968
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 13/05/2016 09:47
Sách tinh hoa cho độc giả Việt
Đầu sách, lượng xuất bản ít trong khi nhu cầu của độc giả ngày càng tăng đang đặt ra thách thức phát triển dòng sách tinh hoa ở Việt Nam. Theo Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) NGUYỄN CẢNH BÌNH, giải pháp hiệu quả lúc này là phải thúc đẩy đầu vào, mở rộng đầu ra của sách bằng sự chung tay giữa các nhà xuất bản và với cộng đồng.

Lượng tri thức lớn nhưng khó đọc


Theo ông, ngoài các loại sách cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản, có cần dòng sách dành riêng cho nhóm độc giả trình độ cao không?


- Nhu cầu đọc của độc giả giống như kim tự tháp, càng lên trên càng cần loại sách tầm cao về mặt học thuật, khoa học. Chẳng hạn, cùng là sách kinh tế nhưng chia thành hai tầm, một là câu chuyện khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…; cao hơn là tư duy hoạch định, cung cấp cái nhìn bao quát về phát triển kinh tế quốc gia. Sách vở khi ấy không mang tính đại chúng, không chỉ là món ăn tinh thần đáp ứng nhu cầu giải trí, hướng dẫn kỹ năng mà phải trở thành nguồn tri thức thiết yếu trong các lĩnh vực lịch sử, triết học, khoa học, xã hội, kinh tế, chính trị... Để phân biệt, người ta định danh nó là sách tinh hoa. Sách tinh hoa hàm chứa lượng tri thức lớn, được chắt lọc từ giá trị nhân loại và tương đối khó đọc, đòi hỏi một số trình độ nhất định của độc giả. Loại sách này rất cần thiết, nhất là cho đối tượng trí thức, học giả, nhà nghiên cứu …

 

Rất cần thiết, nhưng việc xuất bản sách tinh hoa ở Việt Nam hiện nay ra sao?


- Sách tinh hoa ở ViệtNamđã có từ lâu, một số do tác giả người Việt viết, số ít dịch từ nước ngoài, nhưng tôi khẳng định là không nhiều. Do chiến tranh và các yếu tố khác, ViệtNamđứng cách xa so với dòng chảy của thế giới khá lâu khiến sách ở ta chưa bắt nhịp được dòng sách tinh hoa thế giới. Mấy mươi năm trước, chủ yếu là sách dịch từ Nga, Đông Âu và đa phần là thể loại văn học, tiểu thuyết về chiến tranh, còn sách khoa học, sách về tư duy, xã hội học, tâm lý học… rất ít. Năm 2006 - 2007, tôi làm Tổng Thư ký của Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh kiêm Ủy viên Thường trực Dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới của NXB Tri thức. Thời điểm đó, tôi thấy các đơn vị đã nỗ lực xuất bản sách tinh hoa nhưng vướng ở chỗ chưa kết nối được với cộng đồng, quy mô xuất bản không lớn, mỗi năm ra cùng lắm 20 đầu sách và chỉ in 500 - 1.000 bản/đầu sách. Hiện nay, cũng không mấy nhà xuất bản Việt Nam chủ động xây dựng, quan tâm tới tủ sách này, dẫn đến lượng sách tinh hoa ở Việt Nam còn ít.

 

Kết nối tạo không gian tương tác


Các nhà xuất bản không mặn mà với tủ sách tinh hoa một phần vì xuất bản được một cuốn sách như vậy không dễ, thưa ông?


- Vì loại sách này là đỉnh cao trên tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi phải có những chuyên gia, học giả tầm cao mới có thể đánh giá, thẩm định ý nghĩa, giá trị trước khi quyết định xuất bản. Tôi thấy điểm yếu trong ngành xuất bản ViệtNamlà hoạt động rời rạc, thiếu sự móc nối và thiếu gắn kết với cộng đồng. Một khi có không gian tương tác, cơ hội chia sẻ tri thức, sách vở, thông tin giữa độc giả với người làm xuất bản, chuyên gia, học giả, dịch giả và kể cả giới truyền thông sẽ lớn hơn. Sự kết nối không những giúp hoạt động xuất bản dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng dịch thuật, chất lượng sách mà còn lan tỏa tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Đó cũng là lý do chúng tôi sáng lập Cộng đồng Đọc sách tinh hoa (Omega), ra mắt tháng 4 vừa qua.

 

Hoạt động kết nối đó được thực hiện như thế nào trong Omega, thưa ông?


- Cũng như các câu lạc bộ đọc sách hiện nay, Omega thông qua mạng xã hội để quy tụ mọi người ở khắp nơi có nhu cầu đọc, cùng chia sẻ thông tin sách, qua đó tạo mối liên hệ mật thiết giữa nhà xuất bản với độc giả, dịch giả. Chẳng hạn, rất nhiều người có trình độ cao đang làm việc nước ngoài hay các trường đại học, viện nghiên cứu… hoàn toàn có thể cộng tác, hỗ trợ cho các nhà xuất bản trong khâu dịch, hiệu đính, biên tập… Chúng tôi quy tụ họ lại thông qua Omega. Cộng đồng cũng tạo môi trường chia sẻ thông tin trước khi cuốn sách xuất bản, nghĩa là mọi người đều có thể tham gia vào quá trình làm sách thông qua thảo luận, tư vấn, giới thiệu sách. Sau khi xuất bản, chúng tôi tăng cường tổ chức giới thiệu sách để tiếp nhận phản hồi từ công chúng.

 

Thời gian tới, để tăng lượng sách tinh hoa ở Việt Nam, Omega có kế hoạch gì?


- Hiện Cộng đồng trên mạng xã hội Facebook có gần 3.000 thành viên cả trong và ngoài nước, công tác trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi sẽ nỗ lực để con số này tăng lên 10.000 - 20.000, bên cạnh đó nâng cao chất lượng của cộng đồng bằng việc tăng số người tích cực đóng góp, tư vấn. Cộng đồng Đọc sách tinh hoa sẽ tiếp thu, tìm kiếm, lựa chọn những đầu sách cần thiết cho người Việt Nam, nâng quy mô xuất bản sách tinh hoa ở Việt Nam lên khoảng 50 - 100 đầu sách/năm, 2.000 - 5.000 bản/đầu sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả cả nước. Chúng tôi mong rằng, mỗi cuốn sách được xuất bản, việc trao đổi, thảo luận sẽ có tác động sâu sắc hơn, ảnh hưởng lớn hơn.

 

Xin cảm ơn ông!

 

“Tôi cho rằng, tri thức văn minh, tiến bộ của thế giới cần phải đưa vào Việt Nam nhiều hơn, hệ thống, bài bản, chất lượng hơn. Không chỉ vậy, tri thức, kiến thức của người Việt trong quá khứ và hiện đại cũng cần được vun đắp, xây dựng, khơi dậy và mang đến cho tất cả mọi người. Nhưng xuất bản sách tinh hoa ở Việt Nam không chỉ là công việc của nhà xuất bản mà nó cần sự chung tay của giới tri thức và rộng hơn là cả xã hội. Đặc biệt, chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ, phối hợp từ các bộ, ngành. Ví dụ Bộ Khoa học - Công nghệ có thể tư vấn lựa chọn sách khoa học, đặt hàng sách...”. - Giám đốc VICC Nguyễn Cảnh Bình

 

Đại biểu nhân dân