Tiếp nhận văn học nước ngoài là một nét truyền thống trong lịch sử hình thành và phát triển văn học ViệtNam. Tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, sự tiếp nhận mang đặc điểm khác nhau. Song có lẽ quá trình tiếp nhận văn học Nga từ thời kỳ Xô Viết là hiện tượng tiêu biểu trong nền văn học ViệtNam. Để ghi dấu quá trình sôi nổi này cũng như hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, 65 năm thành lập Hội hữu nghị Việt - Xô (nay là Hội hữu nghị Việt - Nga), Nhà lưu niệm Văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam đã ra đời. Đây là thành quả tích lũy lao động, học hỏi một đời của dịch giả Hoàng Thúy Toàn - một trong 100 người xuất sắc đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi học lớp tiếng Nga tại Moscow những năm 1954 - 1961.
Nhà lưu niệm được chia thành hai gian, trưng bày các hiện vật từ sách, báo, tranh, ảnh, ấn phẩm các loại và kỷ vật liên quan theo hai chủ đề lớn là Những trang tình nghĩa và Văn học Nga ở Việt Nam. Với chủ đề Những trang tình nghĩa, gian 1 được chia thành 3 phần: Bác Hồ với nước Nga; Nước Nga trong văn học Việt Nam; Việt Nam trong tác phẩm của các tác giả Xô Viết và sau này là Liên bang Nga. Điểm nhấn của gian trưng bày này là bộ sưu tập khá đầy đủ các sáng tác thơ ca cũng như nhiều công trình khoa học về đất nước, con người Việt Nam của các tác giả Xô Viết và sau này là Liên bang Nga. Từ những tập sách mỏng giới thiệu Việt Nam vào năm kỷ niệm 15 năm giành độc lập đến tác phẩm bút ký, thơ ca của các tác giả nổi tiếng như Sức mạnh Việt Nam của P. Antôkiski sáng tác sau chuyến thăm Việt Nam năm 1958; Ánh sáng trong rừng sâu của đạo diễn, nhà văn, nhà báo Roman Karmen khi sang quay bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; đến các tập thơ của các nhà thơ Liên Xô thăm Việt Nam thời kỳ bom đạn Mỹ như Cô gái trong màu trắng của Evgheni Dolmatovski; Con đường số mộtcủa Evgheni Evtusenko hay Việt Nam mùa đông 1970 của K. Simonov... Ngoài ra còn nhiều trang báo cũ như số báo Văn nghệ năm 1954 ngay sau khi Hà Nội giải phóng đăng bài hát của tác giả Xô Viết Muradeli Sao vàng đất Việt, ca ngợi chiến thắng của Việt Nam; những chuyên trang văn học với các bài viết về cuộc míttinh của nhà văn, nhà thơ Xô Viết phản đối Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh không quân xuống miền Bắc Việt Nam năm 1966... Đặc biệt, bộ sưu tập còn có các số báo Xô Viết văn học đăng thơ của Eng Dolmatoiski viết ở tuyến lửa miền Nam Việt Nam gửi về và số đặc biệt mừng Việt Nam Dân chủ cộng hòa 30 tuổi ngay sau ngày Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Gian 2 với chủ đề Văn học Nga ở Việt Nam giới thiệu quá trình tiếp nhận văn học Nga ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Thông qua tư liệu và hiện vật được trưng bày theo các chuyên đề: Puskin ở Việt Nam; Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam; Các mảng sách của M. Goorki; Sách văn học Xô Viết - Nga viết cho thiếu nhi; Các sách văn học Xô Viết - Nga được xuất bản với sự cộng tác giữa hai nước, giữa Hội Nhà văn Việt Nam với nhà xuất bản Liên bang Nga Lokid Premium; Mảng văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Moscow, văn học Nga lần lượt trải qua 5 giai đoạn ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, từ sau tháng Tám 1945 - 1954, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi; bắt đầu xây dựng lại đất nước sau năm 1954, kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975; những năm xây dựng bước vào đổi mới 1975 - 1990; và từ sau khi Liên Xô sụp đổ tới nay. Nhiều kỷ vật liên quan đến văn học Nga các thời kỳ này như huy hiệu, tem, tiền đồng cũng được trưng bày tại gian lưu niệm này.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga, Gs, Viện sĩ Đào Trọng Thi khẳng định, Liên bang Nga là người bạn quốc tế lâu năm, là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Nếu kinh tế có khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và ViệtNamsắp hình thành thì văn hóa đã có Nhà văn học Nga của dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Đây là nơi ghi dấu thời kỳ sôi nổi với những trang nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc, từ đó khơi nguồn cảm hứng về thời kỳ văn học hào hùng của hai nước cho thế hệ trẻ ViệtNam, nhất là những bạn đang học tiếng Nga.
Mặc dù Nhà lưu niệm Văn học Nga được xây dựng và hình thành dưới hình thức tư nhân nhưng đã ghi nhận được toàn cảnh lịch sử quá trình xuất hiện và quảng bá văn học Xô Viết - Nga và sau này là Liên bang Nga từ khi có mặt ở ViệtNam. Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga Vladimir Shustov hy vọng: đây sẽ là công cụ đặc biệt trong ngoại giao văn hóa giữa hai nước, là phương tiện kết nối nhân dân hai nước
Người đại biểu nhân dân