442
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/12/2014 14:58
Nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào Khmer
Trong tất cả các lễ hội của đồng bào Khmer An Giang đều không thể thiếu nhạc ngũ âm. Hầu hết các chùa ở An Giang đều có dàn nhạc Ngũ âm. Chính vì vậy, dàn nhạc Ngũ âm có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer.
Biểu diễn nhạc ngũ âm trong lễ hội truyền thống dân tộc Khmer Nam Bộ.

Nhạc truyền thống của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long có chín loại dàn nhạc gồm: Dàn nhạc Khmer, Mô-hô-ri, Pinn Peat tức nhạc ngũ âm, lễ cưới A-Răk, Khlon Khech, La-khô-ne Bas-săk tức Dù kê, Sko Thum tức Trống lớn và Ro-băm. Âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer phong phú, đa dạng. Từ khi sinh ra đã có hát ru, lớn lên trai gái có hát đối đáp giao duyên, khi thành gia lập thất có nhạc lễ cưới và khi mất đi có nhạc tang lễ...

 

Dàn nhạc Trống lớn ở An Giang có những nét đặc sắc, khá riêng biệt so với đồng bào Khmer ở vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu... Theo hai nghệ nhân Chau Khon và Chau Tem ở ấp Tà On, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang), đối với gia đình có kinh tế thấp, khi có đám tang, thì dàn nhạc Trống lớn sẽ đến phục vụ miễn phí. Riêng với gia đình khá giả thì dàn nhạc ngũ âm với đầy đủ bộ sẽ đảm đương toàn bộ nghi thức lễ tang cổ truyền cho gia chủ. Chính yếu tố đó cho thấy, dàn nhạc Trống lớn chính là biến thể thu nhỏ của dàn ngũ âm.

 

Dàn nhạc La-khô-ne Bas-săk tức Dù kê còn có tên gọi khác là Pinn Peat, còn cách gọi ngũ âm đặt theo chất liệu tạo nên các nhạc khí tham gia trong dàn nhạc gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Về số lượng tùy dàn nhạc, sẽ từ bảy đến chín nhạc khí nhưng bảo đảm có đủ năm âm phát ra từ các nguồn âm trên.

 

Theo truyền thống của đồng bào Khmer, trong tất cả các lễ lớn ở chùa và ngày Tết như Sel Done-ta, Chnam Thmây, Óc Om Bok... hay Lễ Dâng y lễ Dâng bông... cũng đều có mặt dàn nhạc ngũ âm hòa quyện âm sắc truyền thống. Hiện nay, nhạc ngũ âm trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer.

 

ND