh được ghi nhận trong các chương trình tổ chức tại Việt Nam và nhiều nước như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Iceland, Hàn Quốc, Singapore... |
Vũ Ngọc Khải sinh năm 1985, được biết đến với vai trò nghệ sĩ múa đương đại năng động, sáng tạo. Anh làm việc nhiều năm ở Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, tham gia nhiều chương trình lớn tại châu Âu, Mỹ, châu Á…
Đại biểu nhân dân