Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng Chính phủ lúc đó phải đương đầu với rất nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế - xã hội, thù trong giặc ngoài... Ngay trong phiên họp đầu tiên, ngày 3.9.1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó, sau nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói thì nhiệm vụ quan trọng thứ hai là phải làm cho người dân biết đọc biết viết. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khi xưa Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta. Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?
Rõ ràng, một Nhà nước mới do nhân dân làm chủ nhưng gần như tuyệt đại đa số nhân dân lại không biết đọc, biết viết thì làm sao có năng lực, hiểu biết, nhận thức tối thiểu về quyền lợi của mình, làm sao có đủ kiến thức rất cần thiết để xây dựng cuộc sống hằng ngày chứ chưa nói đến tri thức để xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước, nhất là trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” lúc bấy giờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra ngay điều này, Người cho rằng Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu và coi dốt cũng là một loại giặc. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ quyết định phát động ngay phong trào diệt giặc dốt và kêu gọi toàn dân phải quyết tâm tiêu diệt. Tôi cho rằng đặt vấn đề như thế rất đúng, kịp thời và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở thời điểm đó.
Mọi người tự do và bình đẳng tiếp thu kiến thức
Thực hiện chủ trương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để. Bên cạnh việc khuyến khích, vận động thì cũng sử dụng hình thức cưỡng bách ở bậc sơ cấp. Sau khi đưa ra lời hiệu triệu toàn dân đi học vào ngày 3.9 thì 5 ngày sau, tức 8.9, Chính phủ đã ban hành 3 Sắc lệnh: 17, 19 và 20 liên quan đến vấn đề giáo dục quốc dân, trong đó Sắc lệnh 17 ghi rõ:Đặt bình dân học vụ trên toàn cõi Việt Nam, tức là lập một cơ quan bình dân học vụ trên toàn đất nước, còn Sắc lệnh 20 ghi: Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ, Bác đã khởi xướng một nền giáo dục rất nhân văn với hành động cụ thể và tác động vào tâm lý người dân. Trước kia đi học phải mất tiền, còn bây giờ không mất tiền nhưng bắt buộc.
Hưởng ứng phong trào diệt giặc dốt của Bác, bất cứ đâu cũng có thể tổ chức lớp học: công nhân học trong nhà máy, xưởng thợ, ngư dân học trên thuyền, ở bến sông, bến đò, nông dân học ở đồng ruộng, sân đình, ngôi chùa, ban ngày đi làm, ban đêm mỗi người cầm đèn đi học... Thậm chí, nhiều địa phương còn yêu cầu dân ai muốn vào chợ ít nhất phải đánh vần được bảng chữ cái... Như vậy, ở Trung ương thì có Nha bình dân học vụ còn ở địa phương có các tổ chức bình dân học vụ với cách thức học tuy rất đơn sơ nhưng lại hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc học tập cũng phải toàn dân. Mọi người đều tự do và bình đẳng tiếp thu kiến thức và cần đồng lòng để tiêu diệt nạn mù chữ; để bên cạnh lòng yêu nước thì sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta hiểu được bổn phận và trách nhiệm của mình để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Cần có đường hướng giáo dục cụ thể với mục tiêu lớn hơn
Khi phát động phong trào diệt giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ đã đề ra mục tiêu là sau 1 năm toàn thể nhân dân Việt Nam đều biết đọc, viết chữ quốc ngữ và thực tế đã đạt được thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn mà mục tiêu đó chưa thực hiện được và hiện nay, ở nhiều vùng nước ta, đặc biệt là vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều người không biết đọc, biết viết. Nhưng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, sau 70 năm, chúng ta đã thực hiện tốt phổ cập giáo dục từ bậc Tiểu học lên đến THCS. ViệtNamđược quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia phổ cập giáo dục nhanh và hiệu quả. Chúng ta cũng có rất nhiều người tài giỏi có thể sánh với các bậc tri thức nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc diệt giặc dốt cần hiểu theo nghĩa rộng hơn. Cách đây 70 năm thì nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ đưa ra là làm sao cho dân ta biết đọc biết viết, còn hiện nay ngành giáo dục cần đặt ra một đường hướng giáo dục cụ thể với mục tiêu lớn hơn nhằm đào tạo những con người toàn diện về cả tri thức và nhân cách, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đào tạo ra người “vừa hồng vừa chuyên”.
Trong lời hiệu triệu toàn dân xóa nạn mù chữ, Chủ tịch Hồì Chí Minh nói: Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.
Người đại biểu nhân dân