PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Kobelev Evgennii, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn Lâm khoa học Liên bang Nga; PGS,TS Tường Duy Kiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp nêu rõ: Với mục đích hợp tác để ổn định và phát triển, đem lại sự thịnh vượng cho các quốc gia, trong những năm gần đây, Liên bang Nga và ASEAN đã không ngừng nỗ lực tăng cường sự hợp tác trên tất cả các phương diện: kinh tế, chính trị, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, an ninh quốc phòng và văn hóa. ViệtNam, với một mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt – Xô trước đây, đã và đang trở thành nhân tố tích cực để thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Nga và ASEAN.
Mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam – Liên bang Nga đã được bắt đầu từ rất sớm, ngay từ trước năm 1945, khi Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến học tập tại Đại học Phương Đông Moskva (1923 – 1930) và tiếp thu tư tưởng yêu nước, giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Thông qua sự hợp tác, trao đổi về văn hóa đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia dân tộc. Người ViệtNamhiểu rõ hơn về “Tâm hồn Nga”, “Tính cách Nga” cũng như những giá trị, những thành tựu của một nền văn hóa lớn. Văn hóa ViệtNamchịu ảnh hưởng của văn hóa Nga khá mạnh mẽ, tuy mỗi giao đoạn lịch sử có sự tiếp nhận theo những xu hướng khác nhau. Sự giao lưu này diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và nội dung đa dạng: văn học, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, giáo dục, đào tạo, xuất bản...
PGS,TS Nguyễn Tất Giáp khẳng định: Trong hơn 60 năm gắn bó, ít có dân tộc nào trên thế giới được nhân dân ViệtNamtôn trọng và yêu quý như người Nga. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng và đánh giá cao sự ủng hộ vô tư, hiệu quả của nhân dân Liên Xô trước kia và nhân dân Nga hiện nay trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, trong lịch sử, Liên bang Nga cũng có những mối giao hảo với khu vực Đông Nam Á. Nếu như một số nước phương Tây tiếp xúc các quốc gia Đông Nam Á thông qua con đường thương mại, truyền giáo, thực dân xâm lược... thì thế kỷ XIX, Nga có những tiếp xúc đầu tiên với Thái Lan, Malaixia, Việt Nam thông qua con đường ngoại giao, văn hóa. Quan hệ văn hóa giữa Liên bang Nga và ASEAN tiếp tục được duy trì và phát triển.
Ngoài ra, nhiều sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo của Liên Xô. Đặc biệt là kể từ khi Nga trở thành đối tác đối thoại chính thức ASEAN, các nước ASEAN quan tâm đến Nga như một đối tác trao đổi giáo dục, khoa học, công nghệ, du lịch đầy tiềm năng. Mối quan hệ Nga – ASEAN càng trở nên gắn bó hơn sau khi Nga điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng Đông Tây trong bối cảnh quốc tế mới vào những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá một cách khách quan những thành tựu và hạn chế trong quá trình hợp tác về phương diện văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN thời gian qua, chỉ rõ những thời cơ và những thách thức đang đặt ra đối với mối quan hệ này. Đồng thời hướng tới việc tìm ra những sáng kiến, những giải pháp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ văn hóa giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN./.
(ĐCSVN)