317
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 23/12/2015 08:54
Nhà giáo tận tâm với công tác giáo dục quốc phòng
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam và Ngày hội quốc phòng toàn dân, các sĩ quan biệt phái ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng (TTGDQP) Hà Nội 1 thường đến thăm PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Phạm Khắc Học, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm thể dục Trung ương 1 (nay là Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội), nguyên Giám đốc TTGDQP Hà Nội 1. Ông nghỉ hưu đã 15 năm, sức khỏe giảm sút, nhưng vẫn rất minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ, ký ức về người hiệu trưởng-giám đốc trung tâm nhiệt tình, hết mình với công tác GDQP ngày nào vẫn hiện rõ trong chúng tôi-những sĩ quan biệt phái của TTGDQP Hà Nội 1.
Tác giả bài viết và các sinh viên học tập, rèn luyện tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội 1 đến thăm PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Phạm Khắc Học. Ảnh: Minh Hà

Năm 1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng thí điểm các TTGDQP, nhằm nâng cao chất lượng GDQP cho học sinh, sinh viên. Khi các cơ quan chức năng của hai bộ đang gặp khó khăn trong việc tìm “địa chỉ” thì Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm thể dục Trung ương 1 Phạm Khắc Học xung phong nhận nhiệm vụ này để “làm điểm” cho các trường trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù khi đó nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cả giáo viên, chỗ ở, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, nhưng ông vẫn động viên chúng tôi: “Ta không nên cầu toàn, nên vừa làm vừa hoàn thiện, “vừa chạy vừa dồn đội hình”. Thiếu chỗ ở cho sinh viên của trung tâm, ông động viên sinh viên nhà trường dồn ghép nơi ở. Thiếu giáo viên, ông cho mời thỉnh giảng ở các đơn vị, nhà trường quân đội và huy động giáo viên thể dục đã qua quân đội đảm nhiệm một số nội dung; đồng thời tổ chức mọi lực lượng của nhà trường cùng thực hiện nhiệm vụ. Với quyết tâm cao, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với anh em, ông đã giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo khai trương TTGDQP Hà Nội 1 đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1994).

 

Nhớ lại những ngày trung tâm mới đi vào hoạt động, sinh viên chưa quen với môi trường, tác phong còn chậm chạp, việc đầu tiên ông hướng dẫn các lớp là xây dựng nền nếp chính quy. Sinh viên đi học phải xếp hàng như học viên các trường quân đội, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy; giáo viên phải luôn thể hiện đúng tư thế, tác phong. Một hôm, khoảng 20 giờ, chúng tôi thấy sinh viên chạy rầm rập ngoài đường. Đồng chí trực ban cho biết: “Thầy giám đốc báo động đột xuất!”. Ra tới nơi tập trung, chúng tôi thấy Hiệu trưởng, Giám đốc trung tâm Phạm Khắc Học đang chấn chỉnh đội ngũ cho sinh viên, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát như một sĩ quan chỉ huy thực thụ. Trong công tác, PGS, TS Phạm Khắc Học luôn đề cao tính kỷ luật, nói đi đôi với làm. Điều đó đã tác động rất lớn đến ý thức của cán bộ, giáo viên trung tâm trong việc thực hiện và giữ gìn kỷ cương, nguyên tắc làm việc công sở, khích lệ mọi người phấn đấu vươn lên... Đặc biệt, đối với giáo viên, nhất là các sĩ quan biệt phái, hiệu trưởng yêu cầu luôn phải thể hiện đúng tư thế, tác phong, hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.   

 

Những lần chúng tôi đến thăm, ông rất vui, giọng nói vẫn sôi nổi, hào hứng như thuở nào. Ông kể cho chúng tôi bao kỷ niệm xưa, nhất là một thời gian khó và luôn động viên chúng tôi phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng TTGDQP Hà Nội 1 vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

QĐND