>> Công bố 3 phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để tham gia góp ý
Báo cáo tổng kết năm học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Năm học 2013 - 2014, công tác chỉ đạo của các cấp quản lý từ Bộ đến các Sở và Phòng GD&ĐT có sự thống nhất, các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành được duy trì với nề nếp và chất lượng tốt, đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường, chỉ đạo thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013 - 2014.
Hội nghị Tổng kết năm học 2013 - 2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp. (Ảnh: VA)
Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về chất trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và tư duy quản lý giáo dục.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm. Đến nay, cả nước đã có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình theo quy định.
Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23,4% (tăng 0,4%); trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 87,1% (tăng 0,6%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,3%.
Về đổi mới phương pháp và hình thức giáo dục/dạy học, năm học vừa qua, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo áp dụng chọn lọc các mô hình và phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến như: Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai ở 63/63 tỉnh/thành phố bước đầu đạt kết quả tốt với 1.447 trường, năm học này mở rộng áp dụng thêm ở 257 trường; Triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột” ở 350 trường tiểu học của 63 tỉnh/thành và 120 trường THCS của 12 tỉnh/thành phố. Mở rộng sử dụng giải pháp dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của Trung tâm Công nghệ giáo dục, đã triển khai thí điểm thành công ở 34 tỉnh với 2.392 trường.
Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc được thực hiện thường xuyên và có kết quả; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, theo Bộ GD&ĐT, năm học vừa qua, công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn hạn chế về giáo dục văn hóa và lịch sử dân tộc, đạo đức và lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; ở nhiều nơi việc mua sắm bổ sung thiết bị chưa quan tâm đến khả năng và hiệu quả sử dụng, gây tốn kém, lãng phí. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm; kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn ít, không đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương thiếu giáo viên so với định mức quy định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và mở rộng tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày.
Chưa tích cực khắc phục một số tiêu cực, yếu kém trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu góp trái qui định, dạy trước lớp 1 cho trẻ mẫu giáo, quá nhiều sổ sách chuyên môn gây khó cho giáo viên, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường...
Công tác quản lý giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học ở cấp tỉnh chưa thực hiện hiệu quả những công việc được phân cấp cho địa phương, năng lực đội ngũ còn khá nhiều hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong năm học vừa qua và đã đạt được những kết quả bước đầu trong tiến trình đổi mới giáo dục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả những đổi mới nếu khó khăn cho ngành Giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Bộ GD&ĐT phải đặt lợi ích của xã hội, lợi ích của học sinh lên trên hết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phó Thủ tướng nêu bất cập, nếu chỉ nhìn trước mắt vào kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hơn 99% thì rất dễ dàng kết luận không cần thi. Hoặc có nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp nên giao về cho các địa phương, tự các địa phương tổ chức thi, ra đề. Còn đại học giao cho các trường tổ chức thi. Thế nhưng đó chỉ là cách nhìn ngắn hạn. Phó Thủ tướng đặt vấn đề, nếu không tổ chức một kỳ thi quốc gia chung thì việc học phổ thông có bị sao nhãng không? Liệu có thể tin cậy vào học bạ của các thầy cô giáo đánh giá cả quá trình trên lớp? Liệu các tỉnh, các trường không vì thành tích mà tổ chức thi thực chất hay không? Nếu các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, đều trong sạch thì chắc không cần tổ chức thi tốt nghiệp THPT nữa.
Đề cập đến đổi mới thi cử trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi bàn đến chuyện bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp hay đại học đều cần phải tính toán, phân tích thật kỹ những mặt được, mặt mất, rồi đưa ra quyết định sau khi thuyết phục xã hội và tính toán kỹ càng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, về lâu dài, Kỳ thi quốc gia phải gắn với việc đổi mới chương trình, SGK trong tương lai. Nhưng hiện nay ngành Giáo dục còn “kẹt” khi hệ thống chưa chốt được chương trình, SGK cuối cùng nên phải bàn đổi mới thi trước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ điều đầu tiên toàn ngành Giáo dục đổi mới là phải làm trung thực, chất lượng mới có tác dụng. Tổ chức thi, trông thi, chấm thi nghiêm túc để kết quả thực sự đáng tin cậy. Đổi mới căn bản giáo dục không thể làm “giật cục”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở, Bộ GD&ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn. Nhưng dù là phương án nào thì cũng phải dựa vào nguyên tắc không được tách rời chương trình SGK, mục tiêu giáo dục, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được triển khai./.
TTXVN