Nghị quyết số 88/2014/QH13 xác định: “Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”. Định hướng xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục khác trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng là để góp phần thực hiện yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở (THCS). Theo đó, nội dung giáo dục trong Dự thảo được thiết kế tương ứng theo hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm Tiểu học và THCS) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông - THPT). Giáo dục định hướng nghề nghiệp có nội dung dạy học mang tính phân hóa cao, chuyển hình thức dạy học phân hóa từ phân ban như hiện nay sang yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập có nội dung phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi học sinh, gắn với định hướng nghề nghiệp sau THPT.
Ở bậc THPT, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra 11 môn để học sinh chọn lựa (ngoài 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn 1, Ngoại ngữ 1 và Công dân với Tổ quốc), trong đó quy định: Người học khoa học tự nhiên (KHTN) thì không được chọn 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; người học khoa học xã hội (KHXH) thì không được chọn 2 môn Lịch sử, Địa lý. Nhiều chuyên gia phân tích, điều này có thể dẫn đến việc học sinh theo KHTN đương nhiên không chọn KHXH và Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2; Học sinh theo KHXH đương nhiên không chọn KHTN, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Toán 2. Xét cả hai trường hợp, học sinh chỉ còn lựa chọn học môn Tin học và Công nghệ.
Đã có ý kiến lo ngại Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”. PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nêu quan điểm: “Như vậy, dù có tự chọn nhưng cũng quay về 2 lựa chọn, hoặc là tự nhiên, hoặc là xã hội. Vậy thì có khác nào phân ban như trước? Định hướng nghề nghiệp ở đâu? Hướng tới tích hợp, tự chọn, định hướng nghề nghiệp là những điểm mới, cách làm hay nhưng cũng phải gắn với yếu tố then chốt là phân hóa được học sinh, phân luồng đào tạo. Tôi nghĩ, Dự thảo Chương trình Giáo dục tổng thể mới vẫn chưa thể hiện sự phân luồng cụ thể, rõ ràng, Giáo dục sẽ cứ lên theo cấu trúc hình trụ quen thuộc và không thể đáp ứng yêu cầu nhân lực”.
Phân luồng mạnh từ THCS
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay số lượng học sinh phổ thông tốt nghiệp hằng năm khoảng 900.000 em, trong đó Đại học, Cao đẳng thu hút hơn 50%. Mà với quy hoạch chiến lược hiện nay, chúng ta cần nhiều em vào học Trung cấp và học nghề, nhưng số lượng này chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Vậy bắt buộc Bộ GD - ĐT phải có giải pháp về cơ cấu nhân lực phù hợp hơn, trong đó có phân luồng học sinh từ bậc THCS”. Theo đó, kế hoạch giáo dục trong Dự thảo Chương trình Giáo dục tổng thể mới được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, Dự thảo chỉ đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau THPT, trong khi các trình độ sơ cấp và trung cấp ở bậc giáo dục nghề nghiệp, theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp lại là luồng khác, sau THCS. TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng Giáo dục Đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) nhận định: “Một luồng rất phổ biến là trung học nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo ra người học có trình độ tương đương THPT, nhưng lại có tay nghề để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, thì Dự thảo không đề cập”.
Góp ý Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất: Việc phân luồng không chờ đến cấp THPT mà phải được thực hiện ngay sau bậc THCS. Nghĩa là sau giai đoạn Giáo dục cơ bản, học sinh sẽ phân hóa thành 3 hướng là THPT, Trung học nghề và Trung cấp nghề. Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ gợi ý: “Sau khi kết thúc THCS, nên có một cuộc thi để kiểm tra năng lực của học sinh, kết hợp với nhu cầu nhân lực để định hướng số lượng tuyển sinh cho 3 loại trường đó. Khi mình định hướng, phân luồng rõ ràng như vậy thì sau đó mới đặt ra hệ thống môn học như thế nào dựa trên đặc thù của từng loại trường cũng như viết sách, đầu tư trang thiết bị cho phù hợp. Như vậy, việc phân luồng sẽ cụ thể và mềm dẻo hơn, bảo đảm học sinh khi lên đến bậc Đại học, Cao đẳng đã được sàng lọc, đáp ứng chất lượng đầu ra, còn người học nghề cũng vững chuyên môn, nghề nghiệp PGS. TS. TRẦN XUÂN NHĨ: Việc phân luồng từ bậc THCS cần làm ngay và phải làm mạnh. Hiện Việt Nam có khoảng 2.700 trường THPT, có thể sắp xếp 1.500 trường đào tạo THPT, dành 1.000 trường Trung học nghề, còn các cơ sở Trung cấp dạy nghề đã có sẵn, nghĩa là chúng ta không cần phải đầu tư mở thêm trường. Về mặt đội ngũ giáo viên ở các trường nghề, có thể liên kết với Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, các trường Trung cấp nghề, doanh nghiệp… để tạo điều kiện cho các em được thực hành, bảo đảm cung cấp 60% kiến thức phổ thông và 40% kiến thức làm nghề. Một lượng nhỏ học sinh sau tốt nghiệp THCS, các em đi thẳng hệ thống Trung cấp nghề thì duy trì đào tạo chuyên sâu trong khoảng 2 năm như hiện nay. Phân luồng như vậy nhưng người học hoàn toàn có thể liên thông nếu có nhu cầu học thêm.hơn”.
Đại biểu nhân dân