238
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 08/04/2016 08:42
Tạo sức hút riêng trong điểm đến chung
Năm 2017, ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Một chiến dịch du lịch chung đang được chuẩn bị. Việt Nam cần sớm có kế hoạch để tận dụng tốt nhất những cơ hội của điểm đến chung ASEAN, nhưng vẫn tạo được sức hấp dẫn riêng.

Xúc tiến điểm du lịch chung


Khu vực ASEAN có khoảng 600 triệu dân, với nhiều tài nguyên du lịch, trong đó có 11 di sản thiên nhiên và 17 di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) đánh giá đây là khu vực có du lịch phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2015, các nước ASEAN đón gần 106 triệu lượt khách, đóng góp trên 12% GDP. Dự báo từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch của khu vực sẽ đạt khoảng 5,8%... Nhằm thúc đẩy du lịch khu vực, Chiến lược Du lịch ASEAN 2016 - 2025, được các Bộ trưởng Du lịch ASEAN chính thức công bố vào tháng 1.2016, khẳng định tập trung phát triển du lịch ASEAN theo hướng phát huy những giá trị độc đáo và đa dạng của từng nước thành viên nhưng vẫn bảo đảm tính trách nhiệm, bền vững và cân bằng. Chiến lược sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn: 2016 - 2017, 2018 - 2020, 2021 - 2025.

 

Ngay lập tức, ngành du lịch khu vực đã bắt tay vào chuẩn bị cho xúc tiến dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017. Các nước thành viên thống nhất kỷ niệm sự kiện này bằng chương trình du lịch chung chủ đề Visit ASEAN@50: Golden Celebration với mục tiêu ASEAN là điểm đến du lịch hấp dẫn. Chương trình sẽ được làm nổi bật với 50 festival và 50 trải nghiệm du lịch khó quên, nơi du khách sẽ được thưởng thức một loạt sản phẩm du lịch đa dạng về ẩm thực, văn hóa, di sản, thiên nhiên của ASEAN. Các khuyến mại đặc biệt và chương trình xúc tiến du lịch với đối tác có liên quan sẽ được triển khai. Chương trình nhắm tới nhiều thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Anh, Đức, Nga, UAE, Mỹ và Canada.

 

Visit ASEAN @50: Golden Celebration dự kiến thu hút 121 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến khu vực vào cuối năm 2017, tăng thu từ du lịch đến 83 tỷ USD, đạt lưu trú trung bình 6 - 7 ngày, đến hơn 2 nước trong khu vực.

 

Nỗ lực tạo điểm nhấn riêng


Hội nhập mang lại cho du lịch ViệtNamnhiều cơ hội về quảng bá, thu hút khách du lịch, nhưng cũng không ít thách thức. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2015, ViệtNamđứng thứ 33/141 quốc gia và vùng lãnh thổ về các nguồn lực phát triển du lịch, trong đó tự nhiên (xếp thứ 40), văn hóa (xếp thứ 33). Trong ASEAN, ViệtNamđứng thứ 4, sauIndonesia(vị trí 17), Thái Lan (21) vàMalaysia(24). Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch ViệtNamthuộc nhóm đầu trong phân khúc cao cấp.

 

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch ViệtNamcòn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, cho rằng, nước ta chưa thực sự có chính sách ưu tiên phát triển du lịch, vai trò của du lịch trong các vấn đề liên ngành chưa đúng tầm. Điều đó thể hiện khi ViệtNamđược xếp ở vị trí 119/141 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số khung pháp lý ưu tiên cho du lịch và đứng vị trí cuối cùng trong ASEAN. Bên cạnh đó là những yếu kém về cơ sở hạ tầng; sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa tạo được điểm nhấn và thiếu hấp dẫn, thiếu tính sáng tạo, ít đổi mới; chi phí vận chuyển đến và tại Việt Nam cao, tạo tâm lý giá cao hơn các nước trong khu vực; hoạt động xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu thiếu chuyên nghiệp, kinh phí hạn hẹp…

 

Tận dụng tốt nhất cơ hội trong điểm đến chung ASEAN nhưng vẫn tạo điểm nhấn, Việt Nam cần có kế hoạch hành động kịp thời, sớm giải quyết những điểm yếu nội tại của ngành du lịch, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, và vấn đề mang tính liên ngành như visa, giao thông vận tải… Phó Giám đốc Eviva tour Nguyễn Thùy Dương cho rằng, hiện ASEAN đã hình thành nhóm nghiên cứu thị trường, hằng năm đánh giá thị trường khách và xu hướng để đưa ra các giải pháp phù hợp. Việt Namcó thể tận dụng được báo cáo đánh giá thị trường này để định hướng thu hút nguồn khách phù hợp. Còn theo ông Đỗ Quốc Thông - Phó Giám đốc Bến Thành Tourist, trước hết, cần biến Visit ASEAN@50: Golden Celebration thành cơ hội tuyệt vời để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp rất quan tâm tới chương trình này. Thời gian không còn nhiều, nên ngành du lịch cần sớm có kế hoạch hành động cụ thể, trên cơ sở phối hợp công - tư, mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chuẩn bị quảng bá Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) tại Việt Nam vào năm 2019 để tạo hiệu ứng tốt cho du lịch nước nhà.

 

Đại biểu nhân dân