Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, ra đời cách đây hơn 100 năm, với sức lan tỏa tinh thần rất lớn, đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với phong cách biểu diễn đầy ngẫu hứng và hệ thống bài bản có quy mô rõ ràng cùng với việc sáng tạo những lời ca có thể phô diễn được mọi cung bậc tình cảm con người, đờn ca tài tử đã và đang có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tạo nên sự phong phú trong kho tàng văn hóa Nam Bộ.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã thể hiện tình yêu với loại hình nghệ thuật này bằng cách riêng, dành nhiệt tâm cho từng góc máy, khung ảnh, theo từng tiếng đờn, lời ca. Khoảng 150 câu chuyện sống động bằng hình ảnh và thông tin về các nghệ nhân dân gian, tài tử ca, tài tử đờn, nhà nghiên cứu, soạn giả... tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ thuộc nhiều thế hệ đã được tập hợp trong cuốn sách ảnh Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương. Nguyễn Á đã dành khoảng 2 năm đến 21 tỉnh, thành Nam Trung Bộ, Nam Bộ để ghi lại những giây phút xuất thần, hào sảng, thăng hoa của các nhân vật khi hòa đàn, ngân giọng giữa đồng quê sông nước và những giây phút đời thường dung dị của các tài nhân bên người thân, bè bạn. Đó là nghệ nhân Nam Lợi, Kim Bình (Đồng Nai), NSƯT Đặng Long (Bình Thuận), các nhạc sĩ Trần Thanh Hoàng, Lê Văn, Thành Phương, tài tử Hoài Sang, nghệ nhân ưu tú khiếm thị Huỳnh Hữu Trí (Tây Ninh)...
Từ yêu thích, mê đắm thưởng thức, Nguyễn Á đã mất bao công sức, tâm huyết, trí tuệ, theo sát mọi diễn biến thời sự của đờn ca tài tử, ghi lại những khoảnh khắc được thế giới và trong nước vinh danh. Bạn bè ngạc nhiên khi gặp anh ở Trà Vinh - nơi diễn ra lễ vinh danh NSND Bảy Bá, soạn giả Viễn Châu; rồi những đêm diễn, liên hoan ở Long An, Bạc Liêu, Cà Mau... và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, để có được từng khoảnh khắc đẹp mà các nghệ nhân, nghệ sĩ đã chung nhau tiếng đờn khúc hát để lại cho đời nhiều cung bậc đẹp.
Mỗi bức ảnh một câu chuyện
Như tài năng nhỏ tuổi Nguyễn Trương Thế Thanh được Nguyễn Á ghi lại hình ảnh trên sân khấu tài năng trẻ của đờn ca tài tử Nam Bộ. Do ảnh hưởng từ gia đình mê cổ nhạc, cậu bé Nguyễn Trương Thế Thanh biết ca vọng cổ khi lên 5. Từ nhỏ, em đã thích nghe các chương trình đờn ca tài tử và cải lương phát trên đài phát thanh và truyền hình, nghe riết rồi ghiền và bắt đầu thích những âm điệu ngọt ngào của vùng đất phươngNam. Thấy em có năng khiếu cổ nhạc, gia đình đăng ký cho em tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh để biết cách nhấn nhá, lấy hơi, lên xuống giọng và kỹ thuật xử lý từng làn điệu. Thành thục một chút, Thế Thanh đăng ký thử sức ở các cuộc thi về dòng nhạc cổ truyền này. Năm 11 tuổi, cậu giành giải nhất đơn ca và giải Tài tử nhỏ tuổi nhất của Liên hoan Đờn ca tài tử các xã nông thôn mới TP Hồ Chí Minh. “Đây là niềm vui lớn nhất khi tới giờ phút này vẫn có nhiều bé 5 tuổi, 7 tuổi, 10 tuổi rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tâm sự.
Nhớ lần về Bạc Liêu ghi hình nghệ nhân Tư Loan, Nguyễn Á thực sự thán phục tài năng, nhiệt huyết và tình yêu đờn ca tài tử của ông. “Đây là người sở hữu những ngón đàn độc, mùi mẫn và sâu lắng như tình đất, tình người Bạc Liêu”. Năm 13 tuổi, Tư Loan đã được thầy Mù Giào ở Sóc Trăng truyền dạy những ngón đờn độc đáo. Với tài năng thiên phú và duyên nghiệp với cầm ca, các ngón đờn của ông mỗi ngày một thăng hoa và say đắm lòng người. Về sinh sống tại xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long từ năm 1977, ông gắn bó sâu nặng với ruộng vườn, với vuông tôm và cả phong trào đờn ca tài tử nơi đây. Ở tuổi 60, ông vẫn nặng nợ với nghề qua nhiều vai trò như Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP Bạc Liêu. “Am hiểu 20 bản tổ, vọng cổ cùng kỹ năng độc tấu, hòa tấu đờn kìm, đờn ghita, nghệ nhân Tư Loan là hình ảnh khiến tôi thực sự mến mộ. Hình ảnh ông đại diện cho nghệ nhân 21 tỉnh, thành cất lên tiếng lòng đầy tâm huyết với di sản đờn ca tài tử là một trong những hình ảnh đẹp gây xúc động tại Lễ đón nhận bằng vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Nguyễn Á khẳng định: Chắc chắn đờn ca tài tử sẽ trường tồn. Bởi tôi đã đi nhiều nơi, từ tỉnh, thành phố tới quận, huyện, xã, ấp… thấy ai cũng yêu mến đờn ca tài tử và có trách nhiệm góp công sức gìn giữ và phát huy di sản này.
Người đại biểu nhân dân