Hàng chục năm dùng miễn phí
Từ câu chuyện trên, nhiều người giật mình khi biết thông tin hàng chục năm qua, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã in hàng chục triệu quyển SGK, thu về hàng trăm tỷ đồng nhưng các tác giả có tác phẩm được in trong SGK hầu như không được nhận một đồng nào từ tiền bản quyền hoặc nhuận bút. Ý thức sử dụng sản phẩm trí tuệ thì phải trả tiền cho người sáng tạo dường như bị lãng quên dù đơn vị sử dụng, người sử dụng hiểu rất rõ trách nhiệm của mình.
Trước đây, các tác giả có tác phẩm in trong SGK được xem là “vinh hạnh”. Tư duy làm việc miễn phí, mặc nhiên coi những gì từ tài năng trí tuệ của mình sản sinh ra là cống hiến cho đời sống, nên việc ai sử dụng tác phẩm của mình không được người sáng tác quan tâm nhiều. Khi giao tác phẩm của mình cho bên sử dụng, nhiều nghệ sĩ cũng thường qua loa, không có thói quen làm việc trên văn bản, giấy tờ, hợp đồng. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp hay các vấn đề kiện tụng liên quan, rất khó để giải quyết, rất khó để đòi quyền lợi cho người sở hữu.
Trong khi đó, hằng năm, các phụ huynh phải bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng mua SGK. Thế nhưng, chính những người góp phần làm nên bộ SGK đó lại không hề nhận được một đồng tiền tác quyền, thậm chí là tiền nhuận bút lại là điều bất cập lớn. Điều này cần phải thay đổi, không chỉ vì lợi ích của chính tác giả mà quan trọng hơn đó là đã đến lúc chúng ta phải có thói quen sống và làm việc theo pháp luật. Không thể dùng “chùa”, hoặc trả nhuận bút chiếu lệ mãi được. Nhất là khi SGK là một sản phẩm được kinh doanh thì việc trả tác quyền có gì để bàn cãi?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam thì kể cả khi việc chi trả tác quyền có làm tăng giá SGK, thì Chính phủ có thể cấp ngân sách để trợ giá như một số mặt hàng khác; hoặc NXB Giáo dục có thể chia sẻ thông tin minh bạch, rõ ràng với tác giả. Tôi tin các tác giả sẽ có sự chia sẻ nhất định khi được tôn trọng và có quyền quyết định về việc sử dụng đối với đứa con tinh thần của họ.
Cần thời gian và sự kiên nhẫn
Việc đòi tác quyền thành công cho các nhà văn có tác phẩm được in trong SGK một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc đấu tranh cho vấn đề bản quyền cần thời gian và sự kiên nhẫn. Những văn bản cần được hoàn chỉnh, lý lẽ thuyết phục và phải liên tục thúc bách phía sử dụng tác phẩm để họ có thái độ rõ ràng với chi trả bản quyền.
Hơn 100 tác giả có tác phẩm sử dụng trong SGK đã được nhận tiền, trong số đó có những người đã mất như nhà thơ Tố Hữu được nhận tiền tác quyền gần 30 triệu đồìng, nhà văn Tô Hoài nhận hơn 20 triệu đồìng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, với số lượng tác phẩm được sử dụng khá lớn, nhận 17 triệu đồng… Tuy nhiên, trong đợt chi trả lần này, NXB Giáo dục mới chỉ trả tiền nhuận bút cho 123 tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK, chiếm khoảng 30%, vậy còn 70% nữa ở đâu thì chỉ có NXB Giáo dục mới nắm được.
Dẫu vậy, đây cũng được xem là một tiền lệ tốt cho việc thực thi tác quyền hiện nay. 500 triệu đồìng không phải là quá lớn nhưng là thành công cho cả quá trình đấu tranh cho quyền lợi của những nhà văn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, dù là muộn, dù là chậm nhưng đây là một bước tiến khá mới mẻ trong lĩnh vực bản quyền để chúng ta tập làm quen với đời sống văn minh mà một trong những ứng xử quan trọng của nó là câu chuyện bản quyền.
Thắng lợi trong việc đòi tiền tác quyền của Trung tâm Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam với NXB Giáo dục cho các tác giả có tác phẩm được in trong sách giáo khoa đã mở ra những hy vọng mới. Theo đó, việc sử dụng các tác phẩm của nhà văn trên sóng phát thanh VOV, như các chương trình “Đọc truyện đêm khuya” hay “Tiếng thơ” cũng đã được Trung tâm gửi công văn yêu cầu chi trả tác quyền cho các tác giả. Tiếp theo đó là công cuộc đòi tác quyền cho các tác phẩm của nhà văn đã được các đơn vị làm sách xuất bản bằng phương thức sách điện tử.
Có lẽ để giải quyết tình trạng vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học hiện nay không thể thực hiện một sớm một chiều. Nhưng với những cố gắng và sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía: nhà văn, chủ sở hữu quyền tác giả, cơ quan thực thi pháp luật, người sử dụng và công chúng hưởng thụ, hy vọng quyền lợi chính đáng của các nhà văn, nhà thơ sẽ được bảo vệ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam, doanh thu mỗi năm của NXB Giáo dục khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, chi cho biên tập chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Và theo như cách tính mà họ đang áp dụng, thì tiền tác quyền năm 2014 chỉ chừng một tỷ đồng. Một con số vô cùng khiêm tốn so với lãi ròng mà NXB Giáo dục thu được.
Người đại biểu nhân dân