Hỏi: Theo ông, cần có giải pháp gì để đưa nội dung môn Lịch sử vào trong môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Môn Lịch sử nói riêng và đặc trưng của giáo dục hiện nay đang đứng trước những nhu cầu cần thay đổi. Điều này vừa là tích tụ của quá khứ và đòi hỏi sự phát triển mới khi đất nước đang ở trong quá trình hội nhập hết sức mạnh mẽ. Chúng ta nói nhiều đến Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Muốn thay đổi lĩnh vực này một cách hết sức toàn diện, nhưng không thể không dựa trên thực tiễn. Riêng việc học môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông đã bộc lộ những bất cập từ khoảng 20 năm nay. Một tờ báo trước đây đã làm điều tra xã hội học rất sớm, để cảnh báo rằng, giới trẻ lúc đó quay lưng với môn Lịch sử. Rồi sau đó là, học sinh không thích học môn này. Tình trạng đó càng ngày càng tăng. Tất cả những hiện tượng này đã được báo chí phản ảnh.
Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Có những lý do rất chính đáng và khách quan. Thí dụ, đó là vấn đề lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tôi có nói đùa rằng, nếu một xã hội sẵn sàng trả lương cao cho người có kiến thức lịch sử tốt, chắc các học sinh sẽ học Lịch sử nhiều hơn. Vì thế chúng ta phải tìm ra những bước đi.
Đầu tiên, cần phải xem lại phương pháp dạy và học lịch sử. Sở dĩ, vấn đề liên quan môn Lịch sử tạo ra hiệu ứng dư luận xã hội như vừa rồi, là bởi vì khi đưa ra một chương trình, một dự án thôi, đã giải quyết môn Lịch sử bằng cách loại nó ra. Cho dù ngành giáo dục nói rằng, cách tích hợp nào vẫn tôn trọng môn Lịch sử. Chúng tôi tôn trọng ý tưởng của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng phải hết sức thận trọng. Muốn thận trọng, phải nghiên cứu kỹ, phải tranh thủ ý kiến sự đồng thuận của xã hội.
Tôi mong muốn dư luận xã hội tiếp tục tìm ra một giải pháp tốt nhất, ủng hộ Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện Nghị quyết của Trung ương, nhưng đồng thời cũng phải trên cơ sở rất sát thực tế.
Hỏi: Quan điểm của Hội Khoa học lịch sử vẫn muốn Lịch sử vẫn là một môn học độc lập, giống như toán, văn. Nhưng giải thích của Bộ Giáo dục - Đào tạo có lý ở chỗ, đưa thành môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc, gồm nội dung chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Bộ Giáo dục - Đào tạo có giải thích là gộp ba môn lại với nhau, nhưng nội dung tích hợp như thế nào đã giải thích đâu. Trong khi đó quan trọng nhất, vẫn phải củng cố môn Lịch sử thật tốt. Còn chuyện tích hợp thế nào cũng phải tìm hiểu kỹ.
Chúng tôi không nghĩ rằng vì chúng tôi làm sử mà đề cao môn Lịch sử quá, vì nhiều môn học khác đều quan trọng cả. Nhưng chỉ lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, môn Lịch sử có vị thế riêng đối với mục tiêu xây dựng con người ViệtNam. Còn các kiến thức khoa học, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác, chúng tôi hết sức tôn trọng. Không cần đặt lên bàn cân, môn nào quan trọng hơn môn nào. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, sự buông lơi vấn đề lịch sử để lại những hiệu ứng tiêu cực lâu dài trong xã hội.
Hỏi: Theo quan điểm của đại biểu, Lịch sử nên là môn học độc lập chứ không nên là môn học tích hợp?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Trước hết, Lịch sử là môn học đọc lập. Còn trở thành môn học tích hợp, phải thực hiện sau khi có một quá trình đánh giá được sự tích hợp ấy đạt tới hiệu quả mà xã hội công nhận. Để bảo đảm đúng hướng như ngành giáo dục đề cập, chúng tôi không bỏ kiến thức lịch sử. Chúng ta sẵn sàng tìm giải pháp thích hợp, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước.
Hỏi: Nếu giả sử một thời điểm nào đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố nội dung môn học tích hợp thoả đáng, đại biểu có ủng hộ quan điểm này?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi ủng hộ hoàn toàn. Mong Bộ Giáo dục - Đào tạo thận trọng điểm này chính vì cần phải có quá trình chuẩn bị thật kỹ. Tôi rất chia sẻ với Bộ Giáo dục - Đào tạo, vì vấn đề gì cũng bị phản ứng, nhưng điều đó là dễ hiểu. Vì thế, ngành giáo dục cần giữ được sự bình tĩnh một cách khôn ngoan, không thể đơn giản được.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
* Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở lĩnh vực giáo dục Đạo đức - Công dân: Tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều góp phần giáo dục đạo đức - công dân. Trong đó, Giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) và Công dân với Tổ quốc (THPT) là các môn học cốt lõi, bắt buộc
Môn Công dân với Tổ quốc với phần nội dung chủ yếu gồm kiến thức giáo dục công dân, kiến thức lịch sử và kiến thức giáo dục quốc phòng an ninh.
ND