354
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 24/06/2015 08:22
Tăng nguồn và nâng chất giáo viên mầm non: Cần bỏ những quy định lỗi thời
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị của Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội ngày 16-9-2014, cả nước còn thiếu hơn 25.000 giáo viên mầm non (GVMN). Hệ thống trường công lập đang gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực lẫn vật lực, trong khi các trường, nhóm lớp tư thục chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về mặt chuyên môn.
Giáo viên mầm non hiện nay là nghề phải chịu rất nhiều áp lực, chế độ làm việc vất vả nhưng thu nhập chưa tương xứng.

Trước áp lực gia tăng dân số, câu chuyện làm sao để vừa đáp ứng đủ chỗ học cho người dân, vừa không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy đang là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

 

 Vì sao tuyển hoài vẫn thiếu giáo viên?


Mới đây, tại hội thảo khoa học về “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non ở TPHCM” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức, Thạc sĩ Phan Hoàng Như My, giảng viên khoa Giáo dục mầm non Trường Trung cấp Nam Sài Gòn, cho biết một trong những yếu tố khiến GVMN buồn bực, chán nản trong công việc là do thường xuyên phải chịu áp lực từ việc kiểm tra, quản lý của ban giám hiệu, cán bộ phòng GD-ĐT và thanh tra Sở GD-ĐT. “Thông thường đoàn từ phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT về trường thanh tra, kiểm tra không chỉ riêng hoạt động của giáo viên và trẻ em mà còn kiểm tra tất cả các mặt trong trường. Nếu năm học đó trường đăng ký danh hiệu thi đua thì kết quả thanh tra, kiểm tra rất quan trọng đối với việc đánh giá giáo viên và cả đánh giá danh hiệu toàn trường”, Th.S Như My cho biết. Bên cạnh đó, GVMN còn chịu không ít áp lực từ phía phụ huynh, yêu cầu dạy dỗ chăm sóc trẻ liên tục cả ngày khiến giáo viên không có thời gian nghỉ ngơi. Thực tế nhiều nơi cho thấy, công việc của GVMN kéo dài từ 6 giờ 30 đến 17 giờ, kể cả thời gian trẻ ngủ giáo viên vẫn phải thức để quan sát, kịp thời xử lý tình huống bất thường có thể xảy ra hoặc tranh thủ làm đồ chơi, thiết bị dạy học, soạn giáo án, làm sổ sách lớp.

 

Công việc nhiều, thời gian nghỉ ngơi không có, nhưng thu nhập từ tiền lương và các loại phụ cấp khác chưa tương xứng với công sức. Minh chứng điều này, TS Đặng Thị Mỹ Phương, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, GVMN không làm việc quá 6 tiếng/ngày và không quá 200 giờ phụ trội/năm. Nhưng trên thực tế, hầu hết giáo viên hiện nay đều làm việc 10 tiếng/ngày, chế độ phụ cấp chưa thỏa đáng. Ngoài ra, liên Bộ GD-ĐT, Tài chính và Nội vụ đã có Thông tư liên tịch số 09/2013, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền lương đối với GVMN các trường ngoài công lập. Song trên thực tế, chưa có trường hợp GVMN nào trên địa bàn TP được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách này. Một phần là do đội ngũ giáo viên ở khu vực này thường xuyên không ổn định, công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu cập nhật. Từ thực tế đó đã làm nảy sinh suy nghĩ phụ huynh không muốn cho con học ngành mầm non vì thu nhập thấp, công việc vất vả. Vì vậy, “những thiếu sót trong chính sách tiền lương, phụ cấp là một trong những nguyên nhân làm suy giảm, triệt tiêu động lực dạy học của giáo viên, việc bỏ nghề tìm đến công việc khác thu nhập cao hơn là không tránh khỏi”, TS Mỹ Phương bày tỏ. 

 

Phát huy tối đa mọi nguồn lực


Trong bài nghiên cứu “Định lượng nhu cầu giáo dục mầm non dựa trên ý kiến phụ huynh và số lượng trẻ em theo độ tuổi trong công tác quy hoạch nhân lực - Đòi hỏi cấp bách mà các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần thực hiện” do PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM và hai cộng sự là PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Th.S Hoàng Trường Giang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM đồng thực hiện cho biết, có đến 88% phụ huynh mong muốn con học ở trường công lập, trong khi chỉ có 10% phụ huynh nghĩ đến việc gởi con vào các trường dân lập, tư thục. Điều đáng nói là trong số 10% phụ huynh lựa chọn hệ thống trường dân lập, tư thục, có rất đông ý kiến chỉ tin tưởng vào chất lượng giáo dục của các trường mầm non quốc tế, trường hoạt động theo mô hình chất lượng cao nhờ vào việc mua lại bản quyền các chương trình giáo dục nước ngoài. Như vậy có thể thấy phần đông ý kiến phụ huynh hiện nay vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Thực tế này trái với chủ trương xã hội hóa bậc học mầm non của UBND TPHCM, khiến khối trường công lập ngày càng quá tải trong khi hệ thống trường tư hiện nay đã hoạt động manh mún càng đáng lo ngại về hiệu quả đào tạo hơn.

 

Một thực tế nữa theo TS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TPHCM, là hiện nay trong khi đội ngũ GVMN của chúng ta đang thiếu nhưng TP lại đặt ra yêu cầu tuyển dụng GVMN phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú KT3 ở TPHCM khiến nhiều bạn dù có học lực giỏi nhưng muốn kiếm một công việc ổn định thì phải bỏ ra số tiền không nhỏ để “chạy” hộ khẩu. Đây là cách làm không tận dụng được hết mọi nguồn lực đào tạo, vừa gây lãng phí ngân sách đào tạo vừa tạo ra những hệ lụy không hay. Qua đó cho thấy nguyên nhân của tình trạng GVMN hiện nay tuyển hoài vẫn thiếu chính là do các quy định cứng nhắc về mặt tuyển dụng, quản lý chế độ tiền lương và kiểm soát hoạt động chuyên môn từ các cấp lãnh đạo. Nếu không sớm cởi bỏ ba “vòng kim cô” này thì bài toán tìm lối ra cho chất lượng giáo dục mầm non ở TPHCM, trong đó có việc bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ, sẽ khó có thể thực hiện trong một tương lai gần

 

SGGP