273
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 22/06/2016 08:22
Sẽ có quy định mới về đạo đức nghề báo
Một nền báo chí chỉ thực sự làm tốt, làm đúng vai trò của mình khi có các nhà báo giữ vững được đạo đức nghề nghiệp. Trước tình trạng nảy sinh nhiều vấn đề về cách hành xử của nhà báo và việc đăng tải thông tin trên báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đang xem xét sửa đổi Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cho phù hợp với bối cảnh mới.

Mai một hình ảnh người làm báo


Trong làng báo chí ViệtNam, nhiều người được độc giả nhớ đến bởi sự dũng cảm, trung thực, hết lòng vì nghề. Họ không ngại khó khăn, có mặt ở những điểm nóng, vùng sâu, vùng xa để đưa thông tin kịp thời tới cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp ấy, trong cơn lốc xoáy của kinh tế thị trường, có những người làm báo đã và đang đi ngược tiêu chí đạo đức nghề nghiệp, làm mai một hình ảnh người làm báo. Một vài phóng viên trẻ mới vào nghề, muốn nhanh chóng có sản phẩm được đăng tải đã đưa thông tin sai sự thật, hay thông tin méo mó, một chiều, hoặc do vội vàng đăng tải mà không quan tâm đến hậu quả của thông tin. Một số nhà báo vì để đạt lượng người đọc lớn đã chạy theo các vấn đề giật gân, câu khách, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc… Sự lệch chuẩn về đạo đức báo chí càng trở nên phản cảm hơn khi số ít người lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp. Có lãnh đạo doanh nghiệp cho biết không dám đến cơ quan vì thường xuyên có “nhà báo đứng trực ở cổng”; rồi một lãnh đạo tỉnh kể rằng có phóng viên đến “hỏi như hỏi cung”...

 

Có thể thấy, trong hành vi không chuẩn mực của các nhà báo, có hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp; cũng có hành vi không phạm pháp, nhưng về đạo đức nghề nghiệp thì không được phép. Đó là sự không tử tế, thiếu nhân văn, thậm chí áp đặt, đang diễn ra trên một số tờ báo, đặc biệt là báo điện tử. Cốt lõi của báo chí chính là tính chân thực, chỉ ra đúng bản chất của sự việc bằng sự khách quan, công tâm. Nhưng một số nhà báo, một số cơ quan báo chí đang có những hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai lệch bản chất, lợi dụng nghề nghiệp để vu khống, bôi nhọ nhân phẩm cá nhân, tổ chức…

 

Dẫu biết “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng các vụ việc như vậy đã khiến niềm tin vào báo chí của người dân bị suy giảm; một bộ phận công chúng không mấy thiện cảm, thậm chí tẩy chay báo chí.

 

Đạo đức là nền tảng


Đạo đức báo chí trong thời kỳ hiện nay là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo ViệtNam: “Bên cạnh tính chân thực, chiến đấu, phải đặc biệt lưu ý đến tính nhân văn của báo chí. Bởi đời sống báo chí hiện nay có nhiều điều khiến chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ. Đạo đức là nền tảng, cốt lõi của hoạt động. Một nền báo chí chỉ thực sự làm tốt, làm đúng vai trò của mình khi có các nhà báo sáng ngời đạo đức nghề nghiệp”.

 

Trong một môi trường báo chí vẫn còn những biểu hiện chưa lành mạnh, theo nhiều ý kiến, bên cạnh dạy nghề, phải quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Bởi có những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, chưa kịp học những nguyên tắc chuẩn mực của nghề báo đã học ngay cái lệch chuẩn. Phóng viên ở trong môi trường hoạt động nghề nghiệp không chuẩn mực để tu dưỡng rèn luyện như vậy, phần nhiều ảnh hưởng tới năng lực thẩm định, dễ đưa đến nhận định hồ đồ, sai phạm từ nhỏ đến nghiêm trọng. PGS.TS. Trương NgọcNam- Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sinh viên thường muốn học nhiều về kỹ năng nghề báo và rất sợ học lý luận hay đạo đức nghề nghiệp. Nhiều khi những người xây dựng chương trình phải đấu tranh bổ sung các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức cho các nhà báo tương lai và đây là nội dung không thể thiếu, không thể xem nhẹ.

 

Quốc hội Khóa XIII, trong kỳ họp cuối cùng, đã thông qua Luật Báo chí 2016, trong đó có điều khoản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam là “ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Thực tế, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo ViệtNamđã được ban hành cách đây 11 năm gồm 9 điều. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong Quy định này không còn phù hợp với hoạt động báo chí, Luật Báo chí 2016 nói riêng và luật pháp hiện hành nói chung. “Hiện nay, Hội Nhà báo ViệtNamđang tiến hành góp ý sửa đổi để xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp mới của người làm báo ViệtNam. Quy định này sẽ được hoàn chỉnh vào cuối năm nay để sau đó có thể thực hiện cùng với Luật Báo chí 2016, có hiệu lực từ năm 2017” - ông Hồ Quang Lợi cho biết.

  

Đại biểu nhân dân