239
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 27/04/2016 09:04
Sơn mài truyền thống hay sơn mài mỹ nghệ!!!
Vừa qua, giới mỹ thuật cả nước đón nhận tin vui: Hàn Quốc đề nghị Việt Nam cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia để Unesco ghi danh nghệ thuật sơn mài là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng của sơn mài Việt Nam, người ta vừa mừng vừa lo....
Tác phẩm trong triển lãm “Dòng chảy 6 – Những đứa trẻ” của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Ảnh tư liệu.

Bài 1 - Sơn mài mỹ nghệ “lên ngôi”: Có đáng lo ngại?


Gần đây, hội họa ViệtNamxuất hiện một dạng tranh tạm gọi là “sơn mài mỹ nghệ”. Chỉ trong thời gian ngắn, trào lưu sơn mài mỹ nghệ phát triển khá nhanh khiến không ít người lo lắng cho số phận của sơn mài truyền thống.

 

Bị chỉ trích vẫn... bán chạy


Tháng 10 năm 2013, họa sĩ lão thành Nguyễn Thị Hiền ra mắt triển lãm tranh sơn mài “Dòng chảy 6 - Những đứa trẻ” tại bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Nữ họa sĩ ngoài 60 tuổi này đã khiến giới mỹ thuật xôn xao khi hoàn thành 40 tranh sơn mài với thời gian ngắn kỷ lục: chưa đến 10 tháng! Trong khi đó, thông thường các họa sĩ khác phải mất từ vài tháng đến một năm mới làm xong một tác phẩm sơn mài.

 

Tuy nhiên, xem triển lãm, giới chuyên môn phát hiện, để có được tốc độ thần kỳ ấy, Nguyễn Thị Hiền đã “đi tắt” nhiều công đoạn. Cụ thể, nữ họa sĩ dùng sơn Nhật (sơn công nghiệp) thay cho sơn ta và gần như bỏ qua thao tác mài tranh, dù đây là hai yếu tố làm nên sơn mài truyền thống. Thời điểm đó, trên các diễn đàn mỹ thuật, tranh của Nguyễn Thị Hiền bị chỉ trích là: “Một rừng mỹ nghệ” hay “Sơn mài giả cầy”. Bình thản trước dư luận, ít tháng sau, tác giả đưa “Dòng chảy 6 - Những đứa trẻ” ra Hà Nội, trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật ViệtNamtừ ngày 25 đến ngày 30-12-2013. Thế nhưng, dù bị lên án dữ dội tại cả hai triển lãm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những bức tranh sơn mài bóng nhẵn có diện mạo khác xa sơn mài truyền thống ấy đều... bán chạy!    

 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không phải là trường hợp duy nhất làm tranh sơn mài theo hướng ăn gian kỹ thuật. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều họa sĩ cũng bỏ sơn ta, dùng sơn ngoại và không mài tranh. Chỉ có điều, theo quan sát của người viết, họ âm thầm “sản xuất” và bán tranh chứ không dũng cảm “mở” triển lãm như Nguyễn Thị Hiền. Khá thú vị khi dạng tranh tạm gọi là “sơn mài mỹ nghệ” này lại có sức “tiêu thụ” khá tốt trên thị trường. Như phân tích của PGS.TS - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo thì: “Việc dùng sơn công nghiệp và bỏ qua thao tác mài khiến nền tranh phẳng, bóng bẩy, bắt mắt hơn so với sơn mài truyền thống vốn có chiều sâu nhờ tầng tầng lớp lớp màu, không phải ai cũng dư dả thời gian lẫn sự kiên nhẫn để thẩm thấu”.

 

Vì sao sơn ngoại “lấn át” sơn ta?


Có một câu hỏi đặt ra: Vì sao các họa sĩ lại ồ ạt làm sơn mài mỹ nghệ? Chỉ cần dạo quanh thị trường chất liệu mỹ thuật, người ta có ngay đáp án: Bởi đây là thời của sơn ngoại! Do đặc tính riêng, khi sử dụng sơn công nghiệp, họa sĩ hầu như không thể tiến hành thao tác mài. Và bởi vậy, tác phẩm cũng chỉ dừng lại ở mức độ tranh mỹ nghệ vốn là “tiền thân” của tranh sơn mài. Nhưng, vì lý do gì họa sĩ “ta” lại từ chối sơn ta?

 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn, đó là bởi hiệu quả kinh tế của sơn ngoại quá... hấp dẫn! Ai từng làm sơn mài truyền thống đều “thấm”, sơn ta quả là một chất liệu đỏng đảnh, bắt họa sĩ phải thật tỉ mỉ, kiên nhẫn và tốn công sức. Vẽ xong màu nào cũng phải đợi lớp màu đó khô rồi mới được mài, vẽ chồng lên, đợi khô, rồi lại mài, lại vẽ.... Trong thời gian chờ đợi màu khô, nếu trời hanh, lớp màu vừa vẽ coi như hỏng, phải bỏ đi, làm lại từ đầu. Chưa kể, giá sơn ta còn khá đắt. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cách đây vài năm, họa sĩ chỉ cần bỏ ra từ 4 đến 5 triệu đồng là đã sở hữu lượng sơn đủ dùng thoải mái trong hai, ba năm; nhưng giờ, chi phí cho một bức tranh sơn mài đã tăng gấp bốn, năm lần so với trước.

 

Chẳng những thế, sơn ta cũng cần kết hợp với các chất liệu đắt tiền như vàng, bạc... thì chất sơn mới “óng”, mới có độ lấp lánh, bức tranh mới toát lên cái vẻ vừa sang quý vừa mộc mạc đúng “chuẩn” sơn mài. Người ta hay thắc mắc, nhìn lại lịch sử sơn mài ViệtNam, sao chỉ thấy một “đỉnh cao” là Nguyễn Gia Trí? Kỳ thực, khoan bàn đến tài năng, số họa sĩ dám “phớt lờ” mối lo cơm áo gạo tiền, đi đến cùng với sơn mài như Nguyễn Gia Trí có lẽ đếm chưa nổi một bàn tay! Đó là chưa nói, so với thời của Nguyễn Gia Trí, chất lượng sơn ta đang ngày một đi xuống, giảm hẳn độ óng. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, một phần, do cây giống kém chất lượng, vùng trồng cây sơn bị thu hẹp dẫn đến khan hiếm sơn ta, một phần, do người bán pha loãng sơn để kiếm lời khiến cánh họa sĩ “kêu trời” vì không mua nổi màu “chuẩn”. Trong khi đó, sơn công nghiệp chất lượng “trước sau như một”, lại mau khô như sơn dầu và còn có thể vẽ lên bất cứ mặt “toan” nào kể cả kim loại, như thế không “lấn át” sơn ta mới lạ!

 

Ứng xử ra sao với sơn mài mỹ nghệ?


Trong khi không ít người phê phán xu hướng mỹ nghệ hóa sơn mài, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo lại cho rằng: “Không thể cấm họa sĩ sáng tạo hay cách tân. Hơn nữa, cái quan trọng nhất với một bức tranh không phải là chất liệu mà là hiệu quả thẩm mỹ. Cho dù là sơn mài hay mỹ nghệ, chỉ cần đẹp, bức tranh ấy có giá trị”. Cùng chung quan điểm, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Khi đứng trước hai bức tranh, một vẽ bằng sơn Nhật và một được thực hiện theo đúng “chuẩn” sơn mài truyền thống, nếu bức tranh “lệch chuẩn” kia đẹp hơn thì bạn sẽ rung động với tác phẩm nào, sẽ rút tiền mua tác phẩm nào? Vì thế, không nên đưa chủ nghĩa chất liệu ra để chỉ trích việc mỹ nghệ hóa sơn mài!”.

 

Nhìn lại những ồn ào xung quanh triển lãm “Dòng chảy 6 - Những đứa trẻ” của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, nhà phê bình mỹ thuật thuộc thế hệ “đương đại” Nguyễn Anh Tuấn phân tích, cái đáng lên án ở xu hướng sơn mài mỹ nghệ chỉ là việc các họa sĩ cố tình “nhập nhằng” tên gọi. Nếu ngay từ đầu, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền “định danh” đứa con tinh thần của mình là tranh sơn hoặc dùng một cái tên khác chứ không phải tranh sơn mài thì chưa chắc, triển lãm của bà đã bị phê phán dữ dội đến như vậy.

 

Dù cả hai nhà phê bình mỹ thuật thuộc hai thế hệ trẻ và lão thành đều giữ thái độ bình tĩnh trước sự phát triển của sơn mài mỹ nghệ nhưng người viết vẫn không khỏi băn khoăn. Câu hỏi đặt ra là, nếu xu hướng sơn mài mỹ nghệ bùng nổ thành trào lưu, nếu nhà nhà đều bỏ sơn ta dùng sơn ngoại, đều không mài tranh, chỉ dừng lại ở mức độ mỹ nghệ thì sơn mài truyền thống sẽ ra sao? Mà, theo số liệu thống kê nhanh của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn, hiện trên cả nước, cũng chỉ còn vài trăm họa sĩ vẫn... túc tắc “làm” sơn mài!

 

QĐND