Sau thành công của Vòng phấn Kavkaz năm ngoái, Viện Goethe Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Thanh thiếu niên Dresden đã quyết định dàn dựng một vở diễn cho thiếu nhi. Vở kịch dựa trên câu chuyện cổ tích nổi tiếng Ông lão đánh cá và con cá vàng, phiên bản sân khấu của Einar Schleef, vẫn dưới sự hướng dẫn của đạo diễn sân khấu người Đức Dominik Gunther.
Câu chuyện về 3 điều ước
Ông lão đánh cá và con cá vàng đề cập đến lòng tham, sự ảo tưởng và trả giá. Phiên bản sân khấu của Einar Schleef phỏng theo truyện cổ tích kinh điển này kể về một ông lão đánh cá sống trong túp lều nhỏ cùng bà vợ Ilsebill. Ông khá hài lòng với cuộc sống đơn giản của mình, nhưng vợ ông thì trái lại. Một ngày nọ, ông lão bắt được con cá vàng, con cá cầu xin ông tha mạng bởi nó thực ra chính là một hoàng tử bị yếm bùa. Khi Ilsebill nghe chuyện, bà sửng sốt vì chồng mình đã không xin hoàng tử một điều ước để đổi lấy ơn tha mạng. Bà ép chồng gọi cá vàng lên ban cho căn nhà mà bà ao ước. Nhưng Ilsebill vẫn chưa thỏa mãn. Bà đòi có một lâu đài, bà muốn thành Hoàng hậu, Bà Chúa, Bá chủ thiên hạ! Mỗi điều ước được ban ra là một lần biển thêm dậy sóng và kết cục mọi sự trở về như khi câu chuyện bắt đầu…
Lý giải việc chọn Ông lão đánh cá và con cá vàng để dàn dựng lần này, đạo diễn Dominik Gunther cho biết, câu chuyện có ý nghĩa toàn cầu, bởi nó không phản ánh những đặc điểm văn hóa riêng của Đức hay Việt Nam mà là vấn đề phổ biến của cuộc sống. Mâu thuẫn vợ chồng luôn là đề tài màu mỡ để sân khấu nghiên cứu và khai thác, bởi mỗi cặp vợ chồng đều nhìn thấy mình, đồng thời có thể cười về những nhân vật trong đó. Và đương nhiên mô típ về ba điều ước mà mỗi người chúng ta đều muốn có, rất nổi tiếng. “Nếu có ba điều ước, ta sẽ ước cái gì? Tương tự như nếu bạn phải đến một hòn đảo chơ vơ ngoài đại dương mà chỉ được mang theo 3 đồ vật thì bạn sẽ mang theo gì? Đó chính là suy nghĩ về những điều cần thiết nhất của cuộc sống mà mỗi người trong chúng ta đều tự hỏi, không phụ thuộc vào độ tuổi già hay trẻ, ở đâu trên toàn thế giới này”.
Gắn kết sân khấu Đức - Việt
Đạo diễn Dominik Gunther chia sẻ, tham gia dàn dựng vở diễn này ông như được trở về nhà, không gặp khó khăn gì. Mặc dù có chút hồi hộp, lo lắng không biết các em nhỏ sẽ đón nhận như thế nào, nhưng những tiếng cười, những tràng vỗ tay trong suốt vở diễn đã khiến ông thở phào. “Dựng kịch cho thiếu nhi khó hơn rất nhiều so với dựng kịch cho người lớn. Dựng một tác phẩm chuyển thể từ truyện cổ tích nổi tiếng còn khó hơn nữa. Điều quan trọng là phải mang đến những điều mới mẻ để hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi khó tính. Tôi rất vui khi thấy các em nhỏ theo dõi và đón nhận vở kịch khá nồng nhiệt”.
Trước khi dàn dựng, ê kíp đã phỏng vấn trẻ em ở Dresden và Hà Nội về cuộc sống của các em, những điều các em mong muốn cũng như quan niệm của các em về hạnh phúc. Tuy các em không biết nhau nhưng cùng một câu hỏi đôi khi có câu trả lời tương đối giống nhau, cũng có những câu trả lời khá già dặn cho dù hoàn toàn không có sự sắp đặt trước. “Tôi vui khi các câu trả lời khiến người lớn phải suy nghĩ. Chính các em nhỏ đã gửi thông điệp đến người lớn, rằng hạnh phúc đơn giản chỉ là được lắng nghe, chia sẻ và yêu thương” - đạo diễn Dominik Gunther nói. Những đoạn video phỏng vấn các em được chiếu xen kẽ trong vở diễn và gắn vở diễn với đời sống hiện tại ở cả hai nước Việt Nam và Đức. Việc sử dụng video tăng sự tương tác giữa diễn viên với khán giả, nhưng cũng đòi hỏi diễn viên phải nắm chắc nội dung video để truyền đạt tới khán giả. Trong vở kịch này, người kể chuyện trong hình hài con tôm hùm đã làm tốt nhiệm vụ đó, giúp sân khấu sống động hơn.
Sự kết hợp văn hóa Đức - Việt còn được thể hiện trong trang phục (do họa sĩ Doãn Bằng thiết kế) và âm nhạc (của một nhóm nhạc Đức - Việt ởDresden, pha trộn các yếu tố của nhạc truyền thống Việt Nam với nhạc châu Âu). Đặc biệt, trong tác phẩm còn sử dụng một con rối sào, gợi nhớ đến múa rồng của trẻ em ViệtNamtrong dịp Tết Trung thu, nhưng ở đây không phải con rồng mà là con cá thờn bơn. “Tôi vô cùng sung sướng khi mời đạo diễn Dominik Gunther trở lại Hà Nội thực hiện dự án này cho thiếu nhi hai nước. Chúng tôi cũng mong muốn mang đếnDresdenmột chút văn hóa ViệtNam” - Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, TS. Almuth Meyer-Zollitsch nhấn mạnh.
Ông lão đánh cá và con cá vàng ra mắt khán giả với ba dàn diễn viên khác nhau. Tại ViệtNam (ngày 28 - 29.11), buổi biểu diễn tiếng Việt phối hợp với trẻ em Đức và ngôn ngữ Đức thông qua các video clip kèm theo. Tại Đức, vở kịch sẽ được diễn bằng tiếng Đức cho trẻ em trên 6 tuổi. Đặc biệt, phiên bản Đức - Việt sẽ được biểu diễn vào tháng 4.2016 với diễn viên Việt Nam và nghệ sĩ múa rối Đức. 3 nghệ sĩ Đức đang có mặt tại Hà Nội dịp này để trao đổi, làm việc cùng các đồng nghiệp Việt Nam.
Đại biểu nhân dân