PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật về văn hóa của Thủ đô trong 60 năm qua?
Ông Tô Văn Động: 60 năm qua, song hành cùng sự phát triển của Thủ đô, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có những bước phát triển rõ rệt. Các hoạt động văn hóa đã làm nổi bật tinh hoa của Hà Nội. Trước hết, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng con người và hiện nay bộ quy tắc khung về ứng xử của người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được xây dựng. Hy vọng rằng, với bộ quy tắc khung này, những thói hư, tật xấu, những hành vi không đẹp của thế hệ trẻ hiện nay sẽ dần được hạn chế.
Thứ hai là việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh cũng được Hà Nội quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội là một trong những thành phố có chỉ tiêu về gia đình văn hóa, về tổ dân phố văn hóa, về làng văn hóa chiếm tỷ lệ cao trong cả nước.
Bên cạnh đó, Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng di tích rất lớn. Được sự quan tâm của Thành phố, cơ bản các di tích đã được bảo tồn và phát huy tốt giá trị. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như vấn đề lập lại trật tự quảng cáo cũng được thành phố Hà Nội quan tâm. Năm 2014 được Hà Nội chọn là năm văn minh trật tự đô thị, vì vậy, lĩnh vực quảng cáo đang được triển khai và sắp xếp lại sao cho đảm bảo quyền lợi, hài hòa giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và môi trường cảnh quan của Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội là một trong những thành phố rất quyết tâm xử lý những trường hợp sai phạm về dịch vụ văn hóa. Hiện nay về cơ bản những dịch vụ văn hóa của Hà Nội được diễn ra theo đúng tinh thần và định hướng của thành phố.
PV: Hà Nội đang diễn ra hàng loạt các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông có thể cho biết điểm nhấn của các hoạt động này?
Ông Tô Văn Động: Trong số hơn 20 sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiếm tới 10 sự kiện. Sự kiện quan trọng nhất diễn ra ngày 10/10 là Lễ mít tinh cấp quốc gia kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Tại lễ kỷ niệm, TP Hà Nội sẽ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đồng thời tôn vinh 1000 người tốt việc tốt và 10 công dân ưu tú của Thủ đô.
Bên cạnh đó, điểm nhấn của chuỗi sự kiện là chương trình nghệ thuật vào tối 10/10. Đây là một cầu truyền hình trực tiếp gồm 4 điểm cầu. Điểm cầu thứ nhất là tại trường quay của Đài Truyền hình ViệtNam, với sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử ghi lại truyền thống 60 năm của Hà Nội. Điểm cầu thứ hai tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, với sự tham dự của các ca sĩ nổi tiếng trong cả nước. Điểm cầu thứ ba tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ với chương trình nghệ thuật “Hà Nội ngày về”, diễn tả là quá trình lịch sử từ năm 1954 khi Hà Nội giải phóng cho đến Hà Nội năm 2014, với sự tham gia của tất cả các nghệ sĩ, ca sĩ của các đơn vị nghệ thuật thành phố Hà Nội. Điểm cầu thứ tư là tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, với chương trình “Hương sắc Hà Nội”. Chương trình giúp người dân Thủ đô hiểu rõ được truyền thống làng nghề của Thủ đô. Đây là năm đầu tiên chương trình này được tổ chức, nếu thành công sẽ đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động này thành một sự kiện văn hóa thường niên của Hà Nội.
Trước khi diễn ra cầu truyền hình, chúng tôi sẽ thử nghiệm chương trình lễ hội đường phố xung quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, với sự tham gia của gần 800 nghệ sĩ, diễn viên của Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác đã và sắp được tổ chức trong dịp này như: Liên hoan Âm nhạc quốc tế “Gió mùa”; Liên hoan Múa rồng lần thứ 4; Giải chạy Báo Hà Nội mới; Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng, Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2014; Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống năm 2014...
Đặc biệt, vào lúc 21h tối 10/10, đồng loạt 30 quận, huyện sẽ bắn pháo hoa để chào mừng 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
PV: Song song với các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, dịp này, Hà Nội cũng kỷ niệm 15 năm được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình. Vậy ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô sẽ có những hoạt động gì để hưởng ứng?
Ông Tô Văn Động: Chúng tôi sẽ tổ chức một lễ hội kêu gọi đông đảo quần chúng nhân dân dân tham gia, nhằm tôn vinh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 8-10 sự kiện. Mở đầu là chương trình khai mạc, tôn vinh những công dân danh dự có nhiều đóng góp cho thủ đô. Sau lễ khai mạc là sự kiện đi bộ vì hòa bình với sự tham dự của 3500 người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, còn có 400 công dân của ViệtNam và quốc tế đi xe đạp vì hòa bình. Trong buổi lễ, sẽ có các hoạt động thả chim bồ câu, thi vẽ tranh vì hòa bình, tổ chức vũ điệu quốc tế vì hòa bình, các gian trưng bày văn hóa của 10 nước ASEAN với Hà Nội do các Đại sứ quán của các nước ASEAN tham gia... Hy vọng rằng, với chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình.
PV: Xin cảm ơn ông!
(ĐCSVN)