708
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 13/01/2015 08:44
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh
Theo THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGUYỄN VINH HIỂN, một trong các giải pháp cần phải triển khai thực hiện là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đối với các trường chuyên, mở rộng mối quan hệ hợp tác giao lưu quốc tế giữa các trường chuyên trong nước và các trường có chất lượng cao của các nước tiên tiến, trao đổi chuyên môn, hợp tác trong giáo dục và đào tạo.

- Thưa Thứ trưởng, ngày 24/6/2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 959/QĐ-CP phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai những giải pháp cụ thể gì để đạt được các mục tiêu đề án đã đề ra ?

 
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN: Trước hết, mục tiêu của Đề án trường THPT chuyên là: "Xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, được trang bị các thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; các trường chuyên là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục".


 
Thực hiện mục tiêu của Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, các đại học, trường đại học có trường chuyên rà soát, đánh giá thực trạng của các trường chuyên về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; xây dựng đề án phát triển trường chuyên của địa phương. Đến nay, hầu hết các trường chuyên trong toàn quốc đều có đề án phát triển nhà trường, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện; nhiều trường chuyên đã và đang được xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất. Đến cuối năm học 2013 - 2014, cả nước có khoảng 60% số trường chuyên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các trường chuyên chưa đạt chuẩn chủ yếu là các trường chuyên mới thành lập hoặc trường chuyên trực thuộc các học viện, trường đại học, về cơ bản các trường này đã bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, nhưng còn khó khăn về diện tích và mặt bằng xây dựng.


 
Đối với việc xây dựng các trường trọng điểm, bên cạnh các yêu cầu đối với trường chuẩn quốc gia, các nhà trường cần có chương trình giáo dục hiện đại, tiếp cận với chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới; đội ngũ giáo viên đạt mức độ cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học; có chất lượng giáo dục cao; có tác động tích cực đến việc phát triển hệ thống các trường THPT, nhất là trường chuyên cả nước. Hiện tại, một số trường chuyên của Việt Nam cơ bản đạt yêu cầu trên, có chất lượng giáo dục không kém các trường có uy tín trong khu vực, quốc tế. Điều đó được thể hiện không chỉ ở kết quả giáo dục toàn diện, mà học sinh các trường chuyên này còn đoạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế các môn văn hóa; các hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật quốc tế;... Nhiều học sinh trường chuyên đã nhận được học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới và sau khi tốt nghiệp đã trở thành các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


         
- Thưa Thứ trưởng, muốn bảo đảm được mục tiêu về chất lượng giảng dạy, bên cạnh việc tạo điều kiện cơ sở vật chất thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ giáo viên. Thực tế công tác chuẩn bị cho nguồn nhân lực này đã được tiến hành như thế nào?


 
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN: Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường chuyên. Để thực hiện được mục tiêu trên, bộ và các địa phương, cơ sở giáo dục chuyên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể :


Thứ nhất đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên; về công tác tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trường chuyên; quy định về tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học và các quy định khác về giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT.


 
Thứ hai, tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nhằm bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực làm việc.


 
Thứ ba, đã chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường chuyên, tạo điều kiện giúp họ trở thành những nhân tố tích cực, là tấm gương trong việc rèn luyện đạo đức, tự học, sáng tạo và tham gia mạng lưới hoạt động của đội ngũ này trên toàn quốc.


 
Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về kiến thức, kỹ năng quản lý; bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao năng lực phát triển chương trình, tài liệu môn chuyên, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục, năng lực tiếng Anh, tin học; Cử giáo viên bộ môn tiếng Anh đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài; tổ chức các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong, ngoài nước về giảng dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học để từng bước thực hiện dạy học các môn học này bằng tiếng Anh trong các trường trung học phổ thông chuyên.


 
Xây dựng các diễn đàn trên internet để giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập; tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục trong, ngoài nước.


 
Với các giải pháp tích cực nêu trên, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên. Đến nay, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp.


         
- Theo Thứ trưởng, khi bắt tay vào thực hiện đề án, đâu là những khó khăn cần phải vượt qua?


         
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN: Năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện đề án, hệ thống trường chuyên còn hạn chế, bất cập, nhận thức về vai trò và mục tiêu phát triển trường chuyên chưa thống nhất. Một số địa phương do chưa hiểu đúng về mục tiêu của trường chuyên nên không chú trọng đến phát triển đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất và chưa quan tâm đến giáo dục toàn diện. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cả về số lượng và trình độ, thiếu các kỹ năng nghiên cứu phát triển chương trình và tài liệu; kỹ năng dạy học, nhất là dạy học thực hành, dạy học trải nghiệm thực tế còn hạn chế.


 
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý chương trình giảng dạy, kế hoạch giáo dục chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy tính chủ động và khả năng sáng tạo của người dạy và người học; phương pháp dạy học chưa phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của học sinh; việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội còn rất hạn chế; chất lượng học tập các môn ngoại ngữ, tin học nhiều trường chuyên chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của hầu hết các trường chuyên chưa tương xứng với nhiệm vụ. Đa số các trường có khuôn viên chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, thiếu những phương tiện dạy học hiện đại, thiếu sân chơi, bãi tập, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh. Cơ chế, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh trường chuyên chưa đồng bộ. Thiếu các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự cố gắng, tận tâm, tận lực của giáo viên và học sinh.


 
Vì vậy, đề án được xây dựng nhằm phát huy những ưu điểm của hệ thống trường chuyên và giải quyết được các hạn chế trên. Đến nay sau 4 năm thực hiện các hạn chế trên đã từng bước được giải quyết.


         
- Để Đề án hoàn thành được mục tiêu đề ra, cần phải đẩy mạnh giải pháp nào thưa Thứ trưởng?


 
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN VINH HIỂN: Theo tôi, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu trong Đề án, cần quan tâm thực hiện các vấn đề sau:



Thứ nhất cần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2010 - 2015; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục quán triệt mục tiêu của trường chuyên, tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển các trường chuyên theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.



Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các trường chuyên theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Tạo điều kiện để các trường chuyên chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.



Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan, có tác dụng điều chỉnh kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy học.



Thứ tư, tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán; chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường.



Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đối với các trường chuyên, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực,… Mở rộng mối quan hệ hợp tác giao lưu quốc tế giữa các trường chuyên trong nước và các trường có chất lượng cao của các nước tiên tiến, trao đổi chuyên môn, hợp tác trong giáo dục và đào tạo.


 
- Xin cảm ơn Thứ trưởng !


Người đại biểu nhân dân