Thiết bị gian lận ngày càng tinh vi
Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP Hà Nội đấu tranh triệt phá một số cơ sở kinh doanh thiết bị gian lận kỳ thi. Theo Đại úy Hà Quang Huy, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, số lượng các thiết bị công nghệ cao được sử dụng để gian lận thi cử ngày càng đa dạng và tinh vi, đặc biệt từ các thiết bị ghi hình, thu phát sóng, được các thí sinh triệt để sử dụng. Phổ biến là những thiết bị như tai nghe giả hạt đậu, kích thước siêu nhỏ giúp các thí sinh gắn vào sâu trong tai, sát màng nhĩ. Các thiết bị này có chức năng nghe - phát âm thanh rất rõ. Cùng với đó, trong một thiết bị thu phát sóng là bộ thu phát có gắn sim điện thoại, có chức năng thu âm, ghi hình, phát sóng, thu phát toàn bộ dữ liệu bằng hình ảnh trong quá trình thi.
Theo Công an TP Hà Nội, trên thị trường hiện nay, các đối tượng đang giao dịch hai dạng thiết bị phổ biến, đó là các thiết bị thu phát có dây, gồm có 2 bộ phận cơ bản là gắn thẻ sim, có chức năng thu âm, phát sóng, tai nghe hạt đậu siêu nhỏ. Các thiết bị này có nhược điểm là dây dợ loằng ngoằng, do đó, cần phải ngụy trang vòng qua cổ áo, lớp áo dày, tóc che tai… Tuy nhiên, hiện nay đã có sự cải biến và càng ngày càng nhỏ và gọn hơn, các thiết bị được thiết kế để sâu trong tai, âm thanh phát ra cũng rất nhỏ nên cán bộ coi thi rất khó phát hiện.
Năm nay, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một loạt các thiết bị thu phát không dây và thu phát rất tinh vi. Chẳng hạn như, thiết bị được ngụy trang dưới dạng cúc áo, dù bé nhưng thu phát âm thanh rất rõ ràng. Hoặc là các thiết bị gian lận thi được ngụy trang dưới dạng các thẻ ATM, thẻ ATM này cũng có gắn sim và gắn kèm thiết bị âm thanh hạt đậu trong màng nhĩ. Điều đặc biệt là các thiết bị gian lận như thẻ ATM này có thể để trong túi quần, hay để ngay trên mặt bàn nhưng độ thu phát sóng cực nhạy.
Cùng với đó là các thiết bị thu phát sóng, camera dạng bút, hoặc dạng USB có chức năng thẻ sim, để ghi âm ghi hình, nhận lời giải từ bên ngoài phát vào và rất khó phát hiện. Hay như là các loại chìa khóa xe máy, xe ô tô, gắn tại các gọng kính cận, đồng hồ đeo tay có chức năng thu phát, hay gắn trong các máy tính được phép mang vào phòng thi bị cải biên và lắp thiết bị phát sóng vào. Các thiết bị này có mức giá từ 1 - 5 triệu.
Giám thị “để ý” là có thể phát hiện
Theo Đại úy Hà Quang Huy, thiết bị dù có hiện đại đến đâu vẫn cần đến sự điều hành của con người, do bàn tay con người tạo nên. Do đó, nếu cán bộ coi thi để ý thì hoàn toàn có thể phát hiện ra.
Theo kinh nghiệm nhiều năm, Đại úy Hà Quang Huy đưa ra một số chỉ dẫn như: Trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền cho các thí sinh về quy định như một lời cảnh báo, răn đe các thí sinh có ý định gian lận. Đại úy Hà Quang Huy khẳng định, biện pháp tuyên truyền có tác động lớn trong công tác phòng ngừa các thí sinh vi phạm.
Cùng với đó, để phát hiện gian lận thi cử, cán bộ coi thi có thể để ý những biểu hiện của thí sinh như: Sau khi thấy thí sinh cầm đề thi lên và đọc nhẩm nhẩm đề thi thì có khả năng là chuyển nội dung đề ra ngoài thông qua thiết bị thu - phát sóng. Nếu tiếp tục quan sát và thấy thí sinh này không tập trung làm bài, có biểu hiện lén lút, thường xuyên để ý cán bộ coi thi đang làm gì hoặc trong thời tiết nóng nhưng thí sinh vẫn để tóc dài, mặc quần áo nhiều lớp là bất thường.
Đại úy Hà Quang Huy cũng lưu ý, thiết bị gian lận thường để ở khu vực tai, khi có dị vật ở tai thường có biểu hiện ngứa ngáy, chỉnh tóc, chỉnh tay. Theo đó, khi phát hiện thí sinh gian lận thì giám thị cần báo cáo lập tức trưởng điểm; trưởng điểm thông báo ngay đến lực lượng công an nhằm xử lý kịp thời, tránh việc để lâu lộ đề thi ra ngoài. “Nếu chúng ta không chủ động nhận diện chính xác các thiết bị này và có thái độ kiên quyết trong kỳ thi thì rất khó phát hiện. Đặc biệt, các thiết bị có khả năng ghi hình, chụp ảnh, thì việc lan truyền nhanh chóng các đề thi này trên internet và mạng xã hội sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn” - Đại úy Hà Quang Huy nhấn mạnh.
daibieunhandan.vn