Giữ vốn quý mà không biết
Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản. Tuy nhiên, đôi khi chủ thể cũng không biết mình nắm giữ di sản, dẫn đến nguy cơ mai một của những loại hình này. Tham gia Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho biết, khi hỏi trưởng thôn, cán bộ văn hóa của xã, ban quản lý di tích ở thôn, bà con nhân dân hiểu di sản văn hóa phi vật thể là gì, họ kể về những hoành phi câu đối ở trong đình, trong chùa, tượng thờ thần thành hoàng... Thông qua trao đổi như vậy, thấy rất rõ ràng, họ nhận thức về văn hóa phi vật thể chưa đầy đủ và không chính xác.
Trong quá trình kiểm kê, các chuyên gia chú ý tới tiếng lóng - loại hình Ngữ văn dân gian - sinh ra và phát triển trong môi trường nghề nghiệp của thợ đóng cối làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Sự xuất hiện của những chiếc máy xay sát gạo đã khiến nghề mai một, khiến tiếng lóng không còn được sử dụng. Theo ông Nguyễn Xuân Mai, làng Đa Chất, việc sử dụng tiếng lóng không được khuyến khích với giới trẻ vì người ta nghĩ rằng họ nói những từ ngữ không tốt đẹp. Có gia đình quan tâm truyền cho con cháu để biết, nhưng có gia đình cho là không quan trọng thì không sử dụng, không dạy cho con cái... Chỉ khi có chuyên gia nghiên cứu và truyền thông đưa tin, người dân Đa Chất mới ý thức hơn về “đặc sản” văn hóa của làng mình. Việc hiểu về giá trị văn hóa của tiếng lóng sẽ giúp dân làng sử dụng tiếng lóng một cách ý thức, tích cực tìm tòi, học hỏi và phổ biến giá trị văn hóa đó cho thế hệ sau.
Gồng mình bảo vệ di sản sống
Cùng thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian được nhận diện tốt hơn, tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này không hề dễ dàng. Tình trạng chung là không có lớp kế cận do giới trẻ không mặn mà, hoặc có người học nhưng không đủ người truyền dạy, khiến di sản bị mai một.
Bà Nguyễn Thị Ngoan, chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội cho biết, sau 60 năm chìm lấp trong chiến tranh và sự hối hả của mưu sinh, năm 2007 di sản ca trù tại Chanh Thôn được bất ngờ phát hiện với những nghệ nhân đã lớn tuổi, nhưng vẫn lưu giữ ca trù gốc, vốn cổ, lời xưa của các giai nhân tài tử thời đầu thế kỷ XIX. Từ đó, việc truyền dạy, biểu diễn mới bắt đầu. Tuy nhiên, đến nay sau 7 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chưa có chính sách đầu tư, khôi phục và tạo điều kiện trình diễn di sản này. “Chúng tôi gồng mình vận động thanh thiếu niên đến học miễn phí, vận động gia đình các cháu ủng hộ, nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy, nhằm giữ gìn và bảo tồn ca trù, bởi nếu để một lần nữa mai một thì rất phí. Tuy nhiên, do eo hẹp cả về kinh phí và thời gian, người học cũng chỉ chờ ngày đi thi, còn tổ chức hoạt động thường xuyên thì không có người xem, không có tài trợ, đã khó lại càng khó. Nghệ nhân đều đã cao tuổi, thậm chí kép đàn và trống chầu không còn người truyền dạy”.
“Với ca trù, nghệ nhân đích thực truyền dạy cái cơ bản, còn phải nắn từng câu từng chữ thì mới giữ được tinh túy của nó” - NSƯT Nguyễn Văn Khuê băn khoăn trước hàng chục câu lạc bộ ca trù xuất hiện thời gian qua, biểu diễn tam sao thất bản, nhiều người hát không còn dáng vẻ của bộ môn nghệ thuật bác học... Ông ví, di sản vật thể như ngôi đình hiện nay đã tu sửa làm mới, đổi thay từng ngày, nhưng di sản phi vật thể trừu tượng vô cùng, sự biến chuyển của nó còn phức tạp hơn nhiều.
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không thể tách rời bảo vệ con người, tức là các nghệ nhân - chủ thể sáng tạo. Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị si sản văn hóa: Việc phát hiện ra chủ thể nắm giữ di sản đã được thực hiện, nhưng về lâu dài, phải có cơ quan quản lý nhà nước, với các dữ liệu cụ thể, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đầu tư cho việc truyền dạy, tạo cơ hội trình diễn. Bởi di sản phi vật thể chỉ có thể sống khi chúng còn phù hợp với nền văn hóa đó, được thực hành thường xuyên và được truyền dạy giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đưa ra như truyền thống truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động xã hội, lễ hội, tri thức và tập quán liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ hoặc tri thức và kỹ năng để sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống; có những hình thức khá mới mẻ đối với nhận thức của cán bộ văn hóa cơ sở. Do đó, có nhiều loại hình đang bị mai một rất nhanh, do chính nhận thức của chủ thể giữ di sản cũng như nhà quản lý văn hóa.
Đại biểu nhân dân