Hơn 1.000 tác phẩm dự xét giải thưởng thuộc các thể loại: Âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa và văn học là những gam màu phong phú, những cung bậc cảm xúc đa dạng, nhưng có điểm chung là đều làm nổi bật chủ đề “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”. Bao trùm các tác phẩm đều ít nhiều có “hương vị” mặn mòi của biển, đảo, mang hơi thở ấm nồng của đời sống, sinh hoạt, tâm tư, tình cảm người chiến sĩ Hải quân. Đây là giá trị của nghệ thuật chân chính, trực tiếp cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân xây dựng ý chí, niềm tin yêu với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong những thể loại văn học nghệ thuật (VHNT) gửi xét giải lần này, 3 thể loại: Âm nhạc, Văn học và Mỹ thuật chiếm ưu thế chủ đạo. Đây cũng là các thể loại có sức cuốn hút mạnh mẽ, được mọi giới, mọi lứa tuổi hưởng ứng nhiệt tình và đạt số lượng, chất lượng tương đối tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Sau khi xem xét, thẩm tra kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Bộ tư lệnh Hải quân đã quyết định trao thưởng 6 giải A, 7 giải B, 16 giải C và 19 giải khuyến khích cho 48 tác phẩm và bộ tác phẩm tiêu biểu về đề tài Hải quân giai đoạn 2011-2015. Các tác phẩm đạt giải cao là: Ca khúc “Tổ quốc trong tim” của Trần Quốc Đạt; ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” của Quỳnh Hợp-Nguyễn Việt Chiến; ca khúc “Đá Trường Sa” của Xuân Bình; bộ ảnh “Hải quân hiện đại” của Trọng Thiết; tác phẩm ảnh “Biển gọi” của Ngô Minh Nhật; tập sách ảnh “Trường Sa trong trái tim tôi” của Diệp Đức Minh; tranh sơn dầu “Cánh chim biển” của Lê Thế Anh; tác phẩm điêu khắc “Hoàng Sa-chủ quyền Việt Nam” của Tạ Quang Bạo; tác phẩm múa “Đạp bằng sóng gió” của Bích Lan, Công Hải, Phan Cường; tác phẩm múa “Rẽ sóng” của Bùi Phi Trường, Nguyễn Bình; ký văn học “Huyền thoại tàu không số” của Đình Kính; tập ký và truyện ngắn “Trường Sa kỹ vĩ và gian lao” và “Huyền thoại những câu chuyện lạ” của Sương Nguyệt Minh... Các tác phẩm này đã phát hiện, tiếp cận và khai thác hiệu quả những vấn đề mới, mang đến cho người đọc những cảm xúc, sự suy ngẫm về tính lịch sử, mang đậm tính nhân văn và thể hiện tình yêu, sự sẻ chia với những người giữ biển, đảo một cách nhẹ nhàng, sâu sắc.
Ngoài ra, Bộ tư lệnh Hải quân đã trao bằng khen tặng 10 tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong vận động sáng tác, tuyên truyền và quảng bá các tác phẩm VHNT về đề tài Hải quân, tiêu biểu có: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Đây là những đơn vị góp phần xây những nhịp cầu nối đất liền với đảo xa, đưa người chiến sĩ Hải quân đến gần hơn với nhân dân, để nhân dân thêm hiểu, tin yêu và càng trân trọng biển, đảo Tổ quốc.
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: Các tác phẩm đoạt giải thưởng lần này chỉ là thành công bước đầu, bởi tác phẩm có giá trị cần phải được trải nghiệm, được công chúng đón nhận và có sức sống vượt không gian, thời gian. Giá trị vật chất của giải thưởng tuy không lớn, nhưng Bộ tư lệnh Hải quân đánh giá rất cao tình cảm, trách nhiệm của văn nghệ sĩ đã dành cho Bộ đội Hải quân và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà văn Đình Kính, người đoạt giải A ở thể loại Văn học cho biết: "Quân chủng Hải quân tổng kết trao giải thưởng VHNT lần này đã cho thấy, nguồn lực và tiềm năng sáng tạo VHNT rất đa dạng, phong phú và chỉ được phát huy đầy đủ khi biết khơi nguồn sáng tạo thông qua việc liên kết chặt chẽ với các hội VHNT Trung ương và địa phương, đặc biệt là các văn nghệ sĩ có tên tuổi. Sau cuộc thi này, chúng tôi đề nghị Quân chủng Hải quân cần mở trại sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi đưa các văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, hỗ trợ kinh phí trước khi sáng tác và sau khi có tác phẩm tốt, để tác phẩm có cơ hội lan tỏa trong đời sống nhân dân".
Biển, đảo mênh mông như tâm hồn rộng mở của những người lính biển, của những con người đang ngày đêm neo mình trên sóng cả để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là tất cả những gì đẹp nhất tạo cảm hứng để các văn nghệ sĩ đưa những "dòng sông thi ca" tìm về biển lớn.
QĐND