Sau 3 năm triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Mạng lưới cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục thường xuyên nói riêng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã từng bước tham gia cung ứng giáo dục.
Tính đến tháng 12.2015, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 37 tỉnh, thành phố đã có quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học đạt tỷ lệ 72,6%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án còn một số khó khăn như: nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã hội học tập vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung giáo dục chưa đa dạng; nhiều cán bộ cấp huyện, cấp xã của một số địa phương vùng miền núi phía Bắc chưa đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định. Việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đề nghị, các cấp các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện mạnh mẽ Đề án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Các địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng chính sách để tạo nguồn kinh phí nhằm thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập.
Đại biểu nhân dân