Hội nghị có sự tham dự của 150 đại biểu là các nhà quản lý, đại diện các tổ chức tư nhân, các cơ sở đào tạo trong ngành du lịch.
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ, nhằm đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có trị giá 11 triệu Euro, trong đó Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro, được triển khai trong giai đoạn từ 2011 - 2015. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện. Các trọng tâm chính của Dự án: Hỗ trợ chính sách và Tăng cường thể chế; Thiết lập cơ cấu tổ chức và xây dựng mạng lưới hợp tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân; Xây dựng lực lượng lao động du lịch có trình độ; Tăng cường tính cạnh tranh của du lịch; Nâng cao nhận thức về Du lịch có Trách nhiệm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho rằng: “Phát triển theo nguyên tắc Du lịch có trách nhiệm cần được tất cả các đối tác liên quan cam kết thực hiện và sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội. Chính vì vậy, TCDL đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị “Sự bền vững của Phát triển Du lịch có trách nhiệm ở ViệtNam”. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các thành phần tham gia vào lĩnh vực du lịch để tạo ra hình ảnh mới cho du lịch Việt Nam, giúp du lịch Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.
Mở đầu Hội thảo, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU đã trình bày tham luận “Du lịch có trách nhiệm và phát triển du lịch ở ViệtNam”. Với bài trình bày này, ông Trí đã đưa tới Hội nghị một cái nhìn khái quát nhất về vấn đề “Du lịch có trách nhiệm” với các nội dung lần lượt được làm rõ như: Du lịch có trách nhiệm là gì, Tại sao cần phải thực hiện Du lịch có trách nhiệm, Trách nhiệm thuộc về ai và các hoạt động của Dự án EU vì mục tiêu phát triển Du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Trí cho rằng, nhận thức đầy đủ về Du lịch có trách nhiệm, khung chính sách Du lịch có trách nhiệm được ban hành ở tầm quốc gia, sự cam kết cùng phối hợp hành động của các đối tác và duy trì bền vững các kết quả về Du lịch có trách nhiệm của Dự án EU là các yếu tố then chốt để thực hiện Du lịch có trách nhiệm được bền vững ở Việt Nam.
Tiếp đó, ông Hawkins Phạm, Chuyên gia quốc tế của Dự án EU đã giới thiệu “Sáng kiến công tư - Hội đồng Tư vấn Du lịch”. Hội đồng Tư vấn Du lịch được xem là một sáng kiến xây dựng dựa trên quan hệ đối thoại công - tư nhằm đưa các cơ quan nhà nước xích lại gần hơn với khối doanh nghiệp. Hội đồng này hoạt động nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến du lịch có trách nhiệm thông qua việc thúc đẩy các nguồn lực công và tư của đất nước.
Ông Kai Partale, Chuyên gia Phát triển Ngành của Dự án EU, chuyển tới Hội nghị vấn đề marketing du lịch với bài thuyết trình: “Cải thiện công tác marketing của ViệtNamtrên các thị trường quốc tế”. Theo ông Kai, để công tác marketing ở ViệtNammang lại hiệu quả thì cần tập trung giải quyết bốn vấn đề chính, đó là: nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu du lịch và điều phối hoạt động marketing.
Ông Kai Partale phân tích: Nghiên cứu thị trường được xem là bước đi đầu tiên nhằm trả lời câu hỏi: Các kết quả điều tra có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động marketing? Từ kết quả của bước đầu tiên này, cần xây dựng một chiến lược marketing để có được cái nhìn tổng thể và đồng bộ về những hoạt động cần tiến hành trong tương lai. Một phần quan trọng của chiến lược marketing chính là xây dựng thương hiệu du lịch, vì thương hiệu du lịch này sẽ phản ánh các dòng sản phẩm cũng như những thông điệp được chuyển tới khách hàng. Để triển khai được các bước nêu trên, ông Kai cho rằng cần phải có một cơ chế, công cụ và các hoạt động quản lý công tác điều phối marketing. Đồng thời, chuyên gia này cũng nhấn mạnh để công tác marketing điểm đến đạt hiệu quả cao thì điều thiết yếu là phải đưa Du lịch có trách nhiệm vào marketing điểm đến.
Quang cảnh hội nghị.
Tiếp nối chương trình Hội nghị, Tiến sĩ Hà Thanh Hải, chuyên gia Dự án EU đã trình bày nội dung: “Quản lý các điểm đến du lịch ở ViệtNammột cách có trách nhiệm”. Trong bài thuyết trình này, ông Hải đề xuất để có được mô hình quản lý điểm đến bền vững, cần có sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương cũng sự cam kết của khu vực tư nhân. Đồng thời, hai yếu tố này cần được đảm bảo chặt chẽ ngay cả khi các vấn đề quản lý điểm đến trở nên phức tạp và nhiều thách thức hơn.
Với bài thuyết trình: “Nâng cao tính chuyên nghiệp thông qua giáo dục và đào tạo nghề” của Tiến sĩ Trần Thị Mai, chuyên gia Dự án EU đã giới thiệu các nội dung như: những thách thức trong giáo dục và đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam; cấu trúc Tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 và sử dụng Tiêu chuẩn VTOS trong đào tạo nghề Du lịch. Bên cạnh đó, bà Mai cũng nêu ra một số đề xuất, kiến nghị đối với các bên liên quan trong ngành để tăng cường chất lượng công tác giáo dục và đào tạo nghề cũng như nâng cao hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Buổi chiều, Hội nghị tập trung thảo luận theo nhóm với ba nội dung chính: Marketing và xúc tiến; Quản lý điểm đến và năng lực cạnh tranh và Giáo dục và Đào tạo nghề. Các ý kiến thu được từ thảo luận sẽ được tổng hợp và chuyển tới các cơ quan quản lý Nhà nước.
ĐCSVN