Năm qua có mấy điều đáng mừng cho những “nghệ nhân dân gian” là sắp tới sẽ có chế độ, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thứ đến là nhiều loại hình văn hóa dân gian đã được nghiên cứu sâu bởi lứa hội viên trẻ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN). Điều đó chứng tỏ việc gây dựng thế hệ kế cận gìn giữ văn hóa dân gian đã đi đúng hướng. Cuối cùng là sự lớn mạnh của Hội VNDGVN với hơn 1.300 hội viên cùng khoảng 3.000 cộng tác viên. Mạng lưới đó đã giúp nhiều nghi lễ của văn hóa đã được ghi chép, gìn giữ; nhiều loại hình diễn xướng, văn nghệ dân gian đã được truyền dạy; đẩy lùi nguy cơ mai một di sản văn hóa. Nhân mấy điều tâm đắc đó, tôi đã có cuộc trò chuyện với GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDGVN.
PV: Năm qua hoạt động của Hội VNDGVN có điều gì thú vị nhất, thưa giáo sư?
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Năm qua, Hội VNDGVN đã có nhiều thành tựu lớn. Về hội viên hiện giờ đã có hơn 1.300, ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sự lớn mạnh ấy đồng nghĩa với việc chúng ta có nhiều hơn những công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, chúng ta đã bảo tồn được nhiều hơn những giá trị văn hóa dân gian của cha ông để lại. Về các công trình nghiên cứu, năm 2015 có 70 công trình dự giải của Hội VNDGVN. Trong đó có 28 công trình về văn hóa các tộc người thiểu số như:Tà Ôi,Pa Cô, Si La, Khơ-me, Chứt… là nguồn tư liệu quý báu cho kho tàng tư liệu của Hội VNDGVN.
Tôi cảm thấy rất, rất thú vị với công trình đoạt giải nhất của năm nay “Đặc điểm thể loại của sử thi Chương ở ViệtNam” (Trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc) của tác giả trẻ Phạm Đặng Xuân Hương. Cô này mới vào Hội VNDGVN được một năm nhưng đã có công trình rất quý. Cô đã lên Tây Bắc, ở với dân, học tiếng Thái cổ để nghiên cứu. Hội VNDGVN và rộng ra là chúng ta cần những người tâm huyết với văn hóa dân tộc như thế.
PV: Giáo sư có thể nói vắn tắt nội dung của công trình này?
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Công trình này nghiên cứu về một sử thi tưởng như đã bị thất truyền. Bối cảnh của nó sinh ra ở thời kỳ xã hội dân tộc Thái đang nằm giữa thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Chương Han là một anh hùng đã tập hợp nô lệ đứng lên chống lại cường quyền. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Han bị giết nhưng ông đã đưa linh hồn của các nghĩa binh lên trời và tiếp tục đấu tranh với “nước trời”. Quan niệm của dân tộc Thái trên trời có 12 then, các then này phải cắt đất cho Chương Han cùng với nghĩa binh lập ra mường của riêng mình. Sử thi này nói lên mong ước của những người dân bị đàn áp muốn chiến thắng cường quyền bằng mọi giá, dù sống hay chết. Dưới thời phong kiến, sử thi này bị cấm, nhưng nhân dân bằng nhiều cách đã giữ được.
PV: Đây quả là một phát hiện thú vị. Rõ ràng sẽ còn những sử thi tương tự trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam được tìm ra. Xin giáo sư cho biết, vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ vốn quý của cha ông? Ý thức gìn giữ thế nào? Nhu cầu ra sao?
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Như tôi đã nói trong nhiều hội thảo, những di sản này thuộc về sở hữu của cộng đồng. Trong cộng đồng đó thường xuất hiện những con người quy tụ toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng đó trong một, hay một vài lĩnh vực văn hóa. Do đó, họ trở thành người đại diện cho cộng đồng về lĩnh vực đó. Họ lưu giữ, chưng cất, bổ sung, sáng tạo và truyền dạy vốn liếng của cộng đồng cho thế hệ mai sau. UNESCO gọi họ là “báu vật nhân gian sống”. Chúng ta gọi họ là nghệ nhân. Đến nay, Hội VNDGVN đã gìn giữ được 128 di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh hàng trăm nghệ nhân, giữ được hàng nghìn trang viết và tư liệu âm thanh, hình ảnh. Những nghệ nhân của chúng ta vẫn đang tiếp tục truyền dạy tại cộng đồng của họ và họ cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân của Nhà nước để có cơ chế hỗ trợ cho những nghệ nhân này là việc cần làm ngay.
PV: Định hướng trong năm 2016 của Hội VNDGVN là gì, thưa giáo sư?
GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Định hướng cho hội viên tiếp tục gìn giữ di sản ở 5 lĩnh vực: Phong tục tập quán, văn học dân gian, văn nghệ dân gian, nghi lễ và hoạt động tâm linh tín ngưỡng, tri thức dân gian. Việc định hướng này để tránh nghiên cứu trùng lặp, hoặc những việc đã có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!
QĐND