Hắt hiu thư viện công cộng
Cả nước có 63 thư viện tỉnh, thành, nhưng không phải thư viện nào cũng có trụ sở độc lập. Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Phó vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ví dụ, Thư viện tỉnh Đắk Nông ở chung với Nhà văn hóa, nằm hiu hắt trên một quả đồi, nếu trời mưa đường đất trơn trượt rất khó đi. Thư viện thậm chí không có bảng tên để nhân dân biết... Đó là thư viện tỉnh, còn trong tổng số hơn 600 thư viện huyện chỉ 30 thư viện có trụ sở độc lập. Cán bộ thư viện cấp huyện phần lớn chỉ một người kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế...
Theo bà Nguyễn Thị Tú Anh - Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An, về mặt thể chế, hiện chúng ta có thư viện trung ương, thư viện tỉnh, huyện và xã, nhưng thực hiện có nhiều bất cập và chưa có chế tài xử lý. Các huyện đều được cấp kinh phí hằng năm, nhưng họ dành nhiều cho văn nghệ, thể thao, gần như không chi cho bổ sung sách và tuyên truyền về sách. Thư viện cấp xã thì đầu sách nghèo nàn, mở cửa thất thường, rất hiếm người đọc... Trong điều kiện như vậy, thư viện khó có thể đưa sách đến cộng đồng. Cũng dễ hiểu khi tỷ lệ sử dụng thư viện vô cùng khiêm tốn, cả nước chỉ 564.133 người đăng ký sử dụng dịch vụ thư viện công cộng, con số quá nhỏ so với hơn 90 triệu dân.
Ông Vũ Công Hội - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: thư viện là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở mà nhiều năm qua ngành văn hóa đầu tư công sức, tâm trí để xây dựng. Nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí, mô hình thư viện lạc hậu, để bụi phủ mờ trên những cuốn sách không còn phù hợp. Hoạt động thư viện cần điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu xã hội. Các thư viện cần được đầu tư trang thiết bị hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút và phục vụ tốt nhu cầu đọc của nhân dân.
Thiếu sách hay loạn sách?
Không nên đồng nhất phát triển văn hóa đọc với việc hoàn thiện hệ thống thư viện, quan trọng là cộng đồng cần có khát vọng hiểu biết, tìm đến nguồn tri thức từ sách hay không? Bà Trần Tố Loan - Quỹ Sáng tạo và Khát vọng Việt chia sẻ: “Nên nhìn vấn đề đọc ở bình diện rộng hơn. Văn hóa đọc liên quan tới chủ thể sáng tạo ra kiến thức (tác giả), người tiếp nhận (độc giả), trung gian là hệ thống thư viện, nhà xuất bản, phân phối. Từ mô hình tổng thể đó, đi tới giải quyết mối quan hệ lợi ích, rồi mới ban hành chính sách, chủ trương, luật hóa. “Vấn đề không phải ViệtNamđang thiếu sách, mà là loạn sách” - bà Trần Tố Loan nói.
Đồng tình với ý kiến trên, GS. Nguyễn Ngọc Phú, Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao lâu nay người ta ít đọc? Ấy là vì đọc chẳng có gì mới, không hấp dẫn, thì họ không đọc. Điều đó liên quan đến chất lượng sách. Để phát triển văn hóa đọc phải tôn vinh sách có giá trị, và các tư liệu, tài liệu dưới dạng ngôn ngữ viết; đồng thời, khuyến khích mọi người khai thác tư liệu, tài liệu sách vở ấy; trên cơ sở cộng đồng phải có nhu cầu đọc và biết cách đọc. Trong khi đó, PGS. TS. Hoàng Đức Liên - Giám đốc Thư viện của Học viện Nông nghiệp ViệtNamcho rằng: nên gắn văn hóa đọc với việc phục vụ kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước. Giải pháp thực hiện có thể tóm lược trong 4 câu hỏi: Đọc ở đâu? (nguồn tài liệu in, điện tử, cập nhật nguồn thông tin tư liệu ở quốc tế); Đọc cái gì? (trong phát triển văn hóa đọc, phải định hướng cho cộng đồng đọc sách có giá trị cao, những cuốn sách nâng cao dân trí - loại sách hiện ít được quan tâm); Đọc thế nào? (hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc); và Đọc để làm gì? (vận dụng kiến thức đã thu thập được đọc vào cuộc sống). Khi kết hợp văn hóa đọc gắn với học tập và giải quyết việc làm, thì phát triển văn hóa đọc mới có tính bền vững.
Sáng 28.7, tại Hà Nội, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Tại hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng đề án là “cơ hội vàng” để phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ban soạn thảo đề án cần đưa ra các giải pháp cụ thể, lộ trình thực hiện chi tiết, các chỉ tiêu của từng giai đoạn cần cân nhắc để có tính khả thi...
Dự kiến, đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030 sẽ được Chính phủ phê duyệt cuối năm nay
Người đạibiểu nhân dân