469
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 16/07/2015 08:43
NSND Đình Quang - một nhân cách văn hóa
GS.TS.NSND Đình Quang là một bậc thầy, đạo diễn lỗi lạc thuộc thế hệ đầu tiên của sân khấu cách mạng Việt Nam. Tuyển tập Đình Quang nghiên cứu về sân khấu, văn học nghệ thuật và văn hóa đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Đọc văn ông, và từ góc độ văn học, tôi nhận ra ông là một trong số không nhiều trí thức có nhân cách văn hóa mà tôi cảm phục.

Trong “cõi nhớ” của mọi người


Tôi không phải người của sân khấu, không có điều kiện theo dõi những tác phẩm kịch ông dàn dựng, nhưng lại có nhiều mối quan hệ xã hội với các bạn văn nghệ của ông, phu nhân của ông, bà Mỹ Hạnh - người chơi cello trong Dàn nhạc Giao hưởng cùng bộ phận đàn dây với tôi. Tôi chỉ thực sự hiểu biết rồi quý mến ông bà sau khi được đọc cuốn Tạp văn của ông qua hai lần ông xuất bản và tái bản. Tôi mải mê đọc văn ông Đình Quang, và từ góc độ văn học mà nhận ra ông là một trong số không nhiều trí thức có nhân cách văn hóa mà tôi cảm phục. Từ những suy nghĩ khi ông tiếp cận các di chỉ của một nhân vật thời cổ đại đến đối thoại của vợ chồng một nhà văn nước ta về vấn đề sống chết của kiếp người, ghi lại những ứng xử, cảm nghĩ văn hóa, tôi học được ở ông cái phần làm người, để làm nền cho đời làm nghệ thuật của ông. 

 

Đứng trước cảnh tượng lăng mộ Tần Thủy Hoàng với những quân binh, xa mã ngợp mắt bằng đất nung, chúng ta ai chẳng xáo động về khái niệm thời gian và không  gian, cá nhân và lịch sử… nhưng đọc những suy nghĩ của Đình Quang, ta như được định hình, định hướng lại những xáo động ấy: “Hình như tôi đang chạm phải nỗi ám ảnh dai dẳng của một con người trước sự sống và cái chết, chạm phải lòng tự giác rằng mình có thể vô biên về mặt không gian, nhưng lại hữu hạn về mặt thời gian. Tần Thủy Hoàng quả là có tầm cỡ lớn lao, và cũng từ đó, một sự tiếc nuối cũng lớn lao về cái tầm cỡ của mình. Chẳng thế mà chỉ nghĩ đến khi mình phải nằm xuống, không có người sống đi theo phủ phục thì y đã phải bắt cả ngàn tượng đất nung đứng chầu”… (Ghi bên khu mộ Tần Thủy Hoàng).

 

Từ sự nghiệp thống nhất Trung Hoa to lớn của vua Tần đến ý nghĩ thực tiễn đời thường về cái chết của một nhà văn Việt Nam như Nguyễn Tuân, bà vợ Nguyễn Tuân đã kể với Đình Quang: “Anh ấy có lần nói với tôi: “… Nếu tôi đi trước thì bà buồn nhưng không khổ, vì bà còn biết tự lo cơm cháo mà ăn. Còn nếu bà mà đi trước thì tôi không những buồn mà còn khổ nữa, vì tôi chẳng biết tự lo sống thế nào. Thôi thì có gì bà cho tôi đi trước nhé!...”, GS. Đình Quang kết thúc bài viết Nâng chén rượu xuân… nhớ nhà văn Nguyễn Tuân bằng nhận xét: “Vốn thích “xê dịch”, anh Tuân đã có một chuyến đi đẹp đẽ qua cuộc đời này. Vả trước lúc ra đi vĩnh viễn anh đã không phải buồn và cũng không chịu khổ”. Tôi nhớ lại câu trả lời người bạn đang hấp hối của ông ở tập trước: Liệu có kiếp sau không nhỉ? “Kiếp sau của chúng ta ở trong “cõi nhớ” của mọi người, và Thiên đàng sẽ đón ta vào lúc lâm chung, khi ta mỉm cười vì một đời đã không gây đau khổ cho ai!”. Câu trả lời của ông đã thành một danh ngôn, ít ra đối với tôi. Nó vừa ứng với người đang theo đuổi một sự nghiệp, vừa hợp với những con người có lối sống hướng thiện, đệ tử của nhiều tôn giáo. 

 

Kính phục thái độ ứng xử


Trong kháng chiến chống Pháp, đội ngũ văn nghệ sĩ tập hợp ở hai trung tâm: Việt Bắc và Liên khu 4. Ở Liên khu 4, thời điểm tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh, có hai đoàn nghệ thuật, trong đó Đình Quang mới 21 tuổi đã làm trưởng một đoàn vào phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. “Trước khi chia tay hai đoàn, anh Chu Ngọc còn tranh thủ đạo diễn cho tôi vai Đội Mịch. Tác phong tỉ mỉ, lý giải sâu sắc của anh trong dàn diễn đã như một bài học vận dụng thực tế của những gì anh đã giảng cho chúng tôi trước đó” (Chu Ngọc từng hoạt động sân khấu nổi tiếng trước Cách mạng). Sau đó mỗi người một địa bàn, chỉ gần 10 năm sau hai anh mới gặp lại nhau.

 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đình Quang được cử sang Bắc Kinh học tại Trung ương Hí kịch học viện. Cuối năm 1959, tốt nghiệp về nước, anh được Bộ cử ra phụ trách lớp huấn luyện (8 tháng) cho hàng trăm cán bộ sân khấu toàn miền Bắc. Sau đó ít lâu, anh được Bộ Văn hóa - Thông tin phân công đứng ra thành lập Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Việt Nam. Xây dựng khung cán bộ cho nhà trường, Đình Quang đứng trước vấn đề nan giải: bạn học cùng anh ở nước ngoài theo phương pháp mới thì chưa tốt nghiệp về nước, anh phải nhờ cậy các nghệ sĩ lớn tuổi, đàn anh của mình trước đây, tuy các anh không học trường lớp chính quy, nhưng kinh nghiệm phong phú trên sàn diễn của các anh vẫn sử dụng được khi bổ sung kiến thức mới. Anh xin Bộ mấy người, trong đó có anh Chu Ngọc, lúc này đang phải lao động ở Kiến An. Quan hệ của 2 anh trở thành điển hình cho mối quan hệ lớp nghệ sĩ già giàu kinh nghiệm trên sàn diễn với những nghệ sĩ trẻ được tu nghiệp ở nước ngoài về.

 

Buổi đầu gặp lại nhau, Đình Quang đưa anh Chu Ngọc xem toàn bộ tư liệu về chương trình đào tạo, kế hoạch học tập anh đã soạn trước. Sau vài ngày, Đình Quang mới dám hỏi xem anh định tham gia môn nào, Chu Ngọc rất khách quan và nhũn nhặn nói: “Phương pháp Stanislawski rất mới với mình. Mình là một đạo diễn tự phát và tài tử. Nhưng nhà trường là một lò đào tạo chính quy… Tốt nhất hãy để cho mình tìm hiểu một thời gian”. Và trong khi chờ đợi, anh nhận phụ trách phòng giáo vụ để Đình Quang có thời gian tập trung giảng dạy nhiều hơn. Anh Chu Ngọc đã mời được cho trường đội ngũ giảng viên triết, mỹ, âm nhạc, hội họa chất lượng nhất lúc bấy giờ. Và những buổi Đình Quang lên lớp giảng về B.Brecht, về Stanislawski ở trường nhà hay trường bạn mời, Chu Ngọc đều tự nguyện đến nghe chăm chú. Cả hai đều cư xử dè dặt với nhau trong mối quan hệ mới.               

 

Chỉ đến khi có cuộc họp mặt của lớp già (trong đó có GS. Nguyễn Lương Ngọc, anh trai của Đình Quang, bạn thân của Chu Ngọc) và Đình Quang cũng “được” tham dự như ngày xưa, anh mới rũ bỏ được sự băn khoăn về quan hệ hai người. “Những lúc này tôi có cảm giác anh Chu Ngọc đối với tôi trong một mối quan hệ khác hẳn (lúc ở cơ quan). Ở trường, chúng tôi là những người cộng tác, tôi lại là thủ trưởng, tuy thân thiết nhưng vẫn có một cự ly nhất định. Còn ở đây, anh rõ là một người anh, anh xưng anh và gọi tôi là chú. Anh đã đối xử với tôi theo hai tư cách: tư cách của một người cộng sự và tư cách một người anh lớn. Anh có tuổi nhưng lại rất mới, có thể nói là hiện đại trong cách xử sự như thế!”. 

 

Đình Quang kính phục thái độ ứng xử của ông Chu Ngọc, nhưng tôi lại thấy đó là kết quả ứng xử của cả hai bên. Nếu ngay từ buổi đầu, Đình Quang cậy mình như một thủ trưởng, phân công ngay một chức trách cụ thể gì đó cho Chu Ngọc thì đâu có được thái độ tự nguyện hợp tác như trên. Chu Ngọc được tôn trọng như một người cộng sự ngang tầm, được biết toàn bộ kế hoạch xây dựng trường và tự chọn khâu nào thích hợp nhất với ông.

 

Ở đầu bài viết, tôi đã dùng chữ nhân cách văn hóa để nói về một số người tôi quý trọng. Bởi nhiều người có nhân cách nhưng chưa đủ tầm để gọi như vậy! Nhưng một “nhà văn hóa” thì lại không thể... thiếu nhân cách!

 

Người đại biểu nhân dân